Mô hình kinh tế Ước Vọng Đầu Năm Cho Con Cá Tra Việt

Ước Vọng Đầu Năm Cho Con Cá Tra Việt

Ngày đăng 09/02/2014

Trong thời gian qua, các sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường châu Âu liên tục giảm do ít nhiều bị các nước nhập khẩu lo ngại sản phẩm không đáp ứng được tiêu chí bền vững. Vì thế, qua năm mới, ông Lê Xuân Thịnh, Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) kỳ vọng Chương trình Switch - Asia, EU sẽ hỗ trợ tích cực cho con cá tra Việt Nam.

VNCPC là cơ quan quản lý dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA).

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Ông có thể cho biết, tại sao Việt Nam cần một chuỗi sản xuất cá tra bền vững?

Ông Lê Xuân Thịnh: Việt Nam hiện cung cấp hơn 90% sản lượng cá tra xuất khẩu trên thế giới, mang lại kim ngạch xuất khẩu hàng năm 1,8 tỉ đô la Mỹ và tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay ngành sản xuất cá tra Việt Nam luôn đối diện nhiều khó khăn, thách thức ngày càng gay gắt, sản xuất và xuất khẩu cá tra chững lại, và đang có biến động theo chiều hướng xấu. Bằng chứng, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang châu Âu liên tục giảm với tốc độ trên 5%/năm.

Do thị trường có hẹp lại nên để giữ được thị phần các doanh nghiệp đã cạnh tranh nhau về giá cả thay vì chất lượng và giá trị thặng dư, do đó tạo rủi ro cho tính bền vững kinh tế của ngành nghề.

Ngoài ra, trong những năm qua, con cá tra bị các tổ chức phi chính phủ, người mua.. có những phản ứng gay gắt khiến hình ảnh cá tra Việt Nam bị xấu đi trong mắt người tiêu dùng.

Vì thế, chúng tôi được hỗ trợ để xây dựng dự án chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA); qua đó giúp các trang trại nuôi cá tra, và các cơ sở chế biến cải tiến chất lượng sản phẩm nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững lâu dài của ngành này.

Ông đánh giá như thế nào về ngành nuôi trồng và chế biến cá tra hiện nay nếu căn cứ trên đúng khái niệm mà SUPA đưa ra. Và, trong thang điểm 10, ngành cá tra được mấy điểm?

Có thể thấy ngành cá tra việt nam đã từng trải qua một bước đột phá ngoạn mục; tiềm năng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn là rất lớn, với năng suất trung bình 300-400 tấn sản phẩm/héc ta; đạt mức kỷ lục cao nhất trong mọi ngành sản xuất nông nghiệp thế giới.

Tuy nhiên sự tăng “nóng” quá mức đã làm xuất hiện nhiều yếu tố thiếu bền vững khiến ngành đã phải đối mặt với nhiều trở ngại, cụ thể như một số vụ kiện tụng liên quan đến chất lượng, bán phá giá hay không đủ nguyên liệu khi nhận được đơn hàng.

Còn đối với vấn đề đánh giá về thang điểm cho ngành cá tra hiện nay, theo tôi rất khó để có thể đưa ra một thang điểm cụ thể.

Trong mấy năm qua, người nuôi cá tra luôn bị thua lỗ, nhiều hộ phải treo ao vì giá bán thấp hơn giá thành. Vậy, người nuôi cá sẽ nhận được gì từ dự án này?

Hiện chúng tôi đang kết hợp với Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ để khảo sát cơ cấu giá thành sản xuất và trên cơ sở đó sẽ có các nghiên cứu cụ thể làm sao có thể giúp các cơ sở nuôi giảm chi phí sản xuất ít nhất 3-5%.

Còn với các doanh nghiệp nuôi cá quy mô từ vừa tới lớn sẽ được nhận hỗ trợ về chứng nhận ASC và Global GAP.

Ngoài ra, dự án ít nhiều có những tác động đến cơ quan quản lý để giúp cải thiện chính sách để ngành cá tra đi theo hướng bền vững, tạo diễn đàn điện tử để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa nhóm mua và bán, truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ minh bạch.

Như vậy, dự án không những hỗ trợ cho các hộ nuôi mà cả cho toàn bộ ngành cá tra phát triển bền vững lâu dài về mặt kinh tế, xã hội và môi trường vào năm 2020.

Trong mục tiêu dự án đưa ra là vào năm 2020 có ít nhất 50% doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm bền vững cho thị trường châu Âu và các thị trường khác. Con số này liệu có nhiều hay không?

Lâu nay các doanh nghiệp vẫn xuất khẩu bình thường qua các thị trường khác nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển lâu dài, ngành cá tra bắt buộc phải đi theo cách thức sản xuất bền vững để phù hợp với xu thế hiện nay. Đó là hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường mà các nước nhập khẩu thuộc châu Âu hiện đang đòi hỏi.

Để làm được điều này, chúng tôi chọn một số doanh nghiệp tham gia vào dự án. Sau đó các kết quả sẽ được đúc kết và chia sẻ thông qua các hội thảo, hội nghị, các buổi tham quan và trên diễn đàn của dự án đặt tại trang thông tin của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Một điều quan trọng khác là dự án sẽ thiết kế các bộ tài liệu, đào tạo cán bộ cũng như tư vấn khi doanh nghiệp có nhu cầu.

Tôi tin, với cách thức nhân rộng này đến cuối dự án thì mục tiêu 50% số các doanh nghiệp sản xuất cá tra đạt được các tiêu chuẩn sản phẩm bền vững và được thị trường chấp nhận.

Xin cảm ơn ông!

Dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) được tài trợ bởi Chương trình Switch-Asia, EU và cơ quan chủ trì là Trung tâm sản xuất sạch hơn (VNCPC) cùng với các đối tác như Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Áo (WWF Áo), Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam).


Có thể bạn quan tâm

cuu-ho-thanh-cong-ca-voi-nang-2-tan-bi-mac-can Cứu Hộ Thành Công Cá… ra-khoi-luyen-ngoc Ra Khơi Luyện… Ngọc