Mô hình kinh tế Vì Sao Thương Nhân Trung Quốc Chọn Heo Nhiều Mỡ?

Vì Sao Thương Nhân Trung Quốc Chọn Heo Nhiều Mỡ?

Ngày đăng 27/07/2013

Theo lý giải của những người am hiểu thị trường thit heo, hiện tượng Trung Quốc tăng nhập khẩu heo nhiều mỡ đơn thuần là lý do kinh tế.

Trung Quốc chuộng heo nhiều mỡ vì lợi nhuận cao

Trả lời TBKTSG Online qua điện thoại về việc các thương lái Trung Quốc chuyển sang mua heo nhiều mỡ, anh Nguyễn Văn Tâm, một tài xế xe tải chuyên chở hàng hóa nông sản ở các tỉnh phía Nam ra các cửa khẩu ở các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai giải thích là do người Trung Quốc thích ăn thịt béo.

Ngoài ra, các tỉnh của Trung Quốc giáp giới với Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 4 vừa qua nên nhu cầu sử dụng thịt của họ tăng cao, việc mua heo với trọng lượng lớn về xẻ thịt bán ra thị trường sẽ có mức lời cao hơn là mua heo có trọng lượng nhỏ.

“Với trọng lượng mỗi con heo hơi trên hơn 100 kg, khi xẻ thịt họ có thể bán được nhiều bộ phận, từ thịt cho đến nội tạng”, anh Tâm nói.

Trong những chuyến chở heo ra biên giới phía Bắc lần trước, đa số các thương nhân Trung Quốc đều chọn mua heo có trọng lượng lớn cũng vì lý do trên. Một lý do tế nhị khác, theo anh Tâm, các lái heo của Trung Quốc cũng bắt đầu e ngại sản phẩm thịt của Việt Nam bị vướng phải chất tạo nạc từ năm ngoái, nên họ ưu tiên chọn heo nhiều mỡ.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, doanh nghiệp chế biến thịt hàng đầu Việt Nam, heo nhiều mỡ thường có giá thấp hơn heo nhiều nạc khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg nên khi vận chuyển ra phía Bắc sẽ bằng giá mua heo thường tại đây.

“Hiện nguồn heo trên 120 kg/con tại các tỉnh phía Nam vẫn còn nhiều nên việc thương lái mua heo nhiều mỡ xuất đi sẽ giúp người chăn nuôi bán được giá cao và có tiền để có thể tái đàn trở lại phục vụ cho mùa tết 2013”, ông Mười nói.

Một lý do nữa, theo ông Mười, là do trong thời gian qua, giá heo trên thị trường các tỉnh Nam luôn duy trì ở mức thấp nên nhiều hộ chăn nuôi chần chừ không muốn bán ra. Vì thế, các hộ chăn nuôi nào cố gắng nuôi để chờ giá lên, khi heo tăng trọng lượng cũng tăng lượng thịt mỡ.

Miền Đông “nóng” hơn miền Tây

Trong khi giá heo hơi tại các tỉnh miền Đông Nam bộ tăng khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg so với mức giá cách đây nửa tháng, thì tại các tỉnh miền Tây chỉ tăng nhẹ, khoảng 1.000 đồng/kg.

Cụ thể, ông Phan Văn Thiết, thương nhân mua heo tại ấp Láng Biển, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, cho biết đối với heo hơi loại 1 (nở mông, nở vai) được cánh thương nhân mua heo như ông thu gom tại chuồng với giá 3,8 – 3,9 triệu đồng/tạ và 3,6 – 3,7 triệu đồng/tạ (1 tạ = 100kg) đối với heo loại 2, tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với mức giá cách đây nửa tháng.

Tại An Giang, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì heo hơi loại 1 do thương nhân mua tại chuồng của người chăn nuôi với giá 3,8 – 3,9 triệu đồng/tạ, tăng 1.000 đồng/kg so với cách đây nửa tháng.

Lý giải nguyên nhân giá heo hơi tăng trở lại, ông Thiết cho biết do những đầu mối thu mua heo lớn ở khu vực miền Đông Nam bộ đẩy mạnh gom heo chuyển ra miền Bắc tiêu thụ.

“Những đầu mối lớn ở Đồng Nai, Bình Dương đẩy giá tăng lên để gom heo nên dưới này chúng tôi cũng tăng giá thu mua nhằm cung ứng cho họ”, ông Thiết cho biết.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh

Theo những người chăn nuôi heo tại ĐBSCL, với giá bán như hiện nay (3,8 – 3,9 triệu đồng/tạ), người nuôi heo vẫn không có lãi vì để nuôi được một con heo đến khi xuất chuồng, chỉ riêng tiền thức ăn, người chăn nuôi đã tốn khoảng 2,5 – 2,6 triệu đồng/tạ heo.

Theo đại diện một doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay đã tăng khá mạnh. Giá của một số mặt hàng như cám nành, cám cọ để sản xuất thức ăn chăn nuôi qua một số cảng thuộc TPHCM đã tăng khá mạnh trong 6 tháng qua.

Cá biệt, mặt hàng cám cọ nhập khẩu gần đây có giá 170 đô la Mỹ/tấn (giá CFR đã bao gồm các chi phí và cước tàu biển), tăng gần 30% so với tháng 1-2013.

Vị này cũng cho biết do từ 1-7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế quy định hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, thời hạn nộp thuế tối đa là 275 ngày. Do vậy, các lô hàng nguyên liệu không thuộc dạng này phải nộp thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa, thay vì được thông quan trước, nộp thuế sau như trước đây.

“Các đơn vị nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải bỏ ra một số tiền khá lớn để nộp thuế ngay từ đầu thay vì châm nộp nên sẽ tăng giá bán để bù đắp”, vị này cho biết.

Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty Thanh Bình (Đồng Nai) chuyên về chăn nuôi và kinh doanh thức ăn giá súc cho biết từ đầu năm đến nay ông đã ngưng sử dụng nguyên liệu thức ăn nhập khẩu mà chuyển sang nguyên liệu trong nước để tránh rủi ro về tỷ giá cũng như rủi ro trong quá trình nhập khẩu.


Có thể bạn quan tâm

hoi-thao-danh-gia-giong-lua-moi Hội Thảo Đánh Giá Giống… thuc-an-tang-gia-nguoi-nuoi-ca-gap-kho Thức Ăn Tăng Giá, Người…