VietGAP - Đòn Bẩy Giúp Nghề Nuôi Tôm Nước Lợ Phát Triển Bền Vững
Qua hơn 13 năm, nghề nuôi tôm nước lợ (NTNL) của tỉnh Tiền Giang đã có sự phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng về diện tích, sản lượng cũng như mức độ thâm canh ngày càng cao. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm như: Dịch bệnh nhiều khiến rủi ro nuôi tôm cao, lạm dụng thuốc thú y và hóa chất dẫn đến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)… Do đó, áp dụng VietGAP trong nuôi tôm là xu hướng tất yếu để nghề NTNL phát triển bền vững.
Hướng đi tất yếu
Ngay từ những năm đầu của thập niên 1990, nghề NTNL đã xuất hiện và bắt đầu từ năm 2000 NTNL phát triển nhanh chóng. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, năm 2000 diện tích NTNL toàn tỉnh chỉ đạt 2.617 ha với sản lượng 1.348 tấn, tạo việc làm cho 5.000 lao động; đến năm 2012 diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh đạt 5.082 ha, sản lượng đạt 11.821 tấn và tạo ra việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động địa phương.
Dù đã đạt thành quả to lớn nhưng dưới tác động của cơ chế thị trường, việc nuôi tôm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nếu không nhanh chóng có giải pháp hữu hiệu sẽ phải thụt lùi. Khi giá tôm có sự chênh lệch lớn giữa các thời điểm trong năm thì một bộ phận nông dân thả nuôi tôm liên tục, ao nuôi liên tục bị ngập mặn dẫn đến nguy cơ ao nuôi bị lão hóa, mầm bệnh trong môi trường tự nhiên tồn lưu từ vụ này sang vụ khác, dịch bệnh lây lan khiến rủi ro trong nuôi tôm ngày càng cao.
Bên cạnh đó, thâm canh càng cao thì nông dân ngày càng lạm dụng các loại thuốc thú y, hóa chất trong nuôi tôm khiến môi trường nuôi tôm ngày càng xấu đi, nhất là gây mất ATVSTP, từ đó làm giảm uy tín sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Áp dụng VietGAP trong nuôi tôm là xu hướng tất yếu để nghề NTNL phát triển bền vững (Ảnh chụp ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông).
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại qua các năm ngày càng tăng cao, nhất là năm 2012 có tới 927,88 ha tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm 30,8% tổng diện tích, khiến hiệu quả NTNL trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mặt khác, các năm qua thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam là Nhật Bản cũng liên tục tăng cường kiểm soát đối với các loại hóa chất, kháng sinh như Trifluralin, Encrofloxacin trong tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu.
Để xây dựng ngành tôm sạch, đảm bảo ATVSTP và hiệu quả cao nhằm đưa ngành nuôi tôm phát triển ổn định và bền vững, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) dựa trên 4 tiêu chí cơ bản là: ATVSTP, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an toàn xã hội. Sự ra đời của VietGAP là hướng phát triển tất yếu phải có của nghề NTNL cũng như của cả ngành Nông nghiệp Việt Nam.
Khi điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, người tiêu dùng ngày càng chú ý lựa chọn các sản phẩm sạch, đảm bảo ATVSTP. Tuy nhiên, hiện tại ngay cả những sản phẩm thủy sản Việt Nam đang được bán trong các siêu thị lớn cũng chưa được gắn tem, nhãn chứng nhận chất lượng cũng như công khai quy trình kiểm soát chất lượng để có thể truy xuất nguồn gốc.
Do đó, việc áp dụng VietGAP trong nuôi tôm không những có ý nghĩa đối với người tiêu dùng mà còn góp phần tăng hiệu quả kinh doanh cho người sản xuất, kinh doanh và từng bước xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam cả ở thị trường trong và ngoài nước.
Để triển khai VietGAP thành công
Nhằm tạo điều kiện để VietGAP nhanh chóng đi vào trong thực tiễn sản xuất, một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn tại Quyết định 01/2012/QĐ-TTg. Đây là nỗ lực của Nhà nước nhằm giảm chi phí áp dụng VietGAP cho bà con nông dân để tạo điều kiện thuận lợi giúp người sản xuất nông-lâm-thủy sản, trong đó có người nuôi tôm hướng đến nền sản xuất ổn định và bền vững.
Mặc dù được hỗ trợ từ phía Nhà nước nhưng việc áp dụng VietGAP trong NTNL cũng gặp không ít khó khăn. Theo Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFISH), hiện nay VietGAP vẫn chưa được quốc tế công nhận tương đương với các tiêu chuẩn có uy tín khác như: BAP, GlobalGAP, ASC… trong khi tôm nước lợ là nguyên liệu chủ yếu phục vụ chế biến xuất khẩu nên người nuôi tôm chưa mạnh dạn áp dụng.
Hơn nữa, ngành nuôi tôm Việt Nam chủ yếu tồn tại dưới dạng nông hộ nhỏ lẻ với hàng trăm ngàn hộ nuôi tôm trên cả nước nên cơ sở vật chất, hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu. Sản lượng thủy sản của từng hộ nuôi thấp nên chi phí tư vấn, chứng nhận VietGAP tính trên đầu tấn sản phẩm sẽ cao trong khi giá bán sản phẩm sau chứng nhận vẫn chưa có sự khác biệt với sản phẩm thông thường.
Để việc triển khai áp dụng VietGAP trong NTNL thành công, theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, điều quan trọng nhất là phải xúc tiến hoạt động ngoại giao để các thị trường nhập khẩu tin tưởng và thừa nhận VietGAP ngang bằng với các loại tiêu chuẩn quốc tế uy tín khác.
Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn thực hiện Quyết định 01/2012/QĐ-TTg theo hướng triển khai hỗ trợ đến cả những hộ nuôi tôm quy mô vừa và nhỏ; có chế độ hỗ trợ cho việc tiêu thụ sản phẩm VietGAP để tạo sự khác biệt về giá giữa sản phẩm chứng nhận với sản phẩm sản xuất truyền thống…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ