Tin thủy sản Ứng dụng AI kiểm soát 90% rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi

Ứng dụng AI kiểm soát 90% rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi

Tác giả Hồ Thảo, ngày đăng 15/11/2024

Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng bù lại người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí, tăng mật độ nuôi, đặc biệt kiểm soát được 90% rủi ro dịch bệnh.

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), trong 9 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp. Cụ thể, trên cả nước diện tích tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng là (1.034ha), hoại tử gan tụy cấp (1.009ha), đỏ thân (643ha), phân trắng (565ha), bệnh còi và vi bào tử trùng đang tăng nhanh.

Các bệnh này tập trung ở các vùng nuôi trọng điểm như Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang và rải rác ở một số tỉnh khác. Đặc biệt, bệnh đốm trắng đang gây lo ngại lớn vì chưa có vacxin phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị hiệu quả.

Các nhà nghiên cứu thủy sản cho biết, khi tôm đã mắc bệnh khó có khả năng chữa trị. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ để kiểm soát dịch bệnh trong nuôi tôm trở thành một giải pháp thiết yếu.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu thiết bị phục vụ ngành tôm của công ty đến đối tác. Ảnh: Hồ Thảo.

Kiểm soát 90% dịch bệnh

Chia sẻ về thực trạng dịch bệnh trên tôm nuôi, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan cho rằng, ngoài một số nguyên nhân phụ, hiện đa số người nuôi đang làm trật vật lý, vô tình làm gia tăng dịch bệnh.

Hầu hết chủ ao sử dụng máy sục khí hoạt động liên tục 24/24 để cung cấp oxy cho tôm, dù oxy đã có sẵn trong tự nhiên. Cách làm này không chỉ lãng phí điện năng mà còn làm tăng chi phí và gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu vực.

"Tỷ trọng oxy là 1,43g/l, trong khi trong nước chỉ là 1g/l. Oxy tự nhiên đã có sẵn dưới đáy ao, tại sao phải dùng máy sục khí để đẩy oxy lên?", ông Mỹ giải thích.

Tiến sĩ Mỹ chỉ ra việc sử dụng quạt sục khí có những nhược điểm lớn. Thứ nhất, khi quạt hoạt động, thức ăn thừa bị đánh tan trong nước, gây lãng phí và khó lấy chất thải hữu cơ. Thứ hai, máy sục khí làm phát tán các hạt nhỏ bay trong không khí mang mầm bệnh từ ao này sang ao khác, đồng thời làm khuếch tán vi khuẩn dưới đáy ao.

Hệ thống đèn led được lắp trên mặt ao và mở lên vào buổi tối để kích thích tôm ăn mồi. Ảnh: Hồ Thảo.

Để giải quyết những vấn đề này, Công ty Rynan Technologies Vietnam áp dụng một phương pháp nuôi tôm mới tại trang trại ở Trà Vinh.  Ao nuôi có thiết kế đặc biệt, đáy ao lõm như cái phễu và được thiết kế để tạo dòng chảy một chiều, giúp phân tầng dòng nước và làm lắng chất thải xuống đáy nhanh hơn.

“Trong ao nuôi bao gồm các chất thải hữu cơ như: phân tôm, thức ăn thừa, vỏ tôm và xác tôm chết. Chất thải này có loại tan trong nước (16,7%) và loại không tan. Chúng tôi xử lý bằng cách siphon để loại bỏ phần không tan. Do đáy ao hình phễu và dòng chảy một chiều giúp chất thải lắng xuống nhanh, chỉ cần mở van để xả chất thải ra ngoài trong vài phút, vừa tiết kiệm nước vừa ngăn ngừa bệnh”, ông Mỹ cho biết.

Ông Mỹ chia sẻ thêm, ban ngày, tôm thường ăn theo đàn, do tập tính tham ăn tôm chọn viên thức ăn lớn và bỏ qua viên nhỏ. Vì vậy, từ nửa đêm, ông bật đèn đèn xanh lá cây để kích thích tôm ăn rong và tảo biển để chúng mau lớn. 

Công nghệ AI giúp phát hiện sớm dịch bệnh trên ao nuôi và kiểm soát được 90% rủi ro dịch bệnh. Ảnh: Hồ Thảo.

Để phòng ngừa dịch bệnh, ông Mỹ sử dụng AI để tự động theo dõi kích cỡ và sức khỏe của tôm, kiểm tra xem tôm có dấu hiệu nhiễm bệnh hay không dựa trên dữ liệu tăng trưởng hàng ngày. Thiết bị dựa trên trí tuệ nhân tạo giúp người nuôi kiểm soát dịch bệnh đến 90%.

“Ở Việt Nam, mật độ nuôi tôm trung bình là 200 con/m², nhưng với công nghệ của tôi, có thể đạt 400-500 con/m² mà vẫn tiết kiệm năng lượng và nước. Hệ thống siphon giúp hạn chế bệnh và nếu tôm có vấn đề, công nghệ sẽ phát hiện ngay để giảm thiểu rủi ro kinh tế”, ông Mỹ cho hay.

Ông Mỹ cũng tự tin rằng với việc áp dụng đúng kỹ thuật và khoa học, mục tiêu xuất khẩu tôm 8,4 tỷ USD là khả thi, thậm chí có thể đạt 15 tỷ USD trong tương lai gần.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ không đồng tình với ý kiến cho rằng, chi phí đầu tư thiết bị khá cao, chỉ dành cho giới siêu giàu. Theo ông, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng bù lại, hệ thống giúp tiết kiệm năng lượng, tăng mật độ nuôi và kiểm soát được đến 90% rủi ro dịch bệnh, đồng nghĩa tăng lợi nhuận, phù hợp với mô hình kinh tế tập thể như HTX.

Hơn 6.300ha tôm nuôi ứng dụng công nghệ

Thực tế, tại Trà Vinh  mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang ứng dụng tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Cho thấy hiệu quả tích cực về năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế, ngày càng nhiều người mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình. Bình quân mật độ nuôi tôm đạt từ 100-200 con/m², với năng suất trung bình đạt khoảng 45-60 tấn/ha/vụ, tăng 10-20 tấn/ha/vụ so với năm 2017.

Trước đây, ông Lê Văn Tích, ở ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, nuôi tôm trong ao đất, ông gặp phải nhiều vấn đề như ô nhiễm nước, dịch bệnh bất ngờ và thời tiết thất thường, khiến kết quả nuôi tôm mỗi vụ đều không ổn định.

Nhờ thiết bị kiểm soát ao nuôi, ông có thể kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi tôm theo giờ. Chỉ cần chạm vào màn hình thoại, ông sẽ nhận được các thông số như nhiệt độ, oxy hòa tan và khí độc trong ao, giúp kiểm soát chặt chẽ các yếu tố như nguồn nước, thức ăn, và mật độ tôm. Nhờ đó, sản lượng tôm thu được cao gấp 3 lần so với phương pháp nuôi truyền thống.

“Công nghệ cao không chỉ giúp sản lượng cao, mà còn tạo ra sản phẩm sạch, bán được giá cao hơn thị trường, giúp tôi thu lợi nhuận ít nhất từ 500 triệu đồng mỗi vụ”, ông Tích cho hay.

Tỉnh Trà Vinh khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm, đồng thời tạo điều kiện cho người nuôi tiếp cận vốn vay. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, để giảm thiểu dịch bệnh trên tôm nuôi và tăng cường ứng dụng công nghệ trong kiểm soát dịch bệnh, tỉnh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi, áp dụng quy trình nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) và các tiêu chuẩn chứng nhận nuôi trồng thủy sản.

Trà Vinh cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất giống thủy sản tại các khu vực quy hoạch sản xuất tập trung, giúp tạo sự kết nối và chia sẻ lợi nhuận, rủi ro giữa các doanh nghiệp và người nuôi. Đồng thời, Trà Vinh sẽ thúc đẩy việc áp dụng công nghệ mới và tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực giống thủy sản, cũng như tạo điều kiện cho người nuôi tôm tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Tỉnh Trà Vinh phấn đấu đến năm 2050, diện tích nuôi tôm nước lợ sẽ mở rộng lên 36.620ha, trong đó có 6.323ha nuôi siêu thâm canh mật độ cao ứng dụng công nghệ, chủ yếu tập trung ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.


Có thể bạn quan tâm

san-luong-tom-toan-cau-uoc-dat-6-trieu-tan-vao-nam-2025 Sản lượng tôm toàn cầu… nam-phuong-phap-ho-tro-tom-lot-xac-nhanh-chong Năm phương pháp hỗ trợ…