Mô hình kinh tế Tỷ Phú Người Dao Ở Bản Đầm Giỏ

Tỷ Phú Người Dao Ở Bản Đầm Giỏ

Ngày đăng 19/08/2014

Ông Lý A Bảo, dân tộc Dao ở bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà (Đắk Song) là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện Đắk Song, với thu nhập 2 tỷ đồng/năm.

Ông chia sẻ: "Năm 2003, gia đình tôi sở hữu nhiều hécta đất, nhưng đến kỳ giáp hạt là cả nhà phải ăn củ mì, củ khoai sống qua ngày, chờ nhà nước phát gạo cứu đói.

Từ đó, tôi nung nấu ý nghĩ phải thoát nghèo. Được sự hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước, nhất là chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ cuối năm 2004 với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tôi mạnh dạn đi vay, mượn, chuyển đổi 7 ha đất trồng lúa đồi sang trồng cà phê”.

Sau nhiều năm cần cù, chịu khó, đến năm 2008, ông thu được 18 tấn cà phê nhân, đến năm 2013 tăng lên 26 tấn. Năm 2010, gia đình ông tiếp tục chuyển đổi 3 ha đất trồng lúa còn lại sang trồng hồ tiêu.

Để chủ động được nguồn nước tưới, bên cạnh giếng khoan, ông còn đầu tư kinh phí múc mương bao quanh rẫy để điều tiết nước. Đồng thời, mở đường cho xe cày lưu thông trong rẫy. Ông cho biết: “Mở đường thế này mất gần 3 sào đất, đổi lại xe vào được tận nơi, không tốn tiền thuê người bốc vác. Nhiều nhà đến mùa thu hoạch phải thuê người bốc vác còn tốn kém hơn nhiều”.

Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng, chống thất thoát khi thu khoạch cà phê, hồ tiêu, tháng 8/2013, ông còn đầu tư 84 triệu đồng xây dựng lò sấy.

Khi cuộc sống ổn định, ông quan tâm, giúp bà con trong bản, trong xã. Chứng kiến những thành quả từ lao động, sáng tạo của gia đình A Bảo, bà con tin tưởng tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời ông cũng giúp vốn, giống cây trồng, vật nuôi, hay công cụ lao động đối với những người khó khăn trong bản. Hàng năm, gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Đến vụ thu hoạch, số lao động đến làm tăng lên gần 40 người.

Ông Đặng Hồ Vương, bản Đầm Giỏ, tâm sự: “Năm 2010, tôi bị tai nạn, tài sản trong nhà không có gì, vợ chồng phải vay mượn nhiều nơi để chữa trị. Trong lúc khó khăn đó, ông Lý A Bảo đã mang 50 triệu đồng cho tôi mượn. Ông Bảo còn giúp tôi cây giống, nhờ vậy mà hiện nay gia đình tôi đã có 200 trụ tiêu đang bước vào thời kỳ thu hoạch.

Ngoài làm kinh tế giỏi, gia đình ông Lý A Bảo luôn đi đầu trong các phong trào của bản, của xã. Đặc biệt, cuối năm 2005, khi có chủ trương mở đường từ trung tâm xã Thuận Hà ra thị trấn Đức An, gia đình ông đã tự nguyện hiến gần 4.000m2 đất trồng cà phê 1 năm trị giá hàng trăm triệu đồng để xã hoàn thành tuyến đường.

Bà Triệu Thị Đào, vợ ông kể: “Cán bộ đến nhà vận động hiến đất để xã mở đường, thuận tiện cho bà con đi lại, vợ chồng tôi đồng ý luôn. Chúng tôi nghĩ mình bỏ đi một chút lợi ích nhỏ của gia đình để đổi lấy sự phát triển của bản, của xã là niềm hạnh phúc lớn lao gấp bội”.

Ông Trần Văn Được, Chủ tịch UBND xã Thuận Hà nhận xét: “Ông Lý A Bảo là người táo bạo trong làm ăn, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Ông còn tích cực chia sẻ khó khăn với bà con, với chính quyền”.


Có thể bạn quan tâm

hoang-hoa-dong-tom Hoang Hóa Đồng Tôm trai-cay-nui-vao-mua Trái Cây Núi Vào Mùa