Mô hình kinh tế Trung Tâm Chuỗi Sản Phẩm Cá Tra Ở Đâu?

Trung Tâm Chuỗi Sản Phẩm Cá Tra Ở Đâu?

Ngày đăng 16/07/2014

Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra ra đời sau gần 5 năm bàn thảo, đáp ứng mong đợi của nhiều người, mở ra kỳ vọng đưa ngành cá tra vượt khủng hoảng.

Tuy nhiên, hiện nảy sinh nhiều ý kiến trong thực hiện vì nhiều lý do, có cả tâm lý “muốn phát triển nhưng không muốn thay đổi”, mà tựu trung là xác định chủ thể trung tâm của chuỗi sản phẩm cá tra.

Ông Huỳnh Văn Thế ở ấp 7, xã Ba Trinh (Kế Sách, Sóc Trăng) đang rất lo lắng vì bán cá tra cho doanh nghiệp cả năm nay còn bị nợ tiền. Ông nuôi 7 ao cá tra, sản lượng một năm hàng nghìn tấn. Hơn năm trước, ngày 8/5/2013, ông ký hợp đồng bán cho Cty Cổ phần Việt An ở TP Long Xuyên (An Giang) 930 tấn cá.

Hợp đồng cam kết, Cty Việt An thanh toán cho ông “100% số tiền vào thời điểm sau 30 ngày kể từ ngày hoàn tất việc bắt cá”. Ngày 4/8/2013, hoàn tất việc bắt cá, tổng giá trị tiền bán cá hơn 23,4 tỷ đồng.

Đến nay, ông Thế mới được Cty Việt An trả hơn 13,2 tỷ đồng, còn hơn 10,2 tỷ đồng “cứ hứa lần hứa lữa”. Thậm chí, ngày 17/4/2014, TGĐ Cty Việt An là ông Lưu Bách Thảo ký công văn tự đề ra kế hoạch trả nợ cụ thể, đến ngày 30/5 dứt điểm, mong ông Thế “hỗ trợ và chấp thuận”.

Ông Thế thông cảm với Cty nên chấp nhận nhưng lời hứa tiếp tục bay theo gió. “Cty biết rất rõ tôi là người nông dân phải hỏi vay nợ bên ngoài để đầu tư nuôi cá, phải tốn kém chi phí thuê nhân công, gia đình phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới nuôi được số cá trên, nếu Cty Việt An chiếm đoạt kéo dài thì gia đình tôi sạt nghiệp”, ông Thế than thở.

Hàng chục hộ nuôi cá tra bị Cty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) chiếm dụng gần 50 tỷ đồng tiền bán cá kéo dài từ đầu năm ngoái đến nay cũng đang khốn đốn. Rất nhiều người nuôi cá tra khác nữa khắp ĐBSCL, có người đã sạt nghiệp, còn bị nợ nần vây bủa như ông Hồ Văn Nghĩa ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ), bị Cty Cổ phần XNK Việt Ngư ở TP Long Xuyên nợ hơn 3,1 tỷ đồng từ cuối năm 2011.

Nay ông Nghĩa đã bỏ nghề nuôi cá tra, đi làm thuê kiếm sống, nhưng món nợ hơn 400 triệu đồng vay của ngân hàng vẫn đe dọa phát mãi nhà cửa của ông. “Nếu vậy, gia đình tôi phải ra đường”, ông Nghĩa nói như khóc.

Chiếm dụng vốn của người nuôi cá tra diễn ra ở nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Võ Hùng Dũng, phân tích đặc trưng của ngành đòi hỏi vốn lớn, trong khi vốn của doanh nghiệp hạn chế nên dẫn tới chiếm dụng vốn người nuôi. Các doanh nghiệp còn chủ yếu sử dụng vốn vay ngắn hạn để kinh doanh.

“Năm 2013, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành cá tra sử dụng nợ ngắn hạn trung bình chiếm tới 97% tổng số nợ”, ông Dũng cho biết.

Chiếm dụng vốn, nợ nần lớn, kinh doanh kém hiệu quả đã đưa nhiều doanh nghiệp đến bờ vực phá sản. Cty Sohafood luôn báo cáo lãi trong nhiều năm nhưng đến cuối năm 2013, khi không còn trả được món nợ lớn tiền mua cá cho người nuôi, lãnh đạo Cty mới thừa nhận, lãi giả lỗ thật, nhiều năm Cty hoạt động được là nhờ chiếm dụng vốn của người nuôi cá.

Những doanh nghiệp yếu kém còn sử dụng thủ thuật gian lận chất lượng để giảm giá, tranh giành khách hàng nước ngoài với các doanh nghiệp khác. Không ít doanh nhân tâm huyết với ngành cá tra như ông Trần Văn Hùng, TGĐ Cty TNHH Hùng Cá ở Đồng Tháp, cũng phải bức xúc về tình trạng một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, làm giảm chất lượng và uy tín cá tra trên thị trường.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, phải đặt người nuôi cá vào vị trí trung tâm. Ông phân tích: “Nuôi cá tra, người nuôi chịu rủi ro đến 70-80% trong khi họ được chia lợi nhuận có 20%, thậm chí thua lỗ. Lợi ích chuỗi sản phẩm cá tra phải chia hợp lý thì mới bền vững và theo quan điểm của tôi, phải đặt người nuôi vào vị trí trung tâm mới có thể bàn đến việc phân chia lợi ích hợp lý”.

Sáng 10/7, tại TP Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản và đại diện các địa phương vùng ĐBSCL bàn việc quy hoạch nuôi cá tra để thực hiện Nghị định 36. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, bà Phạm Thị Thu Hồng, nêu câu hỏi: Tại sao hệ số chế biến cá tra 2,5- 2,7 mà thống kê năm 2013, sản lượng cá tra hơn 1,1 triệu tấn, lại có đến 741.535 tấn sản phẩm chế biến xuất khẩu (hệ số chỉ gần 1,5)?

Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Nguyễn Việt Thắng nói ngay, đấy là thêm nước vào, mạ băng tỷ lệ lớn và tăng hàm lượng nước trong thịt cá! Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cũng thừa nhận, cần giảm hàm lượng nước để nếu sản lượng xuất khẩu có thấp nhưng bán được giá cao, nâng cao chất lượng cá tra trên thị trường.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Hồ Văn Vàng đồng ý với Nghị định 36, giao cho Hiệp hội Cá tra đăng ký xuất khẩu. “Hiệp hội Cá tra điều phối các hoạt động sản xuất nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu đảm bảo minh bạch, khách quan vì lợi ích chung”, ông Vàng khẳng định.

Lãnh đạo VASEP lo ngại việc đăng ký làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, chậm cơ hội kinh doanh và còn dễ làm lộ bí mật hợp đồng. Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Võ Hùng Dũng khẳng định, thủ tục đăng ký sẽ rất đơn giản, thuận lợi, bí mật kinh doanh cũng được đảm bảo. Theo ông Dũng, hồ sơ đăng ký có thể gửi trực tiếp, qua đường bưu điện, fax hoặc qua mạng.

Phát triển chuỗi sản phẩm cá tra là mục tiêu của Nghị định 36, cũng là mong muốn của người nuôi và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra. Những ý kiến trái chiều trong việc thực hiện Nghị định 36 hiện nay, chủ yếu xoay quanh quan điểm xác định chủ thể trung tâm của chuỗi sản phẩm.

Lãnh đạo VASEP cho rằng, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần ở vị trí trung tâm, vì doanh nghiệp phát triển thì cả ngành cá tra mới phát triển. Nhưng ông Hồ Văn Vàng băn khoăn, thực tế hơn chục năm qua, doanh nghiệp chế biến cá tra chưa chứng tỏ được khả năng phát triển, mà ngược lại gây ra khủng hoảng kéo dài.

Những doanh nghiệp hàng đầu xuất khẩu cá tra vào Mỹ từng đưa ra cam kết giá sàn để đảm bảo lợi nhuận cho chế biến và nuôi trồng, nhưng chính họ vi phạm cam kết.


Có thể bạn quan tâm

quan-chat-dat-nong-lam-truong Quản Chặt Đất Nông Lâm… vi-sao-gia-duong-viet-nam-cao-nhat-the-gioi Vì Sao Giá Đường Việt…