Mô hình kinh tế Việt Nam tăng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, Hồng Kông

Việt Nam tăng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, Hồng Kông

Ngày đăng 11/07/2015

Báo cáo của VN Pangasius được trình bày tại buổi làm việc giữa đơn vị này với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình hình sản xuất và xuất khẩu cá tra được tổ chức tại Cần Thơ ngày 8-7, cho thấy từ ngày 1-1 đến ngày 27-6-2015, Trung Quốc và Hồng Kông đã đăng ký nhập khẩu tổng cộng 74.251 tấn cá tra các loại, chiếm 15,62% tỉ trọng toàn ngành.

Cũng theo báo cáo này, EU là thị trường nhập khẩu nhiều thứ hai với khối lượng 72.269 tấn, chiếm 15,21% tỉ trọng toàn ngành; Mỹ và ASEAN là hai thị trường giữ vị trí thứ ba và tư với khối lượng đăng ký nhập khẩu lần lượt đạt 60.669 và 60.595 tấn, tương đương chiếm 12,76 và 12,75% tỉ trọng toàn ngành.

Còn nếu phân theo chủng loại sản phẩm, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp chủ yếu đăng ký xuất khẩu sản phẩm ở dạng phi lê với khối lượng đạt 374.902 tấn, chiếm 78,9% khối lượng hợp đồng đã đăng ký xuất khẩu; kế đến là dạng nguyên con, cắt khúc, xẻ bướm các loại với khối lượng đạt 37.82 tấn, chiếm 7,96%; sản phẩm giá trị gia tăng chỉ đạt 5.207 tấn, chiếm 1,1% khối lượng đã đăng ký xuất khẩu của toàn ngành.

Tại buổi làm việc này, vấn đề nhận được khá nhiều sự quan tâm của các địa phương sản xuất cá tra ở ĐBSCL là có nên tiếp tục duy trì việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra nữa hay không, bởi thời gian qua có không ít doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định này.

Trao đổi về nội dung trên với TBKTSG Online bên lề buổi làm việc này, ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký VN Pangasius, cho rằng duy trì là điều cần thiết bởi việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra sẽ giúp doanh nghiệp, địa phương, các nhà quản lý nắm bắt kịp thời, chính xác những thông tin về thời gian thả nuôi, sản lượng, dự báo thời gian thu hoạch và nhu cầu của doanh nghiệp… để có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng tình với vấn đề trên, ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA), thừa nhận cơ sở dữ liệu trên sẽ là nguồn thông tin quý giá giúp địa phương ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế của ngành cá tra thời gian tới.

Ngoài ra, theo ông Dũng của VN Pangasius, việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cũng nằm trong mục tiêu dài hạn là kiểm soát việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) hoặc các tiêu chuẩn tương đương, bởi doanh nghiệp muốn được xác nhận hợp đồng đăng ký xuất khẩu phải có giấy chứng nhận vùng nuôi, liên kết hoặc hợp đồng thu mua cá nguyên liệu với nông dân. “Mà mục tiêu của nghị định 36 là bắt buộc nguyên liệu phải đạt chứng nhận VietGap, cho nên tất cả các hộ nuôi phải thực hiện theo cái chuẩn đó, kể cả doanh nghiệp”, ông nói.

Cũng theo ông Dũng, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, phải có giấy chứng nhận đủ các tiêu chuẩn do Nafiqad (Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) cấp, thì mới được thông qua khi đến khai báo đăng ký hợp đồng xuất khẩu. “Trong trường hợp các cơ quan quản lý phát hiện ở doanh nghiệp A hoặc B vi phạm điều gì đó, có thể thông báo với chúng tôi để đình chỉ việc xuất khẩu, do đó, sẽ ngăn chặn được những sản phẩm không ổn xuất khẩu ra bên ngoài”, ông Dũng cho biết.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến cuối tháng 5-2015, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước đạt trên 616,570 triệu đô la Mỹ, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất sang Mỹ đạt 134,66 triệu đô la Mỹ, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái; sang EU đạt gần 119 triệu đô la Mỹ, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái…


Có thể bạn quan tâm

hoi-nhap-cho-nganh-chan-nuoi-kho-dung-vung-tren-san-nha Hội nhập cho ngành chăn… chuyen-dong-cua-nganh-nuoi-thuy-san Chuyển động của ngành nuôi…