Mô hình kinh tế Vĩnh Long: Để Nghề Nuôi Cá Tra Phát Triển Bền Vững: Liên Kết - Lời Giải Cho Cá Tra

Vĩnh Long: Để Nghề Nuôi Cá Tra Phát Triển Bền Vững: Liên Kết - Lời Giải Cho Cá Tra

Ngày đăng 16/10/2013

Trong nửa đầu tháng 7/2013, có 2 cuộc họp quan trọng tại ĐBSCL do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì để bàn giải pháp cứu ngành cá tra.

Trước đó, đã có rất nhiều cuộc họp bàn, hội thảo và vấn đề bao tiêu sản phẩm, hợp đồng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN) thức ăn- chế biến- xuất khẩu không còn xa lạ. Nhưng từ hội thảo đến thực tiễn vẫn còn rất xa.

Cung - cầu chưa gặp nhau

Xuất khẩu cá tra Việt Nam chiếm 97% thị trường thế giới, nhưng 3 năm nay, giá xuất khẩu bình quân giảm, hàng loạt DN, người nuôi liên tục thua lỗ và phá sản dẫn đến diện tích nuôi cũng giảm mạnh.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), diện tích nuôi cá tra đến ngày 20/9/2013 bằng 91,9% cùng kỳ năm 2012, hầu hết các tỉnh đều giảm diện tích do người nuôi thiếu vốn. Giá cá trung bình từ 19.500- 23.500 đ/kg.

Theo Trường Đại học Cần Thơ, tỷ trọng giá trị gia tăng mặt hàng cá tra xuất khẩu mang về quá thấp, chỉ 0,86%, trong khi tôm xuất khẩu là hơn 27%, cá ngừ hơn 37%. Điều này cho thấy ngành chế biến và xuất khẩu cá tra hầu như không có lãi.

Trong khi tỷ lệ số hộ nuôi bị lỗ ngày càng tăng, năm 1993 tỷ lệ là 9,4%; giai đoạn 2002- 2005 lên 25%; giai đoạn 2005- 2009 là 30% và giai đoạn 2010- 2012 lên tới gần 50%.

Hội thảo về cá tra diễn ra tuần trước ở TP Cần Thơ đưa ra thực trạng, nhiều người nuôi cá tra phải treo ao do chi phí đầu vào tăng, giá bán ra thấp. DN chế biến xuất khẩu nợ tiền chậm trả nông dân, các nhà nhập khẩu nợ tiền DN, khiến cả DN và người nuôi cá trong nước đều gặp khó…

Mà nguyên nhân sâu xa là do sản lượng cá tra trong nước đang “cung vượt cầu”. Nông dân còn bị động trong tiêu thụ sản phẩm, nên khả năng thương lượng, đàm phán với DN còn hạn chế, đôi khi phải năn nỉ DN “mua dùm tui mang ơn”.

Con cá tra góp phần chuyển dịch kinh tế nông hộ của người dân tuyến kinh Ruột Ngựa (xã Chánh An, Mang Thít, Vĩnh Long) hơn 10 năm nay và “đâu ngành nào làm lời nhiều như cá tra”. Nên kỹ thuật hạn chế, ô nhiễm môi trường từ những ngày đầu nay đã được khắc phục.

Tuy nhiên, cái thời “dễ nuôi, dễ bán, dễ ăn” đã qua đi, “hiện không ít hộ dân treo ao, bỏ ao không nuôi, một số chuyển nuôi cá khác. Hầu hết người nuôi nợ ngân hàng, tình trạng bị DN “neo” tiền bán cá, lừa gạt vẫn diễn ra”- ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Mang Thít cho biết.

Ông Nguyễn Việt Thắng- Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng tuy là mặt hàng chiến lược nhưng ngay trong khâu tiêu thụ đã khó, giá bán thấp hơn giá thành (người nuôi lỗ 1.000- 2.000 đ/kg, có lúc trên 3.000 đ/kg). Vì thế, “làm sao để cân đối cung cầu, người nuôi được hưởng lợi” là những vấn đề bức xúc đặt ra hiện nay.

Theo nhận định của ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cái vòng luẩn quẩn khủng hoảng thừa- thiếu là do chưa có một quy hoạch rõ ràng để cân đối cung cầu. Sự phát triển nghề nuôi cá tra theo phong trào, liên kết rời rạc giữa người nuôi cá và DN.

Chuyện người nuôi không biết về nhu cầu thị trường, người chế biến không nắm được sản lượng cá thực có tại các ao. Mạnh ai nấy làm. Trong khi đó, giá thức ăn cho cá cũng leo thang theo lạm phát, ngân hàng lại siết chặt tín dụng. Hệ quả lượng cung cá nguyên liệu giảm và người nuôi lao đao vì cá tồn.

Liên kết, không thể nói suông

Thiếu liên kết đã bộc lộ nhiều bất cập trong các khâu sản xuất cá tra. Mà nói như ông Thắng: “Nếu người nuôi cá bấp bênh thì DN cũng không còn lớn mạnh”.

Trong khi người nuôi “chờ thời, đợi giá”, nói như chú Phan Thanh Sơn (ấp An Hòa B, xã Chánh An- Mang Thít), cách nuôi hiện cũng “khác xưa” rất nhiều. Trước nuôi dày đặc, cho ăn cấp tập để thu hoạch, nay thường rải vụ, thả cá ở mật độ rất thấp, cho ăn cầm chừng, thời gian nuôi kéo dài. Một số hộ chuyển nuôi cá khác, nhưng nuôi cá lóc, cá trê chỉ tiêu thụ nội địa, hiệu quả chưa cao.

Đã từng có liên kết giữa người nuôi cá tra với DN thức ăn, DN chế biến, nhưng chỉ vài mùa “xuôi chèo mát mái” đã “rã bèn”. Có người cho rằng, phần lớn các hợp đồng ký kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ cá giữa nông dân và DN, thì hầu như bất lợi thuộc về nông dân.

Chú Bảy Tui- hộ nuôi cá ở Chánh An (Mang Thít) nói thật lòng: “Nếu “4 nhà” sẵn lòng hợp tác chân thành thì ngành cá tra sẽ không khó khăn nhiều”.

Ông Trương Tấn Được nói: “Tôi muốn người nuôi tham gia hợp tác xã vì lúc đó chúng ta kiểm soát được diện tích nuôi, thời điểm thu hoạch, thậm chí có thể nuôi rải vụ để cá được giá cao. Nhất là có đủ tư cách pháp nhân đường hoàng ký hợp đồng với DN mà không bị chèn ép”. Người nuôi cá cho rằng, Nhà nước phải có quản lý và chế tài cụ thể đối với các trường hợp đơn phương phá vỡ hợp đồng.

Nông dân Phan Thanh Sơn đề xuất, để ổn định nghề nuôi cá, cần liên kết giữa “người nuôi- DN sản xuất thức ăn- DN chế biến xuất khẩu cá tra- ngân hàng”.

Theo đó, DN chế biến xuất khẩu làm “chủ xị” liên kết với nhóm hộ nuôi. DN thức ăn cung cấp cho hộ nuôi thông qua hợp đồng với DN chế biến. Và ngân hàng cung ứng vốn qua hợp đồng giữa DN chế biến với DN thức ăn và người nuôi. Người nuôi phải bán toàn bộ sản phẩm cho DN chế biến.

Cái lợi là người nuôi đảm bảo đầu ra- DN chế biến có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng- DN thức ăn bán được sản phẩm, trong khi ngân hàng cho DN vay vốn đúng địa chỉ và có tài sản thế chấp rõ ràng… Và để tổ chức được mô hình liên kết này, cần có cơ quan chức năng làm “nhạc trưởng” điều phối.

Tại An Giang, một mô hình liên kết đã thí điểm: Hiệp hội Thủy sản tỉnh phối hợp ngân hàng cho người nuôi (đã ký hợp đồng nuôi cá tra nguyên liệu cho DN) vay tín chấp tương đương 50% tài sản đã thế chấp để mở rộng vùng nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế SQP 1000, GlobalGAP.

Còn DN cam kết với người nuôi phải thanh toán tiền đúng hạn qua ngân hàng. Theo Hiệp hội Thủy sản An Giang, liên kết giữa DN và nông dân chặt chẽ hơn, các DN có vùng nguyên liệu sạch và không lo thiếu.

Đã đến lúc, liên kết trong chuỗi sản xuất cá tra không thể nói suông, mà cần những hành động và chính sách cụ thể, thiết thực. Và việc cần có các “trung tâm trọng tài giúp đảm bảo lợi ích người nuôi”- theo ý kiến của ông Nguyễn Phương Lam- Trưởng Phòng Pháp chế thuộc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cùng Hiệp hội Cá tra gắn với chính quyền địa phương để hỗ trợ người nuôi hình thành các nhóm hộ để mở rộng việc liên kết sản xuất và cung ứng nguyên liệu cho DN. Qua đó, giảm rủi ro trong quá trình nuôi và bán cá tra nguyên liệu.

Ông Nguyễn Văn Kịch- Tổng Giám đốc Cafatex (Hậu Giang): Chúng ta chiếm 97- 98% thị trường cá tra thế giới, nhưng tự phá nó đi bằng sản lượng thừa. Đó là hậu quả của một thời gian dài buông lỏng quản lý, sản xuất rầm rộ theo phong trào, nhà nhà nuôi cá. Một khi đầu ra ách tắc sẽ xuất hiện tình trạng thừa mứa, vòng quay chuỗi giá trị chựng lại.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam: Vấn đề hiện nay là các tỉnh và DN, người nuôi đang thiếu thông tin dự báo về sản lượng cá tra. Tôi đề xuất, trong thời gian tới, Hiệp hội Cá tra Việt Nam sẽ có cơ chế để cung cấp thông tin cho người sản xuất cá tra và các địa phương. Nếu địa phương này tăng sản lượng thì nơi khác có sự điều chỉnh cho hợp lý.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đã qua nhiều lần dự thảo, hiện đã được trình Chính phủ. Việc sớm ra đời nghị định là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp các cấp, các ngành chức năng và địa phương vùng ĐBSCL định hướng phát triển ngành cá tra bền vững.


Có thể bạn quan tâm

vietgap-thuy-san-khong-the-chan-chu VietGAP Thủy Sản - Không… nuoi-ca-thac-lac-cuom-khong-lo-viec-tieu-thu Nuôi Cá Thác Lác Cườm…