Từ Sự Hiếu Kỳ Trở Thành Ông Chủ Trại Lươn Giống
"Bén duyên" với con lươn đã 16-17 năm, nhưng mãi tới nay anh Huỳnh Ninh Hà, ở xã Long Đức, huyện Long Thành mới công bố nghề này: nghề nuôi lươn đẻ! Những câu chuyện về nuôi lươn khá lý thú của người thương binh mang trên mình gần 20 vết thương này đã lôi cuốn được nhều người đến thăm trại nuôi lươn của anh.
Từ chuyện lươn cái biến thành lươn đực...
Chúng tôi đến thăm trại lươn của anh Hà vào lúc anh đang chuẩn bị đưa lươn đi giao cho khách hàng. Khi được hỏi về nguyên do đến với nghề nuôi lươn, anh Hà cười hóm hỉnh: "Tất cả cũng tại con lươn đực đây. Lúc trẻ tôi cứ nghe mọi người bảo lươn cái chỉ sau 3 lần đẻ (3 năm) là chúng biến thành con lươn đực. Vậy là tôi đi bắt lươn về nuôi thử, ai ngờ đúng vậy thật. Lươn cái sau 3 lần đẻ sẽ không sinh sản nữa. Khi mổ ra bên trong thấy có tinh hoàn và buồng trứng biến đi đâu mất! Qua quá trình nuôi, tôi thấy thích rồi mê luôn. Nhiều người vẫn đùa là tôi mê lươn quên hết cả chuyện gia đình...".
Năm nay anh Hà đang bước sang tuổi 50, nhưng đã có gần 20 năm tìm hiểu về loài này. Anh kể: "Ngày mới nuôi thử nghiệm ở Long Thành, tôi thấy 1 năm chúng sinh sản tới 3 lứa và 2 năm đẻ tới 6 lứa. Tôi nghĩ câu chuyện truyền khẩu dân gian cho rằng lươn đẻ 1 năm 1 lứa, đồng thời sau 3 lứa biến thành con lươn đực chẳng lẽ sai? Sau này tôi mới biết, mỗi năm lươn đẻ 1 lần vào đúng mùa thay đổi thời tiết. Sau khi chúng có chiều dài đạt hoảng 57cm thì chúng không phát triển buồng trứng nữa mà cơ quan sinh dục đực phát triển và biến thành lươn đực. Một số lươn khi mổ ra thấy chúng có cả buồng trứng và cả cơ quan sinh dục đực (lươn pê-đê)"
Nuôi lươn : Nghề giản đơn và nhàn hạ...
Bắt đầu tìm hiểu về nuôi lươn từ những năm 1988 - 1989 nhưng do bận làm việc ở một công ty và thiếu vốn nên phải đến năm 2004 anh Hà mới chính thức bước vào nghề sản xuất lươn giống.
Với hơn 10 chiếc bể bằng xi-măng to nhỏ khác nhau, anh đã nuôi đủ loại, từ lươn 10 ngày tuổi đến lươn hơn 1 năm tuổi. Trong đó, anh đang tự khảo nghiệm 4 mô hình: nuôi lươn ở nước trong và dây ni-lông; nuôi lươn ở nước trong và lục bình; nuôi lươn theo kiểu tự nhiên trong bùn và nuôi lươn ở dưới kết hợp nuôi trùn quế bên trên. Anh Hà cho biết, nuôi lươn theo dạng "không bị lấm đầu" (nuôi bằng nước trong và lục bình hoặc ni-lông) thì chậm lớn hơn so với nuôi lươn trong sình (đắp sình trong bể giả môi trường tự nhiên).
Theo tính toán của anh, thì nuôi 1kg lươn giống sau 3 tháng sẽ được 8 kg lươn thương phẩm, bán với giá tối thiểu 60.000đồng/kg, trừ chi phí cũng còn lãi 280 ngàn đồng/ lứa. Anh Hà cho biết, nuôi lươn khá đơn giản và nhàn. Những hộ chưa có điều kiện xây bể xi-măng thì có thể làm bể bằng đất mua tấm bạc ni-lông quây lại là nuôi được. 1m3 bể có thể nuôi được khoảng 1kg lươn giống. Thức ăn của lươn cũng khá phong phú, gồm: ốc bươu vàng, cá hư, trùn quế...
Những hộ chăn nuôi bò thì càng tiện lợi, nếu áp dụng theo mô hình tận dụng phân bò nuôi trùn quế bên trên và nuôi lươn ở dưới sẽ không phải cho lươn ăn và một người có thể nuôi 20kg lươn giống mà vẫn có thời gian làm thêm việc nhà. Anh nói: "Nuôi theo mô hình này nhàn lắm, trùn lớn lên chui xuống, còn lươn đói lại chui lên tìm trùn ăn, mình chỉ mất mỗi công bổ sung phân cho trùn và tưới nước giữ độ ẩm. Gọi là nuôi lươn công nghiệp chứ hoàn toàn không có một chút nào là thức ăn công nghiệp, toàn bộ là thức ăn thiên nhiên hết. Chính vì vậy vừa rồi mấy ông Tây vào đây xem khoái lắm và đã bàn hợp đồng mua lươn, nhưng mỗi ngày họ đòi phải có tới 500kg đến 1 tấn lươn, tôi không đáp ứng đủ nên đành thôi".
Anh Hà còn cho biết, anh muốn xây dựng trại lươn giống chuyên nghiệp nên đã thế chấp tài sản cho ngân hàng và được ngân hàng hứa cho vay đủ vốn nhưng đến khi công trình xây dở dang, ngân hàng chỉ giải ngân cho 50 triệu đồng! Số tiền này cộng vốn tự có vẫn chưa được một nửa vốn cần thiết nên anh phải chạy mượn anh em mỗi người một ít, nhưng làm mãi mà vẫn chưa xong".
Anh Hà có dự định sẽ chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân và đứng ra cung cấp con giống, mua lại lươn thương phẩm. Anh nói: "Nếu làm xong trại lươn giống này, công việc đầu tiên là tôi sẽ kết hợp với những hội cựu chiến binh ở địa phương để tạo điều kiện về con giống và kỹ thuật cho anh em phát triển kinh tế gia đình nhưng rất tiếc nguồn vốn đến nay vẫn chưa xoay xở đủ...".
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ