Cá tra, basa Ưu điểm và kinh nghiệm nuôi cá tra nước mặn

Ưu điểm và kinh nghiệm nuôi cá tra nước mặn

Tác giả Xuân Trường, ngày đăng 26/12/2019

Mô hình nuôi cá tra nước mặn được hộ gia đình ông Võ Thanh Vân ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng thực hiện rất thành công. Đây được coi là mô hình độc đáo và gần như không “đụng hàng”.

Ông Vân bắt đầu nuôi cá tra bằng nước mặn từ năm 2006 theo hợp đồng đặt hàng của một doanh nghiệp trong tỉnh, từ đó đến nay chưa bao giờ bị thất bại. Tuy nhiên, từ năm 2010 giá cá tra bắt đầu sụt giảm mạnh, doanh nghiệp cũng ngưng đặt hàng nên ông chuyển sang nuôi tôm sú và tôm thẻ. Năm 2017, giá cá tra tăng trở lại, doanh nghiệp quay lại hợp đồng nên ông tiếp tục thả nuôi. Ông Vân so sánh: “Tính ra nuôi cá tra nước mặn khỏe hơn so với nuôi tôm nhiều vì nó ít khi bị dịch bệnh, nhưng quan trọng là phải có hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ mình mới thực hiện, vì cá nuôi theo kiểu này rất kén người mua”.

Để nuôi cá tra bằng nước mặn hiệu quả theo ông Vân trước tiên phải chọn cá giống cỡ 50 con/kg về thuần dưỡng bằng nước ngọt 2 tháng. Lúc này, nước sông Hậu bắt đầu mặn thì lấy vào ao nuôi từ từ, đến khi độ mặn trong ao đạt 1‰ thì dừng lại. 3 - 4 ngày sau, tiếp tục đưa nước mặn từ sông vào ao để nâng độ mặn lên thành 2‰và sau đó cứ cách 1 - 2 tuần lại bơm nước mặn vào ao nuôi cho đến khi trọng lượng cá đạt khoảng 600 - 700 g/con và độ mặn 8‰ là đạt yêu cầu.

Ông Vân giải thích: “Tuy cá tra có thể chịu được độ mặn đến 8‰, nhưng nếu độ mặn tăng đột ngột nó sẽ bị sốc, tuột nhớt và chết. Vì vậy, phải đưa độ mặn lên từ từ để cá thích nghi dần. Theo kinh nghiệm của tôi thì độ mặn lên đến 8‰ khi con cá đạt 600 - 700 g là vừa”. Khi nuôi cá tra bằng nước mặn con cá sẽ chậm lớn so với nuôi hoàn toàn bằng nước ngọt. Ông Vân nhận xét: “Thông thường cá tra nuôi nước ngọt khoảng 8 tháng là đạt cỡ 1 kg/con, còn nuôi nước mặn phải mất khoảng 9 - 10 tháng. Tuy nhiên, bù lại thịt cá tra nuôi nước mặn rất có mùi thơm rất đặc trưng nên giá bán thường cao hơn khoảng 2.000 đồng/kg. Một thuận lợi khác là khi nuôi bằng nước mặn, có thể giảm các loại bệnh ký sinh trùng ngoài da hay bệnh sán lá gan lên đến 70 - 80% so với nuôi nước ngọt”.

Theo tính toán của ông Vân, giá thành mỗi ký cá lúc xuất bán vào khoảng 19.000 đồng, nhưng giá bán theo hợp đồng cố định ngay từ đầu vụ lên đến 25.000 đồng/kg. Ông Vân nhẩm tính, ao 7.000 m2 này ước sản lượng khoảng 220 tấn, bán với giá 25.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, tính ra lợi nhuận trên 1,2 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận trên, nuôi cá tra nước mặn hiệu quả hơn rất nhiều so với nuôi tôm, nên chỉ cần có hợp đồng bao tiêu là tôi chuyển sang nuôi cá tra ngay, vì nuôi tôm tính ra nhuận cao, nhưng rủi ro cũng không ít.

Ông Vân chia sẻ, qua nhiều năm nuôi tôm nước lợ và cá tra, tôi thấy nếu có đầu ra ổn định thì nuôi cá tra sẽ bền hơn so với nuôi tôm vì nó ít bị rủi ro dịch bệnh, sản lượng và lợi nhuận lại cao. Tôi rất mong ngành thủy sản quan tâm nhiều hơn đến con cá tra vùng mặn lợ, bởi đây là loại sản phẩm có chất lượng rất đặc biệt, nhưng rất ít thị trường biết đến.

Hiện nay, ao nuôi cá tra rộng 7.000 m2 của ông Võ Thanh Vân đã được gần 10 tháng, trọng lượng cá bình quân khoảng 1 - 1,2 kg/con, chuẩn bị cho thu hoạch. “Hiện nay, do nước ngoài sông đã ngọt dần nên nước trong ao nuôi chỉ còn 2‰, chứ mọi năm độ mặn lên đến 8‰ cá tra vẫn sống khỏe”, ông Vân chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

phong-tri-benh-giun-san-cho-ca-tra Phòng, trị bệnh giun sán… quy-trinh-san-xuat-ca-tra-giong-sach-benh Quy trình sản xuất cá…