Mô hình kinh tế Trồng Nhãn Tiêu Trái Vụ: Hướng Đi Mới Cho Người Dân Xã Ea Nuôl (Đak Lak)

Trồng Nhãn Tiêu Trái Vụ: Hướng Đi Mới Cho Người Dân Xã Ea Nuôl (Đak Lak)

Ngày đăng 29/01/2013

Nhãn tiêu da bò trồng ở xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn - Đak Lak) đạt năng suất bình quân từ 14 - 16 tấn/ha/năm, với giá bán trong dịp tết là trên 20.000 đồng/kg, đã cho người trồng nhãn khoản lợi nhuận đáng kể. Nhờ trồng cây nhãn tiêu da bò, nhiều hộ đã thoát nghèo, trở nên khá giả và loại cây này hiện đang là cây trồng chủ lực của nhiều hộ dân nơi đây.

Anh Huỳnh Văn Phong, tên thường gọi là Sơn “nhãn”, là người đầu tiên đem cây giống nhãn tiêu da bò vào trồng ở buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl. Từ trồng thử nghiệm vài chục cây xen trong vườn cà phê để “lấy ngắn nuôi dài”, thấy giống cây này mang lại hiệu quả cao, anh Sơn đã nhân rộng được hơn 1 ha cây nhãn ghép, rồi sau đó phá bỏ toàn bộ diện tích cà phê kém chất lượng để trồng nhãn. Đến nay anh Sơn đã là chủ của vườn nhãn rộng hơn 3 ha với năng suất từ 14 - 16 tấn/ha. Do biết vận dụng khoa học kỹ thuật và chăm sóc theo đúng thời vụ, nên vườn nhãn ghép của anh Sơn có thể cho thu hoạch sớm, hoặc cho thu hoạch muộn hơn so với thời vụ, nên hiệu quả kinh tế cao hơn trồng nhãn thu chính vụ. Anh đã hướng dẫn các hộ ở vùng lân cận có diện tích đất trắng pha cát chuyển sang trồng cây nhãn để có giá trị kinh tế cao.

Gia đình anh Huỳnh Văn Lố (buôn Niêng 3) đã trồng được 8 sào nhãn tiêu da bò theo hướng dẫn của anh Sơn. Hai năm nay vườn nhãn trái vụ này đã cho năng suất 14 tấn/ha, với giá nhãn bán vào dịp gần tết Nguyên đán khá cao đã đem lại cho gia đình anh một khoản lợi nhuận đáng kể. Từ thành công của việc trồng cây nhãn tiêu da bò mà gia đình anh Lố đã thoát khỏi diện hộ nghèo của buôn và trở thành hộ khá giả, mua sắm được đầy đủ tiện nghi để phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl, để khai thác được tiềm năng kinh tế từ cây nhãn tiêu da bò trên vùng đất nghèo như xã Ea Nuôl thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng nhãn. Các cơ quan chức năng giúp địa phương tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng nhãn và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như việc thu hoạch, bán sản phẩm theo quy trình sản xuất sạch, để không chỉ là sản xuất bền vững mà còn là giảm nghèo bền vững.

 


Có thể bạn quan tâm

gia-san-mia-nguyen-lieu-nien-vu-2013-2014-la-750-kg Giá Sàn Mía Nguyên Liệu… huong-toi-vung-chuyen-chan-nuoi-bo-sua-o-huyen-don-duong-lam-dong Hướng Tới Vùng Chuyên Chăn…