Tin thủy sản Tương lai của nuôi trồng thủy sản

Tương lai của nuôi trồng thủy sản

Tác giả TS Nguyễn Thị Hạnh Tiên, ngày đăng 29/08/2020

Nuôi trồng thủy sản đang ngày càng được chú trọng và được xác định là tương lai của ngành thủy sản. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu đamg diễn ra nhanh và ngày càng phức tạp hơn so với dự báo, lĩnh vực này cần làm thế nào để đảm hoàn thành được trọng trách?

Thách thức ngày một lớn

Hiện nay, nuôi trồng thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, điển hình như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và thị trường tiêu thụ không ổn định. Biến đổi khí hậu biểu hiện với những biến động thất thường của nhiệt độ, lượng mưa và hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn… đã tác động đáng kể tới diện tích, mùa vụ thả nuôi và sản lượng.

Hiện tượng xâm nhập mặn đang ở mức độ khốc liệt và gay gắt ở 8 tỉnh ven biển ĐBSCL (khu vực nuôi trồng thủy sản quan trọng của cả nước). Diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết làm diện tích nuôi trồng biến động, dịch bệnh gia tăng, cơ cấu mùa vụ và loài nuôi có nhiều thay đổi… Nhiệt độ tăng, mưa lũ và các hiện tượng cực đoan của thời tiết cũng là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh xảy ra cho các loài thủy sản nuôi. Các bệnh do nhóm vi khuẩn và virus thường xảy ra, lây lan rất nhanh và khó chữa nên mức độ gây rủi ro rất lớn, dịch bệnh phát triển phức tạp và khó kiểm soát, cũng là điều kiện dẫn đến sự chuyển đổi đối tượng nuôi trồng.

Đẩy mạnh chủ lực

Phát triển NTTS bền vững cần có giải pháp toàn diện, đồng bộ, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản, thích ứng biến đổi khí hậu. Cần tổ chức tốt việc thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản đảm bảo tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất, bảo đảm vệ sinh ATTP, đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nuôi trồng với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Quy hoạch phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, áp dụng khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến để mở rộng sản xuất.

Tiếp tục phát triển ổn định về diện tích, đẩy mạnh phát triển nuôi thâm canh một số đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao Bến Tre, cá tra, basa, cá rô phi... Xây dựng các mô hình nuôi mới như: Nuôi tôm hùm, cá giò theo công nghệ cao của Na Uy…; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đa dạng hóa đối tượng nuôi. Cùng đó, nâng cấp vùng nuôi thủy sản tập trung, tăng năng suất, thành lập các hợp tác xã nhằm hỗ trợ nhau trong dịch vụ đầu vào, kỹ thuật nuôi cũng như tiêu thụ sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trở thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn.

Chú trọng công nghệ

Một trong những giải pháp góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững chính là việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào giải quyết các vấn đề từ sản xuất giống, xử lý nguồn nước, nuôi và thu hoạch đạt hiệu quả cao nhất cả về kinh tế lẫn bảo vệ hệ sinh thái, phục hồi môi trường. Để thực hiện điều này cần hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, cung ứng giống thủy sản các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tôm càng xanh, rô phi, nhuyễn thể) là giống chất lượng cao, sạch bệnh.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ được thể hiện qua việc áp dụng và nhân rộng các mô hình nuôi công nghệ cao như công nghệ biofloc, sử dụng chế phẩm sinh học, nguồn thức ăn công nghiệp, nuôi trong nhà lưới nhằm giảm thiểu các tác động của môi trường bên ngoài, hạn chế dịch bệnh, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh, thân thiện với môi trường. Từ đó, nghiên cứu xây dựng và áp dụng công nghệ cao về nuôi trồng các đối tượng chủ lực, các đối tượng bản địa có giá trị kinh tế; xử lý môi trường, dịch bệnh; công nghệ sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học và các sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng. Lựa chọn để nhập công nghệ mới, hiện đại, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm nhằm ứng dụng, chuyển giao nhanh nhất các thành tựu khoa học tiên tiến trong nước và nước ngoài vào sản xuất. Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý nước thải tại các cơ sở, vùng nuôi thủy sản tập trung, xử lý và tái sử dụng nền đáy ao nuôi độc canh lâu ngày bị suy thoái và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước ao nuôi.

Tăng cường chuỗi liên kết

Một trong những khâu quan trọng trong sản xuất chính là vấn đề chuỗi liên kết, từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức sản xuất chuỗi. Phát triển sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng giá trị gia tăng, liên kết và xây dựng thương hiệu theo chuỗi giá trị. Mở rộng áp dụng việc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở nuôi trong vùng quy hoạch, đồng thời nhanh chóng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản, cơ sở và vùng nuôi trồng thủy sản tại các địa phương, nhằm tạo các sản phẩm có thương hiệu uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển hình thức ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với người nuôi hoặc với đại diện của nhóm hộ người nuôi, với các tổ chức kinh tế hợp tác của nông dân. Người nuôi ổn định phát triển sản xuất khi tham gia liên kết với doanh nghiệp đảm bảo thị trường tiêu thụ; doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cùng chia sẻ lợi nhuận, rủi ro với người nuôi, đồng thời cũng yên tâm phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.

Mặt khác, để phát triển bền vững cần ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nuôi trồng thủy sản như công nghệ 4.0, nông nghiệp thông minh với khí hậu, nông nghiệp điện tử. Ứng dụng chuỗi khối (Blockchain) xác minh tính bền vững, cải thiện tính minh bạch của sản phẩm qua các giai đoạn từ nuôi trồng, chế biến đến sản phẩm trên bàn ăn; mở ra cơ hội cho các giao dịch giữa các nhà nuôi trồng, cung ứng và người tiêu dùng diễn ra thuận tiện, nhanh chóng và an toàn.


Có thể bạn quan tâm

cham-soc-ca-nuoc-ngot-mua-mua-bao Chăm sóc cá nước ngọt… gieo-hy-vong-cho-nganh-nuoi-trong-co-bien Gieo hy vọng cho ngành…