Mô hình kinh tế Việt Nam Tăng 2 Bậc Về Năng Lực Cạnh Tranh Toàn Cầu

Việt Nam Tăng 2 Bậc Về Năng Lực Cạnh Tranh Toàn Cầu

Ngày đăng 03/09/2014

Vị trí mới của Việt Nam trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu là 68, theo công bố mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Thông tin này được đưa ra trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) năm 2014 được WEF công bố hôm nay (3/9). Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Tình hình tại Việt Nam được đánh giá gần như không đổi so với năm ngoái. Các tiêu chí có cải thiện gồm kinh tế vĩ mô (hạng 75), các tổ chức công (85), bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (104), độ hiệu quả của thị trường (91), chống tham nhũng (109), cơ sở hạ tầng – năng lượng (81), quy mô thị trường (34), thị trường lao động (49) và trình độ công nghệ (99).

Dù vậy, các yếu tố này vẫn còn ở mức độ thấp. Hệ thống tài chính và ngân hàng được đánh giá còn dễ bị tổn thương. Mức độ phát triển trong hoạt động của doanh nghiệp cũng còn kém (106) khi các công ty chủ yếu hoạt động ở cuối chuỗi giá trị.

Nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới năm nay vẫn là Thụy Sĩ, theo sau là Singapore. Mỹ từ vị trí thứ 5 năm ngoái đã nhảy qua Phần Lan và Đức lên thứ 3. Các nước mới nổi như Ả rập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ đều tụt hạng năm nay. Duy chỉ có Trung Quốc tăng một bậc lên vị trí 28.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu được thực hiện thường niên, đánh giá các quốc gia theo 12 tiêu chí, trong đó có cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo, độ hiệu quả của thị trường lao động, trình độ công nghệ và mức độ đột phá. Mục tiêu của WEF là vẽ ra bức tranh toàn cảnh về yếu tố thúc đẩy cạnh tranh, năng suất và sự thịnh vượng tại 144 quốc gia. Năm ngoái, Việt Nam cũng tăng 5 bậc lên vị trí 70 trong bảng xếp hạng của WEF.

Theo nhận định của tổ chức này, các quốc gia đứng đầu đều có những yếu tố chung giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là “tập trung vào việc phát triển, tiếp cận và tận dụng nhân tài sẵn có, cũng như chú trọng vào các khoản đầu tư có thể đẩy mạnh đột phá. Các khoản đầu tư thông minh, có mục đích này có hiệu quả nhờ phương pháp tiếp cận dựa trên sự phối hợp giữa khu vực nhà nước và tư nhân”, báo cáo cho biết.

Dù vậy, WEF cảnh báo kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều rủi ro, dù các nước đã cải tổ và nới lỏng  tiền tệ nhiều năm nay. Cơ quan này nhận thấy “việc thực hiện cải tổ không đều giữa các khu vực và trình độ phát triển khác nhau là thách thức lớn nhất trong duy trì tăng trưởng toàn cầu”.

Châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá có năng lực cạnh tranh rất phân hóa. Khu vực này có 6 đại diện trong top 20 là Singapore (2), Nhật Bản (9), Hong Kong (Trung Quốc, 7), Đài Loan (Trung Quốc, 12), New Zealand (18) và Malaysia (20). Tuy nhiên, châu Á cũng đóng góp 5 cái tên dưới top 100, dù các nước này đều thăng hạng trong năm nay. Đó là Nepal (102), Bhutan (103), Bangladesh (109), Myanmar (134), và Đông Timor (136).

WEF nhận định ở phần lớn các nền kinh tế mới nổi tại đây, thách thức chung là giải quyết tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng, tăng kết nối trong khu vực, giảm thiểu quan liêu, tham nhũng và cải thiện độ hiệu quả của thị trường.


Có thể bạn quan tâm

them-nhieu-doanh-nghiep-thuy-san-duoc-phep-xuat-khau-vao-nga Thêm Nhiều Doanh Nghiệp Thủy… trai-cay-thai-lan-tran-vao-cho-viet Trái Cây Thái Lan Tràn…