Tin nông nghiệp Tự trồng, tự nuôi chưa hẳn đã là thực phẩm sạch

Tự trồng, tự nuôi chưa hẳn đã là thực phẩm sạch

Tác giả Ngọc Thọ, ngày đăng 20/09/2016

Năm 2007, tôi mở một cửa hàng thực phẩm sạch đầu tiên tại đường Lê Văn Lương (Hà Nội), lúc ấy khái niệm thực phẩm sạch còn quá lạ lẫm với người dân. Tôi mừng vì giờ đây với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí truyền thông, ý thức tiêu dùng thực phẩm sạch vì sự an toàn của bản thân, gia đình, cộng đồng đã được nâng lên đáng kể”.
Anh Đào Ngọc Nam

Anh nói: Nhiều người tiêu dùng hiện đang có sự nhầm lẫn. Nhiều người vẫn nghĩ rằng tự tay mình trồng một luống rau hay trồng rau trong thùng xốp ngay tại nhà sẽ rất sạch. Nhưng thực tế, quan niệm như vậy lại là sai. Vì khi một gia đình ra chợ mua thùng xốp, mua đất về rồi gieo hạt giống trong thùng xốp đó, đặt thùng xốp ở vệ đường với xe cộ qua lại thường xuyên, bụi bặm bám hết vào thân, cành, lá thì làm sao rau có thể “sạch” được”.

Tự trồng, tự nuôi chưa hẳn đã sạch

Thưa anh, một câu hỏi nghe có vẻ rất “ngô nghê” nhưng rau thế nào thì được gọi là rau sạch?

- Rau sạch là phải sạch cả về hóa, sinh, lý học. Sạch về hóa học là rau không dùng chất cấm, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực phẩm vì những hóa chất này rất nguy hiểm vì không thể tẩy rửa được. Việc tránh dùng những chất trên sẽ giúp rau an toàn được một phần.

Thế nhưng, yếu tố thứ hai là sinh học cũng quan trọng không kém. Dù rau trồng không phun thuốc trừ sâu nhưng lại trồng ở nơi ô nhiễm về nguồn nước, đất, không khí, thậm chí lúc rửa rau, sơ chế chuẩn bị nấu nướng mà nguồn nước sử dụng cũng không an toàn, không sạch thì không thể nói là sạch được.

Yếu tố cuối cùng là về lý học, chúng ta mua rau sạch về mà để rau thối rữa, bảo quản không đúng cách làm hỏng, ố, thối rữa thì cũng sinh ra những vi khuẩn có hại cho sức khỏe khi ăn vào.

Nói tóm lại, muốn có một sản phẩm rau sạch thì nơi trồng rau thật sự sạch từ giống, đất, nước, không khí, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho tới việc sạch trong thu hoạch, đóng gói, bảo quản, chế biến... Chúng ta chỉ thực hiện một khâu rồi bảo là rau sạch thì không đúng.

Vừa qua, Chuỗi thực phẩm sạch An Việt là 1 trong 10 đơn vị được được Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội lựa chọn thí điểm truy xuất nguồn gốc nông sản bằng smartphone. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh (smartphone) chạy hệ điều hành IOS hoặc Android quét mã QR code trên sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết, cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối. Thậm chí, thấy được các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm và phản hồi ý kiến tới cơ quan chức năng

Vậy thịt sạch thì sao? chúng tôi thấy hiện nay dường như đang có một “trào lưu” săn lùng lợn mán, mường, cắp nách... nuôi thả rông và xem đó là lợn sạch, giá bán loại này trên thị trường rất cao?

- Đúng là hiện nay gần như đang có một “phong trào” về sử dụng thịt lợn Mán, Mường, lợn Lào, lợn cắp nách... và coi đây là nguồn thịt sạch. Tuy nhiên, đây lại là quan niệm sai. Dù ăn thịt lợn nuôi theo cách chạy đồi, thả rông, về vị giác có vẻ săn chắc hơn, ngon hơn. Tuy nhiên thực tế lợn thả rông có mấy con được kiểm dịch về bệnh, kiểm soát được thức ăn? Thậm chí, lợn nuôi thả rông còn uống nước vũng, ăn chất bẩn thỉu, cơm thừa canh cặn bị ôi thiu nhiễm khuẩn thì không thể sạch được. Những con lợn thả rông là lợn chứa nhiều sán nhất, nguy hiểm nhất.

Thịt lợn sạch là phải từ lợn có giống tốt, giống không thoái hóa được tuyển lựa kỹ từ nguồn gen lợn cụ kỵ, ông bà, bố mẹ, có sức kháng bệnh cao. Lợn sạch phải là lợn được cho ăn thức ăn thật sạch, không ôi thiu. Lợn sạch cũng phải là lợn được tiêm phòng đầy đủ để kháng bệnh (tiêm kháng bệnh khác với dùng kháng sinh - PV). Khi lợn đã xuất chuồng từ khâu bắt giữ, vận chuyển, khu giết mổ cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Nếu chỉ một khâu thôi như khâu sơ chế, giết mổ mất an toàn vệ sinh thì cũng không được.

Thưa anh, với 10 năm phát triển, nông dân đóng vai trò như thế nào trong Chuỗi thực phẩm sạch của An Việt?

- Rõ ràng, các công ty sản xuất, cung ứng nông sản sạch như An Việt chúng tôi phải gắn chặt với người nông dân. Nông dân chúng ta có kinh nghiệm, có bề dày trong sản xuất nông nghiệp. Thế mạnh của chúng tôi là cách làm khoa học, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới vào trong sản xuất. Do vậy, chúng tôi đào tạo, hướng dẫn cho nông dân tại các cơ sở sản xuất thuộc chuỗi thực phẩm an toàn của chúng tôi làm quen với quy trình mới. Thế nhưng, kinh nghiệm và sự khéo léo trong trồng trọt, chăn nuôi... người nông dân lại giúp cho chúng tôi rất nhiều trong sản xuất nông nghiệp.

Chúng tôi mong muốn, trong chuỗi nông sản an toàn của An Việt thì mỗi nông dân phải thực sự là người “công nhân” trên đồng ruộng. Điều này tạo sự khác biệt giữa người nông dân truyền thống với người nông dân sản xuất trong hệ thống thực phẩm sạch, an toàn của An Việt và cũng mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Giám sát bằng camera, GPS hành trình

Vậy một cơ sở trồng trọt, chăn nuôi... muốn là đối tác của An Việt thì phải đảm bảo những điều kiện gì?

- An Việt sẽ cân nhắc thế mạnh, chuyên môn của đơn vị đó là gì, đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm gì, cơ sở vật chất, đất đai, nguồn nhân lực và tư liệu sản xuất ra sao để lên An Việt phương án hỗ trợ. Sau khi xem xét tổng thể tất cả yếu tố đó, nếu đảm bảo, An Việt sẽ nhận làm đối tác của mình và hỗ trợ cả về kỹ thuật lẫn vốn. Trước tiên, An Việt mua cổ phần tại các đơn vị này và hỗ trợ bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo tiêu chuẩn của các cơ quan chức năng và cả những tiêu chuẩn cao của An Việt. Các cơ sở sản xuất nông sản sạch thuộc chuỗi của An Việt phải chịu sự giám sát của cơ quan chức năng và những tiêu chuẩn khắt khe của An Việt.

Thế nhưng, đối tác của An Việt khá nhiều. Làm sao anh giám sát được tất cả các công đoạn?

- Ngoài những điều kiện mà chúng tôi đặt ra về kỹ thuật như kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, điều kiện về con giống, xuất xứ, tiêu chuẩn về thức ăn, phân bón... thì chúng tôi còn giám sát bằng camera và cả GPS (giám sát hành trình).

Cụ thể, chúng tôi lắp đặt camera tại vùng sản xuất. Người tiêu dùng, khách hàng là cá nhân, tập thể của An Việt có thể xem trực tuyến quá trình sản xuất của đơn vị cung ứng sản phẩm đó ngay tại nông trại qua máy tính, smartphone.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ áp dụng hệ thống định vị GPS – giám sát hành trình với xe vận chuyển nông sản sạch từ vùng sản xuất tới nơi sơ chế, tới kho công ty và tới nơi tiêu thụ. Chúng tôi muốn giám sát tuyệt đối, tránh những tiêu cực phát sinh có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển như tráo đổi, trà trộn sản phẩm.

Vậy người tiêu dùng muốn tìm hiểu, mua sử dụng sản phẩm nông sản sạch của An Việt thì tới đâu, thưa anh?

- Sản phẩm của An Việt có mặt tại nhiều nơi. Tại Hà Nội, chúng tôi có nhiều đại lý nhập hàng của An Việt Food và bán trong siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch, thựa phẩm an toàn. Tính tới thời điểm này, chúng tôi có gần 60 điểm bán thực phẩm sạch, an toàn. Chúng tôi tham gia đều đặn phiên chợ nông sản an toàn tại Trung tâm triển lãm Nông nghiệp tại số 489 đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội).

Mục tiêu của Chuỗi thực phẩm sạch An Việt là cung cấp thực phẩm sạch nhất, tốt nhất, giá phải chăng nhất tới từng khu dân cư, từng hộ dân và người tiêu dùng, giúp người dân không phải băn khoăn, lo lắng trong việc chọn mua thực phẩm chế biến cho bữa ăn hằng ngày. Chúng tôi cũng mong muốn hợp tác và hỗ trợ nhiều hơn cùng người nông dân. An Việt mạnh, người nông dân cũng mạnh theo.

Xin cảm ơn anh!


Có thể bạn quan tâm

dat-ngang-da-quy-vi-sao-sam-my-van-duoc-lung-mua-o-chau-a Đắt ngang đá quý, vì… tap-trung-ho-tro-nong-dan-xay-dung-kinh-te-hop-tac Tập trung hỗ trợ nông…