Vì sao thủy sản khó cạnh tranh tại Hàn Quốc
Thương mại hai chiều Việt Nam và Hàn Quốc tăng liên tục, hai bên kỳ vọng sẽ đạt con số 100 tỷ USD vào năm 2020. Xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc khá nhiều mặt hàng, thế nhưng, việc cạnh tranh và tìm chỗ đứng vững chắc vẫn rất gian nan.
Ảnh minh họa
Xuất khẩu chưa lớn
Tính ra, hiện Việt Nam vẫn nhập siêu từ Hàn Quốc. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD nhưng Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc 47,9 tỷ USD. Làm sao để cân bằng được cán cân xuất nhập khẩu với Hàn Quốc? Đi tìm lời giải này, trong thời gian gần đây đã liên tục có các diễn đàn và hội thảo tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do Bộ NN&PTNT cũng như các bộ, ngành tổ chức liên quan đến vấn đề xúc tiến xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Cuối tháng 8 vừa qua, tại Diễn đàn xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam - Hàn Quốc 2019 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: “Năm 2018, Hàn Quốc phải nhập khẩu 35,9 tỷ USD hàng nông, thủy sản, tuy vậy sản phẩm của Việt Nam mới chỉ chiếm 5,9 % thị phần. Với mối quan hệ giao thương ngày càng chặt chẽ, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam lẽ ra phải có chỗ đứng quan trọng hơn nữa tại Hàn Quốc”.
Nguyên nhân nông sản Việt Nam nói chung và hàng thủy sản nói riêng vẫn còn chưa chiếm lĩnh được thị trường Hàn Quốc đó là sản phẩm xuất khẩu chưa được đồng đều, ít thương hiệu mạnh. Ngoài ra, nhiều hợp đồng không được các nhà xuất khẩu Việt Nam tôn trọng. Năm 2018, Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC xử lý 180 vụ tranh chấp quốc tế thì có tới 91 vụ tranh chấp liên quan tới doanh nghiệp có quốc tịch từ Hàn Quốc, bao gồm tranh chấp thương mại hàng hóa, tranh chấp dịch vụ, đầu tư…
Anh Min Ho, một chuyên gia xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hàn Quốc tâm sự: “Chúng tôi ký nhiều đơn hàng với khách hàng Việt Nam, nhưng chuẩn bị thu mua hàng xuất khẩu, lập tức các khách hàng từ Trung Quốc nhảy vào mua giá cao hơn, thế là bạn hàng Việt Nam lại bán cho Trung Quốc, không bán cho chúng tôi nữa. Chúng tôi làm việc với nhiều quốc gia, nhưng chỉ ở Việt Nam mới xuất hiện hiện tượng bị phá vỡ nhiều hợp đồng do các đối thủ Trung Quốc tranh mua. Đáng tiếc là các doanh nghiệp Trung Quốc ban đầu mua giá cao, nhưng cuối vụ họ ép giá nhiều, khiến doanh nghiệp Việt Nam bị lao đao”.
Bài toán nguyên liệu
Ông Song Sung Hoon, Tổng Giám đốc CJ Freshway Việt Nam, cho rằng sở dĩ doanh số xuất khẩu của Việt Nam chưa cao là do vùng nguyên liệu của Việt Nam chưa đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp chỉ lo đi thu mua chứ chưa phát triển các vùng nguyên liệu.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết, họ đã gặp nhiều vùng nuôi trồng của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, hết sức hài lòng, nhưng sản lượng tại các vùng nuôi trồng đó lại rất ít ỏi. Câu hỏi đặt ra là bao giờ Việt Nam có thể xây dựng những vùng nguyên liệu rộng lớn đủ để đáp ứng các hợp đồng lớn và bền vững với Hàn Quốc?
Ông Kang KiSung, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc chia sẻ rằng: “Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam với khoảng 68 tỷ USD, sử dụng khoảng 1 triệu lao động. Năm 2018, có 3,5 triệu du khách Hàn đến Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu nông sản nhiều nhất trên thế giới vì vậy tiềm năng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Hàn Quốc là rất lớn”.
Theo nhận định của các nhà nhập khẩu tại Hàn Quốc, để mở rộng xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản, các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo có nguồn cung nguyên liệu ổn định từ trang trại, thay vì một số mặt hàng phải nhập khẩu từ nước ngoài như hiện nay. Bởi lẽ, các nước nhập khẩu như Hàn Quốc thường có quy định, tiêu chuẩn riêng đối với các mặt hàng nhập khẩu. Chỉ cần hàng nguyên liệu thô của Việt Nam có vấn đề từ ban đầu, dù có sản xuất ra thành phẩm nào cũng không đạt tiêu chuẩn. Chính vì vậy mà, Bộ NN&PTNT cần hướng dẫn cho người sản xuất nắm bắt được các yêu cầu của Hàn Quốc để có thể cung ứng những sản phẩm đạt chất lượng. Kèm theo đó, phải tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm; đẩy mạnh và kiểm soát chặt chẽ chuỗi hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp và người sản xuất, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Tìm vị thế cho thủy sản
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng thủy sản ra nước ngoài 7 tháng đầu năm 2019 đạt gần 4,69 tỷ USD, giảm nhẹ 0,8% so cùng kỳ năm 2018.Hàn Quốc vẫn là một trong 5 thị trường lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam với trị giá đạt 440,86 triệu USD, chiếm 9,4%, giảm 3,9%. 5 tháng đầu năm xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc tăng 9% đạt 120 triệu USD, tuy nhiên, tháng 6 giảm mạnh gần 29%, tháng 7 tiếp tục giảm 12%. Rõ ràng xuất khẩu sang Hàn Quốc vẫn chưa đạt được sự ổn định như kỳ vọng.
VASEP cho rằng, Việt Nam được miễn thuế tôm nhập khẩu vào Hàn Quốc với hạn ngạch 10.000 tấn/năm, đến 2020 là 15.000 tấn/năm, nhưng hiện Việt Nam mới tận dụng được 2.500 tấn/năm (còn thấp hơn ưu đãi 5.000 tấn/năm mà Hàn Quốc dành cho tôm Thái Lan). Hàng năm, Hàn Quốc nhập khẩu khoảng 80.000 tấn tôm từ các nước trên thế giới. Việt Nam là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Hàn Quốc với thị phần áp đảo 55,4% so các đối thủ khác.
Có thể nói, xuất khẩu thủy sản vẫn là mũi nhọn tiên phong của xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Hàn Quốc. Việc giữ vững tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc sẽ giúp người dân Hàn Quốc tin dùng hàng nông sản Việt Nam, đáp ứng sự kỳ vọng của cả Việt Nam và Hàn Quốc trong việc tăng cường xuất nhập khẩu nông sản.
Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, với mặt hàng thủy sản, Hàn Quốc yêu cầu tất cả các sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ Luật kiểm tra chất lượng sản phẩm thủy sản. Ngoài ra, phải đáp ứng yêu cầu sản xuất HACCP, tiêu chuẩn sản phẩm, nhà xưởng, kho bảo quản, chất lượng nguyên liệu… Trong khi, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc vẫn gặp vấn đề về dư lượng kim loại nặng, độc tố do vi khuẩn, kháng sinh…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ