Mô hình kinh tế Trồng thành công thanh long ruột đỏ

Trồng thành công thanh long ruột đỏ

Ngày đăng 28/09/2015

Anh Quang đang giới thiệu về cây thanh long ruột đỏ được trồng tại vườn của mình

Là một địa phương có thế mạnh về đất đỏ ba dan phù hợp với các loại cây trồng lâu năm

Trong đó có cây ăn quả, những năm qua, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã đầu tư trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới như xoài, nhãn, vải thiều, thanh long ruột đỏ... nhằm tìm ra những loại cây phù hợp đưa lại giá trị kinh tế cao, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh từ đất đai.

Trong đó, cây thanh long ruột đỏ là một trong những loại cây trồng mới được các hộ nông dân đưa vào trồng thử nghiệm cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Người đi đầu trong việc đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng thử nghiệm tại huyện Vĩnh Linh là anh Nguyễn Văn Quang ở tại thôn Tân Thủy (xã Vĩnh Thủy).

Đầu tháng 3 năm 2014, được sự hỗ trợ của Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện, gia đình anh Quang bắt đầu thực hiện dự án trồng cây thanh long ruột đỏ trên diện tích 3.500m2 với 300 trụ.

Sau hơn 1 năm, cây thanh long ruột đỏ đã tỏ ra thích nghi rất tốt với điều kiện khí hậu cũng như thổ nhưỡng ở đây, sinh trưởng và phát triển ổn định, tỷ lệ đậu quả từ 80 - 90%.

Với ưu điểm dễ trồng, chăm sóc, ít sâu bệnh, được thị trường ưa chuộng, giá cả luôn giữ ở mức ổn định từ 20 - 30 ngàn đồng/kg, thời điểm vào các dịp Lễ, Tết từ 50 - 70 ngàn đồng/kg.

Anh Quang cho biết, với thời tiết thuận lợi như hiện nay thì dự kiến từ nay đến cuối năm anh sẽ thu được thêm 5 lứa quả, với sản lượng bình quân khoảng 120 - 150 kg/lứa. Như vậy, với 300 trụ trồng thanh long ruột đỏ đã mang lại nguồn thu cho gia đình anh hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Theo anh Quang, cây thanh long ruột đỏ thích hợp với nhiều loại đất, trong đó thích hợp và phát triển tốt hơn cả là ở vùng đất đỏ ba dan.

So với cây thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ dễ trồng hơn, ít sâu bệnh, thời gian ra hoa dài hơn và sớm hơn 2 - 3 tháng, ra hoa nhiều đợt trong năm, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch, tỷ lệ đậu quả cao.

Sau khi ra hoa khoảng 1 tháng thì quả chín, mỗi trụ trồng cây thanh long cho khoảng 5 - 7kg quả.

So với các loại cây ăn trái khác, thanh long ruột đỏ đang chiếm ưu thế về năng suất và giá trị kinh tế mà nó mang lại. Hiện, thanh long ruột đỏ rất được người tiêu dùng ưa chuộng nên bán rất chạy, sản phẩm không đủ đáp ứng cho nhu cầu của người dân trong vùng.

Riêng về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long theo anh Quang cho biết, thanh long vốn thuộc họ xương rồng, không kén chọn đất đai hay thổ nhưỡng.

Kỹ thuật chăm sóc không khó. Để cây thanh long phát triển tốt và cho trái đạt hiệu quả cao đòi hỏi cây thanh long phải được trồng trên trụ.

Trụ trồng thanh long thích hợp nhất là trụ bằng xi măng, dài khoảng 2 - 2,2 mét, ngang 01 tấc, chôn trụ xuống khoảng 50 cm, phần còn lại của trụ cao từ 1,5 - 1,7m, trụ cách trụ từ 2,5 - 3m, khoảng cách này giúp cho người trồng phun thuốc, bón phân và thu hoạch trái được dễ dàng.

Mỗi trụ xi măng trồng 04 hom thanh long xung quanh. Sau khi trồng thanh long nên tưới nước định kỳ 1 - 2 ngày/lần, do thanh long là loại cây không cần nhiều nước nên chú ý tưới trên thân cây, hạn chế tưới vào gốc vì sẽ làm úng gốc.

Anh Quang còn lưu ý, để cây thanh long không mất dinh dưỡng, tuổi thọ cao và chất lượng trái đáp ứng yêu cầu khách hàng, cần tránh để quá nhiều trái trên cây.

Khi trái chín không neo trái, phải thu hoạch đúng ngày, nếu để trái quá chín rất dễ bị nứt và quan trọng là trái chín nhưng tia trái phải còn xanh.

Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc cây thanh long, người trồng cần thường xuyên cắt tỉa bỏ những nhánh thanh long già, không còn khả năng cho trái để cây tập trung nuôi dưỡng các nhánh khỏe mạnh.

Được biết, thanh long ruột đỏ là loại cây trồng lâu năm, có tuổi thọ bình quân khoảng trên 20 năm.

Chi phí ban đầu không nhiều lắm, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ha gồm chi phí đúc trụ, mua giống và vật tư phân bón nên việc mở rộng diện tích cây thanh long ruột đỏ là không khó. Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ thanh long ruột đỏ trên thị trường khá mạnh và ổn định.

Anh Quang cho biết thêm, vừa qua dự án “Chuyển giao mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ” của gia đình đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện Vĩnh Linh xếp loại xuất sắc.

Như vậy, cùng với các loại cây trồng lâu năm khác như hồ tiêu, cao su, cây ăn quả... thì hiện nay cây thanh long ruột đỏ đang mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho các hộ gia đình ở huyện Vĩnh Linh.

Do đó, trong thời gian tới, huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn các xã có điều kiện về đất đai chưa canh tác, nhất là ở vùng gò đồi, đất hoang hóa, bạc màu hoặc thực hiện cải tạo vườn tạp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nguồn thu nhập cao và ổn định cho nông dân.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan như Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng cây thanh long ruột đỏ để không chỉ cho năng suất sản lượng cao mà còn tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-lon-gia-cong-lai-tien-ty Nuôi lợn gia công lãi… thu-nhap-500-trieu-dong-tu-1-4-ha-xoai Thu nhập 500 triệu đồng…