Mô hình kinh tế Vì Sao Ngành Thủy Sản Việt Nam Giảm Sức Cạnh Tranh

Vì Sao Ngành Thủy Sản Việt Nam Giảm Sức Cạnh Tranh

Ngày đăng 18/06/2012

Việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN đang làm giảm sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam

“Xuất khẩu thủy sản 5 tháng qua của Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng xét về mặt giá trị là khả quan, nhưng thực trạng của ngành này lại cho thấy đang có nhiều bất cập khiến lợi nhuận sụt giảm”.

Đó là nhận định của ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP).

Theo ông Hòe, mặc dù số liệu thống kê của Tổng cục thủy sản về sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản của cả nước trong 5 tháng đầu năm 2012 tăng so với cùng kỳ nhưng ngành chế biến và XK thuỷ sản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thiếu nguyên liệu ngày càng tăng như mấy năm trước.

Chưa hết, tình trạng thiếu vốn, ảnh hưởng đến sản xuất và chế biến cũng đang diễn ra phổ biến trong cộng đồng các DN. Theo khảo sát của VASEP, có đến hơn 90% số DN mong muốn được tăng hạn mức vay vốn (từ 10 tỷ đến 1.400 tỷ đồng) nhằm bổ sung vốn lưu động cho chế biến, cho nuôi cá tra và mua nguyên nhiên liệu, vật liệu, thức ăn cho vùng nuôi. Điều đáng lo ngại là trong số hơn 800 DN tham gia XK thủy sản cả nước đã có khoảng 40% DN ngưng hoạt động, chuyển hướng kinh doanh. Kết quả trên cho thấy đã có sự phân hóa mạnh trong quy mô và năng lực quản trị của các DN thủy sản.

Cùng chung quan điểm, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Thuỷ sản & Thương mại Thuận Phước cho rằng, tính bền vững của từng ngành hàng trong hoạt động sản xuất nguyên liệu và chế biến XK thủy sản chưa cao, đặc biệt là liên kết chuỗi, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tại Nhà nước sẵn sàng ”trải chiếu hoa” xây dựng hạ tầng mời nhà đầu tư nước ngoài nhưng lại không bỏ ra dù chỉ là “tấm chiếu manh” để giúp nông dân xây dựng vùng nuôi. Trong khi đó, các DN không thể vừa chế biến, sản xuất, XK đồng thời qui hoạch tốt vùng nuôi cho nông dân. Dẫn đến tình trạng chất lượng nuôi trồng thủy sản không đạt, giá thành nguyên liệu cao và không ổn định. Chính những bất cập này cũng là nguyên nhân giảm sức cạnh tranh của ngành thủy sản nước ta.

Cũng theo ông Lĩnh, ngành thủy sản lâu nay vẫn được ưu tiên tiếp cận vốn tốt, nên nhiều DN thủy sản lợi dụng điều này để tiếp cận vốn kinh doanh ngành khác. Việc sử dụng vốn không hiệu quả đã khiến nhiều DN lâm vào khó khăn nhưng họ không nhận ra điều này mà cho rằng, thủy sản đã hết thời, rồi liên tục kêu khó khăn, đòi cứu giúp. Còn đối với các DN làm thủy sản chân chính, họ vẫn tiếp cận nguồn vốn tốt và không có gì đáng lo ngại.

“Đối với một DN chế biến và XK thủy sản, nếu yếu kém về năng lực tài chính, khả năng quản trị không tốt sẽ dẫn đến tình trạng bị phụ thuộc hoàn toàn vào tiền của ngân hàng. Đó cũng là lý do nhiều DN thủy sản khó tiếp cận vốn, đình trệ sản xuất trong khi nhu cầu của thị trường không giảm. Chính những DN này không ngần ngại phá giá thị trường, bán sản phẩm với giá thấp và làm mất dần sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam. Nếu chúng ta quy hoạch tốt ngành thủy sản, loại bỏ dần những DN yếu, làm ăn không hiệu quả thì trong thời gian tới, ngành thủy sản sẽ phát triển mạnh mẽ hơn”, bà Nguyễn Thị Ánh - GĐ Công ty thủy sản Sông Tiền (Sotico) nhận định.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trước mắt, XK thủy sản Việt Nam có thể tăng trong quý II và quý III nhưng khó vượt quá 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành này sẽ phục hồi, phát triển mạnh trong năm 2013 do các DN trong ngành triển khai tích cực nhiều giải pháp như: giảm tối đa chi phí để hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, duy trì và ổn định khách hàng, đảm bảo đời sống của người lao động… Đồng thời, những DN thủy sản không có đủ tiềm lực tài chính sẽ dần bị loại phải cuộc chơi, còn những DN mạnh sẽ ngày càng khẳng định được vị trí của mình.


Có thể bạn quan tâm

ban-cach-cuu-ca-tra Bàn Cách Cứu Cá Tra trong-rau-trong-nha-kinh-o-truong-sa Trồng Rau Trong Nhà Kính…