Mô hình kinh tế Vì Sao Diện Tích Ngô Vụ Đông Liên Tục Sút Giảm?

Vì Sao Diện Tích Ngô Vụ Đông Liên Tục Sút Giảm?

Ngày đăng 28/10/2014

Chúng tôi về Lâm Thao khi thời vụ trồng ngô đông đã kết thúc, lác đác trên các cánh đồng chỉ còn những nông dân đang làm đất gieo vãi rau, đậu… Nhìn những cánh đồng vẫn trơ gốc rạ, cho thấy thêm một vụ đông  khó đạt kế hoạch về diện tích. Đây đang là thực trạng của sản xuất vụ đông nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, năm nay toàn tỉnh sẽ gieo trồng 15.000ha cây vụ đông, trong đó có 9.000ha ngô đông. Đến trung tuần tháng 10, hết thời vụ gieo trồng cả tỉnh mới thực hiện được 8.500ha, thấp hơn vụ trước khoảng trên 400ha. Có 5 huyện hoàn thành đạt và vượt mức kế hoạch gồm: Thanh Ba trồng 1.170/1.100ha kế hoạch;

Cẩm Khê 906/900; Thanh Sơn 1.111/1.100; Tân Sơn 157/150ha; TP Việt Trì 205/200ha kế hoạch. Trong số các huyện chưa hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về diện tích có Lâm Thao trồng được 339/600ha;

Thanh Thủy 850/950ha, Phù Ninh 730/800ha kế hoạch… Từ khoảng 5-6 năm nay hầu như vụ đông nào tỉnh ta cũng không hoàn thành kế hoạch gieo trồng ngô đông, diện tích giảm dần từ 13-14 ngàn ha những năm 2005  xuống dưới 11- 12 ngàn ha và trong vài ba năm nay chỉ giới hạn ở mức từ 8.500-9.000ha. Vụ đông năm 2010 cả tỉnh trồng được 12.131ha, năm 2011 tụt xuống  8.340ha; vụ đông 2012 vượt lên 9.337ha; vụ đông 2013 lại tụt xuống 8.930ha và vụ đông năm nay khả năng cộng thêm ngô rau, ngô nếp đặc sản cũng khó vượt 8.700ha.

Trước tình hình này có nhiều ý kiến nêu ra, phải chăng sản xuất ngô đông đã đến thời kỳ thoái trào, cần có thay đổi về cây trồng, cách canh tác. Để có thể đánh giá khách quan, cần có sự nhìn nhận một cách thấu đáo về loại cây trồng một thời nở rộ trên đất Phú Thọ.

Ngô đông nói chung, ngô trồng trên đất ruộng nói riêng, nhất là đất ruộng lầy thụt là sự sáng tạo của Vĩnh Phú và Phú Thọ. Vào giai đoạn yêu cầu cân đối lương thực đang là thời sự, việc  mở rộng diện tích  ngô đông cùng với áp dụng kỹ thuật tăng năng suất lúa, ngô đã trở thành giải pháp chính để giải bài toán an toàn lương thực.

Ngay ở tỉnh ta nhờ tăng năng suất lúa, ngô và tăng thêm sản lượng ngô đông đã đưa sản lượng lương thực từ 35-38 vạn tấn lên 40-43 vạn tấn, nâng mức bình quân lương thực đầu người đạt trên 300 kg.

Giai đoạn từ 2010 về trước nhà nhà, xã xã làm vụ đông, người nông dân đội nắng, đội mưa, vừa gặt lúa mùa vừa trồng ngô đông; bờ ruộng, góc sân cũng thành nơi làm ngô bầu, rồi những cánh đồng lúa bát ngát rộm vàng tháng 9 nhanh chóng lại được thay thế  bằng màu xanh của ngô đông. Ngô phục vụ chăn nuôi, làm hàng hóa góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Ngày nay khi bài toán an ninh lương thực đã được giải, cho dù nhu cầu sử dụng ngô của quốc gia tăng lên hàng năm phải nhập khẩu thì vấn đề trồng ngô đông hay nói chính xác là trồng ngô đông theo cách cũ đã không còn trở thành cấp thiết, phù hợp nữa.

Đơn cử như nhu cầu chăn nuôi, bây giờ nhiều nơi đã thay đổi tập quán, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm, nhất là nuôi lợn, người chăn nuôi chuyển sang sử dụng cám công nghiệp chủ yếu, đương nhiên số hộ chăn nuôi giảm, nhu cầu sử dụng ngô, sắn làm thức ăn cũng giảm. Trong khi đó trồng ngô đông lại có nhiều cái khó: Trước hết yêu cầu thời vụ rất gắt gao.

Trừ ngô bãi (có khoảng gần 4.000ha), là tương đối chủ động thời vụ, còn lại hầu hết diện tích ngô đông phải trồng trên đất hai lúa, thời gian từ khi thu hoạch lúa mùa đến khi kết thúc thời vụ chỉ giới hạn trong 7-10 ngày, thậm chí ngắn hơn nên người nông dân phải làm rất gấp gáp phải bỏ công sức làm ngô bầu, rồi chăm sóc chống chân chì, sâu bọ…

Đã thế  gặp năm thời tiết bất thuận mưa nhiều, rét sớm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, nhiều nơi ngô không kết hạt, năng suất được vài chục kg/sào. Trong khi đó đầu tư  mua ngô giống, phân bón cho cây ngô đông lại rất cao, mà giá nông sản nhiều năm nay gần như giữ giá dẫn đến hiệu quả thấp.

Một sào trồng ngô đông được mùa chỉ cho thu hoạch 130-140 kg, giá bán 6-7 ngàn đồng, trừ chi phí giống, phân bón hiệu quả thu về tính ra công lao động chỉ đạt vài chục ngàn đồng, quá thấp so với lĩnh vực khác. Một vấn đề nữa là cơ cấu lao động nông thôn thay đổi, nhiều nông dân đã tìm được việc làm khác không còn thời gian đầu tư trồng ngô đông.

Trong khi các áp lực về trồng ngô đông vẫn tăng lên, thì một trở ngại rất lớn cho sản xuất nói chung, vụ đông nói riêng vẫn chưa được giải quyết là ruộng đất manh mún, khó tạo điều kiện để đầu tư xây dựng thành vùng trồng ngô lớn.

Từ những khó khăn nêu trên, mà nhiều năm nay  diện tích ngô vụ đông của tỉnh có xu hướng sút giảm. Tại huyện Lâm Thao địa phương đồng bằng rất thuận lợi để trồng ngô đông, trước đây mỗi vụ đông có thể  đạt vài ngàn ha, liên tục vài năm nay diện tích giảm nhanh.

Năm nay huyện chỉ thực hiện được 63% kế hoạch 600ha, trong đó có nhiều xã giảm mạnh như Kinh Kệ nơi thành công xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất ngô giống, năm 2013 trồng được trên 110ha, vụ này chỉ còn 75ha; Cao Xá từ 55ha rút xuống 13ha; Bản Nguyên từ 110ha xuống 93ha; Tứ Xã vụ trước 40ha, vụ này còn 18ha, nhiều xã như Sơn Vi, Thạch Sơn, thị trấn Lâm Thao… cây ngô đông chỉ còn diện tích rất nhỏ.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Cao Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao nhận định: Nguyên nhân diện tích ngô đông trên địa bàn sút giảm do nhu cầu sử dụng ngô của nông dân thay đổi, hiệu quả sản xuất mang lại thấp và lao động nông thôn thay đổi, người có khả năng tham gia sản xuất ngày càng ít, trong khi đó chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Đồng quan điểm này, đồng chí Trưởng phòng kinh tế TP Việt Trì khẳng định: Nhiều năm nay do rào cản về đất đai, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên sản lượng ngô vụ đông của các hộ trở thành hàng hóa rất ít, chủ yếu phục vụ nhu cầu chăn nuôi tại gia, khi nhu cầu này không còn nữa thì người ta không sản xuất là tất yếu, dù tỉnh, thành phố có nhiều chính sách khuyến khích tác động.

Không riêng gì vùng đồng bằng, thành phố phát triển người nông dân không mặn mà trồng ngô đông mà ngay ở các xã vùng sâu, vùng xa việc tận dụng ruộng cấy sau thu hoạch để trồng ngô đông giảm dần, chủ yếu ngô đông trồng trên đất bãi chuyên màu. Vấn đề đặt ra phát triển cây gì trên đất lúa sau thu hoạch mùa.

Hiện nay tỉnh ta có trên 30 ngàn ha đất hai vụ lúa, trừ khoảng 10 ngàn ha thuộc diện lầy thụt, chưa chủ động tưới tiêu, còn lại khoảng 20 ngàn ha có thể đưa vào sản xuất cây vụ đông thuận lợi. Đây là nguồn đất dồi dào, song chọn cây gì, cách thức canh tác ra sao cho hiệu quả lại đang là bài toán khó. Để giải quyết vấn đề này trước hết phải rà soát quy hoạch lại sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Tỉnh, từng địa phương có cơ chế, chính sách về quản lý đất đai (thông qua vận động dồn đổi, thuê khoán, sang nhượng…) tạo cơ hội cho hộ, doanh nghiệp có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn, thay cho hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay. Tiếp tục có chính sách khuyến khích chuyển giao kỹ thuật, giống, cho vay vốn, đầu tư cơ giới… để nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên đồng ruộng.

Đây là vấn đề lớn phải có thời gian mới giải quyết được, trước mắt cần đẩy mạnh vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, đưa các cây đậu tương, rau màu vào trồng thay thế ngô đông trước mắt giải quyết vấn đề tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội, sau đó góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.


Có thể bạn quan tâm

26-3-ty-dong-ho-tro-nong-dan-nang-cao-dien-tich-nang-suat-va-san-luong-che 26,3 Tỷ Đồng Hỗ Trợ… tiem-nang-va-giai-phap-cho-mot-so-san-pham-co-loi-the-trong-linh-vuc-chan-nuoi Tiềm Năng Và Giải Pháp…