Mô hình kinh tế Tương Lai Cá Tra - Nhìn Từ Giống

Tương Lai Cá Tra - Nhìn Từ Giống

Ngày đăng 14/06/2012

Nuôi cá tra thương phẩm đạt hiệu quả cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chất lượng con giống là một trong những khâu quyết định. Tuy nhiên, chất lượng cá tra giống hiện đang nằm trong tình trạng “báo động đỏ”. Nếu không có những giải pháp để nâng cao chất lượng con giống thì ngành cá tra Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều hệ lụy.
Tỷ lệ hao hụt lớn
Giống là yếu tố rất quan trọng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu, đồng thời làm tăng giá trị lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho người nuôi.
Hiện nay, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 200 trại sinh sản cá tra bột và 4.000 hộ ương cá giống. Sản lượng cá giống toàn vùng đạt trên dưới 2 tỷ con mỗi năm, về cơ bản đáp ứng cho nhu cầu nuôi. Tuy nhiên, do thị trường cá tra nguyên liệu không ổn định đã dẫn đến tình hình sản xuất cá tra giống cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.

Việc sản xuất giống cá tra hiện nay mặc dù phát triển theo quy luật cung – cầu nhưng còn mang tính tự phát, sản xuất chạy theo số lượng, không quan tâm đến chất lượng. Nhiều cơ sở sản xuất giống không đảm bảo các điều kiện sản xuất, kinh doanh. Chất lượng con giống không bảo đảm, gây hao hụt trong quá trình nuôi.

Chất lượng cá tra giống giảm khiến người nuôi phải mất 7 - 8 tháng để có cá cỡ 0,8 - 0,9 kg/con - Ảnh: Lê Vũ

Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, tỷ lệ hao hụt trong các ao nuôi cá tra hiện nay lên đến 30 - 35%, cá biệt có những ao nuôi cá tra có tỷ lệ hao hụt lên đến 40 - 50% do thả cá với mật độ quá cao (trên 100 con/m2).
 
Chi phí nuôi tăng cao

Trước đây, do chất lượng cá giống khá tốt, thời gian nuôi chỉ mất 5 - 6 tháng là đã có cá đạt kích cỡ đúng tiêu chuẩn xuất khẩu (khoảng 0,8-0,9 kg/con), hệ số thức ăn (FCR) đạt khoảng 1,5 - 1,6.

Còn hiện nay, khi chất lượng cá tra giống đang suy giảm, để đạt được kích cỡ cá trên, người nuôi phải mất 7 - 8 tháng, FCR lên đến 1,7 - 1,8. Đó là chưa tính đến lượng thức ăn bị lãng phí do đã cho số cá sau đó bị chết ăn.

Do đó, chi phí thức ăn trong quá trình nuôi đối với mỗi ha cũng tăng thêm khoảng 500 - 600 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc giá thành mỗi kg cá cũng tăng tương ứng thêm 1.500 - 2.000 đồng/kg.
 
Chất lượng cá nguyên liệu giảm sút

Chất lượng giống cá tra thấp không những ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ sống của cá nuôi, năng suất và thời vụ… mà còn ảnh hưởng đến cả chất lượng cá nguyên liệu. Chất lượng cá nguyên liệu bị giảm sút một cách trầm trọng. Cá dễ bị còi cọc, dị hình, màu thịt cơ xấu, tỷ lệ thu hồi fillet giảm.

Theo kết quả điều tra tại các nhà máy chế biến, tỷ lệ fillet cá tra thường đạt khoảng 35%, còn lại 65% là phế phẩm như xương, da, thịt vụn, nội tạng, mỡ… Đối với các phế phẩm này, ngoài một số phần được tách riêng để chế biến tiếp thành những sản phẩm giá trị gia tăng tiêu dùng nội địa như bong bóng, bao tử, thịt vụn, mỡ thì phần còn lại chủ yếu vẫn được bán xô để làm bột cá.

Chất lượng con giống cá tra suy giảm kéo theo nhiều hệ lụy – Ảnh: Bảo Yến

Theo Bộ NN&PTNT, vùng ĐBSCL hiện có 193 nhà máy chế biến thủy sản (chủ yếu là cá tra và tôm) với tổng công suất thiết kế trên 1,2 triệu tấn/năm. Chính vì vậy, lượng phế phẩm sau khi fillet cá là rất lớn. Nâng cao chất lượng con giống chắc chắn sẽ nâng cao được tỷ lệ fillet cá, cũng đồng nghĩa với việc giảm lượng phế phẩm dồi dào, tăng hiệu quả sản xuất, giảm nhẹ việc xử lý chất thải, tránh lãng phí nguyên liệu...

>>  Theo ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, việc cải thiện chất lượng giống cá tra là không thể chần chừ, chờ đợi thêm nữa, mà phải bắt tay vào làm quyết liệt ngay từ bây giờ.
 
Dịch bệnh cũng nhiều hơn

Theo kết quả khảo sát gần đây của Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Nam Bộ, tỷ lệ cá tra nuôi ở ĐBSCL bị nhiễm bệnh là khá cao. Hầu như tất cả các vùng nuôi đều xuất hiện những loại bệnh phổ biến trên cá tra như xuất huyết, trắng mang, trắng gan, và nhất là căn bệnh nguy hiểm gan thận mủ… Có những vùng nuôi, tỷ lệ cá tra nhiễm bệnh gần như tới 100%.

Cá tra ở ĐBSCL bị bệnh từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, là do cá bị nhiễm khuẩn gây các bệnh xuất huyết, đốm trắng…, hoặc bị các loài ký sinh trùng (trùng mặt trời, trùng bánh xe…), giáp xác ký sinh và nấm gây hại. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cho cá không cân đối đã gây ra hội chứng thiếu vitamin, thiếu canxi; môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm…

Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là chất lượng cá tra giống đã xuống cấp đến mức đáng báo động. Chất lượng đàn cá bố mẹ bị thoái hóa, lai cận huyết, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất cá bột, cho cá đẻ ép, đẻ non và đẻ nhiều lần trong năm…

Do đó, việc nâng cao chất lượng con giống để có con giống sạch bệnh, có sức đề kháng tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh… nhằm tạo điều kiện cho quá trình nuôi thương phẩm gặp nhiều thuận lợi hơn là điều rất cần thiết.
 
Đe dọa tới môi trường

Chi phí tăng cao nên trên thực tế nông dân thường ương cá với mật độ cao hơn rất nhiều với mật độ được khuyến cáo. Hầu hết các hộ nuôi đều thả cá với mật độ có khi lên tới 60 – 100 con/m2.

Mật độ con giống cao nên lượng chất thải trong quá trình nuôi như thức ăn dư thừa, chất thải của cá, cá chết... đều cao hơn mức bình thường. Điều này khiến chất lượng nước suy giảm nhanh chóng. Chất lượng con giống kém, sức đề kháng yếu nên dịch bệnh dễ xảy ra, nhất là vào giai đoạn chuyển mùa. Theo nghiên cứu gần đây của trường Đại học Cần Thơ, tỷ lệ cá tra nhiễm bệnh ở một số vùng nuôi đã lên đến gần 100%.

Ở những vùng nuôi cá chết nhiều, môi trường đã xấu đi rõ rệt. Điều này không chỉ khiến người nuôi phải bỏ ra chi phí lớn hơn để mua hóa chất xử lý, quản lý môi trường ao nuôi và thuốc phòng trị bệnh cá, mà còn làm cho cả cộng đồng cũng phải chịu nhiều hậu quả.
 
Muốn bền vững, cần nâng cao chất lượng

Chất lượng cá giống suy giảm là một thực trạng đáng lo ngại, làm giảm hiệu quả nuôi một cách nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do chất lượng đàn cá bố mẹ bị thoái hóa, lai cận huyết, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất cá bột, cho cá đẻ ép, đẻ non và đẻ nhiều lần trong năm. Chính vì thế, để cải thiện chất lượng cá tra giống, bên cạnh việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ chất lượng đầu vào thì việc chuẩn hóa đàn cá bố mẹ cũng là điều cần thiết phải thực hiện ngay.

Vừa qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 (RIA 2) đã chuyển giao 101.000 con cá tra bố mẹ hậu bị cho 9 tỉnh nuôi cá tra ở ĐBSCL. Dự kiến, nguồn cá bố mẹ hậu bị này sẽ đáp ứng được 60% nhu cầu cá tra giống của người nuôi tại các tỉnh ĐBSCL.

Trong thời gian tới, mỗi năm RIA 2 sẽ tiếp tục chuyển giao cho 9 tỉnh ĐBSCL khoảng 30.000 - 40.000 cá tra bố mẹ để thay thế những con có chất lượng trứng, tinh trùng thấp (trong 101.000 cá bố mẹ đã chuyển giao). Khoảng cuối năm nay, đàn cá bố mẹ hậu bị sẽ bắt đầu sinh sản. Với đàn cá hậu bị này, từ năm 2013, ĐBSCL sẽ cơ bản đảm bảo được con giống cá tra đạt chất lượng cho người dân.

Tuy nhiên, về lâu dài, để nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL phát triển bền vững thì ngay từ bây giờ, bên cạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất cá tra thương phẩm, cần có quy hoạch vùng sản xuất cá tra giống ở các địa phương để tránh tình trạng phát triển tự phát. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần sớm ban hành tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng cá tra bố mẹ, cá tra giống, ban hành quy chế cho các trại sản xuất cá giống… Ngành nông nghiệp phải có những tác động bằng khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng đàn cá bố mẹ; khuyến cáo, hướng dẫn người sản xuất cá bột không cho cá bố mẹ đẻ nhiều lần, tăng cường kiểm tra, kiểm soát lượng cá giống lưu thông trên địa bàn…

Có thể bạn quan tâm

mot-mo-hinh-nuoi-tom-quang-canh-cai-tien-thich-ung-bien-doi-khi-hau Một Mô Hình Nuôi Tôm… trong-co-nuoi-trau-bo-khoi-lo-vat-nuoi-pha-nuong Trồng Cỏ Nuôi Trâu Bò:…