Tư duy giá rẻ giết chết nền sản xuất
“Giá rẻ” sẽ đi kèm với hàng “kém chất lượng”, trong khi Việt Nam gia nhập TPP, đòi hỏi hàng hóa phải chất lượng cao; mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý thì mới có thể cạnh tranh với hàng hóa các nước trên thế giới… – ông Đỗ Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH SX TM Thủy sản AFA, bày tỏ quan điểm.
Từ lúa, cá…
Ông Nghiệp dẫn chứng, trước năm 1996, một số DN xuất khẩu cá tra, basa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đưa hàng vào thị trường Mỹ, EU bán giá 5 USD/kg.
20 năm sau, cũng mặt hàng cá tra, basa nhưng giá bán tại thị trường này giảm xuống chỉ còn từ 2,2 - 2,3 USD/kg.
Sản xuất hàng “giá rẻ” đã làm cho hàng loạt các DN phá sản, người nuôi lao đao, ngân hàng gánh rất nhiều nợ xấu.
“Năm 2007, sản lượng cá tra nuôi ở ĐBSCL lên đến 1,2 triệu tấn.
Trong những năm đó, mỗi khi đến đợt thu hoạch cá, nông dân lãi ít nhất từ 1.000 đồng/kg.
Nay, giá cá nguyên liệu chỉ còn 19.800 đồng/kg, mỗi kg cá người nuôi lỗ ít nhất 1.000 đồng/kg” – ông Nguyễn Thành Lợi, ngư dân xã Hòa Lạc (Phú Tân) bộc bạch.
Cá tra file xuất ra các thị trường trên thế giới đang ở quanh mức 2,2 – 3 USD/kg
Sản xuất hàng “giá rẻ” đồng nghĩa với chất lượng không đảm bảo.
Cụ thể, khi xuất cá tra vào thị trường Hồng Kông, một số đơn hàng mà DN thực hiện có tỷ lệ mạ băng lên đến 30%, độ ẩm vượt xa mức cho phép là 83%.
Ở tỷ lệ mạ băng và độ ẩm này, khi rã đông, miếng phi lê “rất nhão”, điều đó cho thấy sản phẩm “giá rẻ” luôn phải đi kèm với chất lượng kém là điều không tránh khỏi.
“Thời gian qua, chúng ta định vị sản phẩm cá tra, basa của mình ở phân khúc quá thấp.
Đây là một điều sai lầm.
Chúng ta bán sản phẩm với “giá rẻ” nhưng hơn 10 năm qua, sản xuất ngành hàng này có phát triển đâu?
Ngược lại, tư duy “giá rẻ” đã đẩy hàng loạt người tham gia ngành hàng này vào con đường phá sản” – bà Nguyễn Thị Hoài Thu, xã Long An (Tân Châu) bức xúc.
Trên lĩnh vực xuất khẩu gạo, 9 tháng của năm 2015, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt kim ngạch 1,95 tỉ USD, giảm 8,7% giá trị so với cùng kỳ.
Gạo Việt giờ đây có giá bán thấp hơn gạo cùng loại của Campuchia (CPC).
Cụ thể, gạo loại 5% tấm của CPC bán trên thị trường ngày 14-10-2015 từ 415 – 420 USD/tấn (điều kiện giao hàng là FOB).
Trong khi gạo Việt, giá chỉ từ 350 – 360 USD/kg.
Giá xuất luôn ở mức thấp nên giá lúa nguyên liệu trong nước từ nhiều năm qua cũng không thể cao, nông dân sản xuất có năm phải thua lỗ vì chi phí sản xuất tăng.
Đây là một thực trạng đáng buồn của xuất khẩu lương thực nước ta trong nhiều năm qua.
Đến hàng tiêu dùng
Sản xuất hàng xuất khẩu là vậy, còn việc sản xuất hàng hóa thiết yếu để phục vụ cho nhu cầu trong nước cũng không hơn.
Câu chuyện nước tương Thanh Hồ (TX.
Tân Châu) bị các đối thủ cùng ngành hàng cạnh tranh bằng hình thức “hạ giá bán” để chiếm lĩnh thị trường là một điển hình.
Bà Đỗ Thị Giao Linh, Giám đốc Công ty TNHH 2 thành viên Thanh Hồ cho biết, tương Thanh Hồ mỗi lốc gồm 12 hũ, giá bán 76.000 đồng, trong khi tương của đối thủ cạnh tranh chỉ bán với giá 65.000 – 70.000 đồng/lốc.
“Để cạnh tranh, các đối thủ trong ngành tương đã sử dụng đường hóa học (có vị ngọt gấp 30 – 50 lần đường thốt nốt nhưng giá rẻ hơn nhiều) để sản xuất.
Trong khi tương Thanh Hồ được sản xuất bằng đường thốt nốt” – bà Linh cho biết.
Ngoài ra, để hạ thấp giá thành, các đối thủ cạnh tranh đã sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; mua đậu nành kém chất lượng để sản xuất.
Chính điều này đã làm cho các cơ sở sản xuất luôn chấp hành các quy định của Nhà nước bị thiệt thòi.
“Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát giá sàn sản xuất, quy định giá sàn bán sản phẩm trên thị trường.
Nếu để thả nổi như thế này thì sự cạnh tranh giữa các DN trong cùng một ngành hàng ngày càng trở nên khốc liệt.
Cũng là sản xuất rượu đế, rượu của Vĩnh Khang sản xuất ra không có methanol, andehit, fufurol… vì vậy giá thành sản xuất cao, giá bán trên thị trường phải cao.
Trong khi rượu của các lò nấu thủ công, không xử lý được các chất độc trong rượu, giá bán đến tay người tiêu dùng chỉ có 12.000 - 15.000 đồng/lít thì thử hỏi, làm sao các lò rượu sản xuất theo quy trình công nghệ hiện đại cạnh tranh nổi với lò thủ công về giá…” – ông Phạm Quang Vinh, chủ cơ sở sản xuất rượu Vĩnh Khang, bày tỏ.
Để tránh tư duy sản xuất hàng “giá rẻ” dẫn đến việc sản xuất kém hiệu quả, Nhà nước cần tạo ra một khung pháp lý đủ mạnh để điều chỉnh những hành vi sai trái, cạnh tranh thiếu tính lành mạnh của DN.
Mỗi một ngành hàng, DN sản xuất cần định vị sản phẩm của mình đúng với giá thị trường mà ở đó, những người tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng đạt lợi nhuận tối thiểu để có thể tái sản xuất trong một thời gian lâu dài.
“Để tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong cùng một ngành hàng như hiện nay thì vai trò của hiệp hội ngành hàng cần được nâng cao.
Các hội viên trong hiệp hội phải có tiếng nói chung, cùng đưa ra giá sàn sản xuất và giá sàn bán sản phẩm.
Trên cơ sở đó, nếu ai vi phạm phải xử lý đến nơi đến chốn.
Có vậy, tình trạng bán phá giá lẫn nhau trong cùng một sản phẩm mới được hạn chế đến mức thấp nhất” – ông Lê Thành Lập, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang, kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ