Mô hình kinh tế Văn Giang (Hưng Yên) Nuôi Lợn Trong Chuồng… Điều Hòa

Văn Giang (Hưng Yên) Nuôi Lợn Trong Chuồng… Điều Hòa

Ngày đăng 12/08/2014

Cũng phải vài lần hẹn tôi mới được mục sở thị trang trại chăn nuôi lợn trong chuồng… điều hòa nhiệt độ ở huyện Văn Giang (Hưng Yên). Xem cách nuôi lợn trong các chuồng lắp hệ thống điều hòa nhiệt độ, tôi gặp từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Tắm rửa, khử trùng sạch sẽ mới được… vào chuồng lợn

Một kỷ luật phòng dịch nghiêm đến mức hà khắc nhưng từ chủ đến các lao động làm việc trong trang trại nuôi lợn nái của gia đình anh Vũ Đức Chính, xã Tân Tiến đều tuyệt đối chấp hành.

Đó là, không cho phép người từ ngoài vào chuồng nuôi lợn khi chưa ở trong khu vực cách ly của trang trại ít nhất một ngày, dù là người quen hay lạ. Vào khu vực cách ly, phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ, khử trùng tiêu độc. Trước khi vào chuồng nuôi lợn phải mặc quần, áo, đi ủng bảo hộ đã được khử trùng.

Công việc của 8 lao động ở đây không nặng nhọc: cho lợn ăn, quét dọn vệ sinh, tiêm phòng, vệ sinh phòng dịch, điều chỉnh hệ thống làm mát (giàn phun nước) mùa hè, điều chỉnh ánh sáng ban đêm, điều chỉnh nhiệt độ giữ ấm mùa đông, quan sát phát hiện biểu hiện của lợn để ghi chép vào phiếu theo dõi, có chế độ chăm sóc phù hợp… theo quy trình đã được anh Chính thống nhất. Vậy nhưng, mỗi tháng không kể tiền ăn, uống, sinh hoạt mà chủ trang trại đã “bao” trọn gói, mỗi người được trả thêm từ 4 – 7 triệu đồng.

Dẫn tôi đi xem khu vực sinh hoạt của các lao động ở đây có đủ giường, tủ, bếp gas, bình nước nóng…, chị Vũ Thị Phượng, vợ anh Chính cho biết: “Việc ra – vào trang trại phải hạn chế tối đa.

Dù là công nhân ở trang trại vài tháng liền nhưng khi về thăm gia đình lên chúng tôi vẫn yêu cầu thực hiện vệ sinh phòng dịch, cách ly ít nhất một ngày mới được vào chăm sóc lợn. Trong trang trại các cặp vợ chồng được bố trí phòng riêng. Mọi việc từ chợ búa, vận chuyển đồ đạc đều có người khác giúp”.

Được đặc cách vào tham quan, chụp ảnh chuồng nuôi lợn, tôi mới thấu hiểu được những gì đã nghe về quy trình vệ sinh phòng dịch ở đây. Đi qua giàn nước làm mát ở đầu dãy chuồng (một phần không thể thiếu để điều hòa không khí trong chuồng), mở cánh cửa nhỏ cạnh đó bước vào trong, không khí mát mẻ dễ chịu khác hẳn so với cái oi nồng, nóng bức lúc tôi ở khu vực cách ly.

Xung quanh chuồng lắp các cửa kính, bên trong chia thành hai dãy có khung sắt sạch sẽ chia ra từng ô nhỏ đủ cho một con lợn nái nặng khoảng 300 kg nằm mà không thể quay đầu. Sàn là những tấm composite, thép có lỗ thoát nước. Phía dưới sàn chuồng là phần tầng âm thông khí.

Ngăn giữa hai dãy chuồng là lối đi rộng chừng 1m. Phía trên lớp tôn lạnh sáng choang ở mái chuồng có giàn nước lạnh phun làm mát. Hệ thống đèn điện, biểu mẫu ghi chép ghim ngay trên đầu mỗi ô lợn nái… Cuối chuồng là hai chiếc quạt thông gió cỡ lớn hoạt động liên tục.

Hệ thống làm mát, quạt gió tạo thành hệ thống điều hòa không khí trong chuồng lợn cộng với công tác vệ sinh phòng dịch, bệnh cho đàn lợn nghiêm ngặt giúp cho lợn gần như được bảo đảm an toàn tuyệt đối trước dịch, bệnh.

Đầu tư lớn, hiệu quả cao

Anh Tô Ngọc Kiên (xã Nghĩa Trụ) đang sở hữu trại nuôi trên 600 con lợn nái trong chuồng có lắp hệ thống điều hòa không khí. Là một trong những hộ đi đầu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi lợn và cũng là trang trại nuôi lợn nái, lợn thịt lớn nhất tỉnh Hưng Yên hiện nay, anh không nề hà việc học tập, sẵn sàng đầu tư hệ thống chuồng trại theo mô hình khép kín, điều hòa nhiệt độ, đến lựa chọn con giống đạt tiêu chuẩn.

Việc theo dõi từng con lợn nái được anh ghi chép đầy đủ, tỉ mỉ về độ tuổi, ngày tiêm vắc xin phòng từng bệnh, ngày cho thụ tinh, ngày đẻ, chế độ ăn uống, tình hình sức khỏe từng ngày, số con đẻ/lứa…

Anh đang hướng đến phương pháp phối trộn thức ăn và cho lợn ăn thông qua chương trình điều hành qua phần mềm máy vi tính để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác chăm sóc đàn lợn. Chỉ tính riêng kinh phí đầu tư các dãy chuồng nuôi lợn nái, chưa tính các dãy chuồng nuôi hàng nghìn lợn thịt trong trang trại của gia đình anh đã lên tới cả chục tỷ đồng.

Đầu tư lớn, thu hiệu quả kinh tế cao là điều dễ hiểu ở đây. Qua theo dõi, tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Giang, tỷ lệ lợn loại thải ở các trang trại này không vượt quá 3% tổng đàn, trong khi Công ty CP nổi tiếng về hiệu quả chăn nuôi còn cho phép hao hụt tới 5% tổng đàn.

Đây là một tỷ lệ “mơ ước” đối với người chăn nuôi. Trong số hơn 100 trang trại đã ứng dụng công nghệ nuôi lợn trong chuồng điều hòa không khí ở Văn Giang hiện nay, hầu hết chủ hộ đều bán mỗi con lợn giống với giá cao hơn 200 – 250 nghìn đồng/con so với những mô hình chuồng nuôi khác, kể cả chuồng có điều hòa không khí của nhiều hộ ở các huyện phía Nam tỉnh Hưng Yên, lãi trung bình 300 -400 nghìn đồng/con lợn giống.

Như gia đình chị Phượng, anh Chính đang khai thác trên 200 lợn nái, mỗi tháng xuất chuồng trên 400 con lợn giống, thu lãi trên 160 triệu đồng, mỗi năm bỏ túi gần 2 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Quốc Chương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Giang cho biết: Tự tin với chất lượng con giống của trang trại sản xuất ra, không hiếm chủ trang trại lợn giống ở Văn Giang đã bảo hành lợn giống bán ra bằng cách bồi thường cho người nuôi 100% giá trị của con lợn tại thời điểm bị chết do mắc những bệnh đã được họ tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi xuất bán lợn giống.

Không phải chỉ có nông dân ở huyện Văn Giang mới mạnh dạn lắp hệ thống điều hòa nhiệt độ, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học vào chăn nuôi lợn mà mô hình này đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương khác trong tỉnh Hưng Yên bởi hiệu quả vượt trội mà nó đem lại.

Người đi “xây” những mô hình ấy phần nhiều là những chủ trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Văn Giang hàng ngày tự lái ô tô đến nơi nông dân cần để tư vấn, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm. Tuy nhiên, chỉ đến Văn Giang, mới thấy được hết sự nghiêm ngặt trong thực hiện quy trình phòng dịch và cả tư duy về “bảo hành sản phẩm” mà nhiều nơi khác không có được.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-bo-sua-huong-di-hieu-qua-cua-xa-an-sinh-quang-ninh Nuôi Bò Sữa Hướng Đi… nong-dan-xa-dau-nguon-vinh-xuong-vuon-len-nho-mo-hinh-nuoi-tran-thuong-pham Nông Dân Xã Đầu Nguồn…