Mô hình kinh tế Tỷ phú cá thát lát cườm trên sông Hậu

Tỷ phú cá thát lát cườm trên sông Hậu

Tác giả Ngọc Trinh - Huỳnh Duy, ngày đăng 25/11/2017

Người được mệnh danh này chính là ông Lý Văn Bon, người đầu tiên ở vùng đất ĐBSCL đưa con cá thát lát cườm từ ao hầm sang nuôi lồng bè trên dòng sông Hậu. Ông cũng là người thành công với ý tưởng nuôi cá lồng bè kết hợp với du lịch sinh thái và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm đặc sản, đem lại nguồn thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Ông Bảy Bon cho cá ăn   Ảnh: LHV 

Phất lên nhờ nuôi cá

Ông Lý Văn Bon (Bảy Bon), ở  khu vực 1, Cồn Sơn, P. Bùi Hữu Nghĩa, Q. Bình Thủy, TP Cần Thơ, quê gốc ở vùng U Minh Hạ (Cà Mau) là cái nôi của con cá, con tôm. Mang trong mình niềm đam mê bất tận với nghề nuôi cá. Từng là sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, khi ra trường, vì hoàn cảnh đưa đầy ông không gắn bó được với nghề mà xin vào làm việc tại Cục Hải quan tỉnh Cà Mau.

Nhưng cơ duyên đến với nghề nuôi cá của ông Bảy Bon cũng thật đặc biệt. Vào năm 1998, trong một lần làm thủ tục nhập hàng, ông Bảy Bon gặp ông Philip người Pháp, là tiến sĩ chuyên ngành thủy sản. Tình cờ gặp nhau, lại có chung niềm đam mê nên hai người nói chuyện rất nhiều về con cá, con tôm. Đây cũng là bước ngoặt, khi ông Bảy Bon quyết định gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè.

Ông Bảy Bon cho biết, ông Philip có chia sẻ rằng: “Trên thế gới chỉ có duy nhất một dòng sông Mê Kông, nếu như nuôi cá, muốn khởi nghiệp từ con cá thì không cần đến nước nào khác, Việt Nam là số một. Do bị khai thác quá nhiều, dẫn đến số lượng cá trong tự nhiên cạn kiệt, dân số lại ngày càng tăng, cá ngoài tự nhiên thì ngày càng ít, nếu không duy trì ngành này sẽ mất đi”. Khi ông Philip nghiên cứu tại Cần Thơ thì nhận ra được dòng sông Hậu dưới chân Cồn Sơn nước chảy rất mạnh, có dòng nước xoáy, nên cá chẽm và các loại cá khác tập trung về đây sinh sôi phát triển rất nhiều. Từ đó, ông Philip chọn nơi này là vị trí đầu tư bè nuôi cá, cũng như lượng ôxy cung cấp dồi dào cho cá; mặt khác, do nằm ở giữa dòng sông Hậu nên nguồn ô nhiễm nước rất ít so những nơi khác.

Với những thực tế được kiểm chứng, cũng như những luận điểm chắc chắn của ông Philip; ông Bảy Bon thấy được hướng đi đúng đắn phát triển với nghề mà ông đã từng ấp ủ, quyết định xin nghỉ làm ở Hải quan, tập trung về khu Cồn Sơn đặt nền móng phát triển nghề nuôi cá lồng bè.

Ông Bảy Bon. Ảnh: Báo Thanh Niên

Ban đầu ông Bảy Bon chọn nuôi cá điêu hồng vì nhận thấy đây là đối tượng dễ nuôi, được thị trường ưu chuộng; tuy nhiên, sau đó, giá cá không ổn định, giảm mạnh khiến ông thua lỗ hàng tỷ đồng. Nhưng không nản lòng, ông Bảy Bon quyết định đi học hỏi và nghiên cứu ở nhiều nơi để tìm hiểu những mô hình, những loài cá nào để đạt hiệu quả kinh tế cao. Và tình cờ Bảy Bon quen được ông Tư Kháng quê ở Hậu Giang, là một trong những người mang con cá thát lát từ Campuchia về Cần Thơ và nhờ Trường ĐH Cần Thơ nghiên cứu và cho sinh sản thành công. Với những ý tưởng lấy thịt cá làm chả và xuất sang Nhật Bản.

Sau khi được ông Tư Kháng tư vấn, năm 2012, ông Bảy Bon chuyển hướng đầu tư 250.000 con cá thát lát cườm, đến khi thu hoạch xuất bán 70 - 80 tấn, lợi nhuận trên 2 tỷ, xóa được số nợ do thua lỗ khi nuôi cá điêu hồng. Từ đó gắn bó với con cá thát lát cho đến ngày hôm nay.

Nuôi cá kết hợp với du lịch

Ông Bảy Bon dẫn chúng tôi tham quan trên 30 lồng bè, vèo cá lớn nhỏ với diện tích trên 5.000 m2 trị giá gần 20 tỷ đồng, kết thành từng dải nối với nhau bằng những cây cầu gỗ nhỏ. Hiện tại, trong những bè nuôi có rất nhiều loài cá nhưng chủ lực vẫn là thát lát cườm.

Để duy trì phát triển gắn bó lâu dài với con cá thát lát cườm, ông Bảy Bon đã kết hợp nuôi trồng với du lịch sinh thái. Lúc đầu thì có vài chục người, dần dần càng ngày càng nhiều du khách sang tham quan và giải trí với các hoạt động như câu cá, tham quan nuôi cá lồng bè. Bên cạnh loại cá nuôi chủ lực để phát triển du lịch, ông Bảy Bon vẫn đang phát triển và thử nghiệm một số loại cá khác. Như huấn luyện đàn cá chép Koi trên 700 con, khi du khách đến đây có thể tận tay sờ được cá và cho ăn hoặc cho cá ngoi lên bú bình. Một số loại cá chạch lửa “hỏa long”, nuôi số lượng vài tấn cũng đang trong quá trình huấn luyện để khách có thể tiếp xúc trực tiếp với cá; hay đưa loài cá hồng vỹ với trọng lượng thuộc vào dạng quý hiếm nặng trên 15 kg/con lên hồ để du khách tham quan.

Bên cạnh đó, ông Bảy Bon còn mở cơ sở sản xuất cung cấp món ăn đặc sản như cá thát lát rút xương, cá thát lát muối sả, hoàn toàn bằng thủ công và không sử dụng các chất bảo quản với tiêu chí thực phẩm phải đạt chất lượng và sạch với hàng trăm kg cá thành phẩm được tiêu thụ mỗi ngày và tạo việc làm cho 30 lao động tại địa phương.

>> Hàng ngày, ông Bảy Bon xuất bán 300 - 500 kg cá tươi cho các đại lý, thương lái ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Mỗi năm, ông cho xuất hàng chục loại cá đặc sản như cá hô, cá chạch lấu, tôm càng xanh… Chỉ riêng lợi nhuận từ cá thát lát cườm cũng đem lại nguồn thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm cho gia đình ông.


Có thể bạn quan tâm

lam-giau-tu-mo-hinh-nuoi-tho-new-zaeland Làm giàu từ mô hình… nguong-mo-vuon-cam-long-vang-vietgap-thu-tien-ty-moi-nam Ngưỡng mộ vườn cam lòng…