Tin nông nghiệp Vỗ béo đàn bò cho thu nhập khá cao

Vỗ béo đàn bò cho thu nhập khá cao

Tác giả Thúy Liễu, ngày đăng 01/09/2018

Con bò hiện đang trở thành vật nuôi cho thu nhập cao nên nhiều bà con vùng nông thôn chọn nuôi. Với con bò thịt, việc nuôi như thế nào để lấy được nhiều thịt và bán có giá trên thị trường thì ngoài cách chọn con giống tốt chất lượng, người nuôi cần có kỹ thuật chăm sóc tốt, vỗ béo để chúng tăng trọng lượng, bán được giá.

Hiện nay, rất ít người làm nghề nuôi bò vỗ béo, vì rủi ro khá cao. Vì muốn giúp bà con nông dân cũng như bản thân tăng thu nhập mà anh Lê Thành Thái, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu (Long Phú) đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để mua bò loại thải có thể trạng yếu về để vỗ béo, bán bò thịt. Ngoài việc vỗ béo đàn bò, anh Thái còn cung ứng nhiều giống bò chất lượng cao, phục vụ người chăn nuôi.

Hẹn gặp anh Thái ngay sau giờ tan sở, bởi anh còn bận việc cơ quan. Gặp chúng tôi anh cười rạng rỡ nhưng có phần ngại ngùng, bởi theo anh thì anh không biết chia sẻ chuyện làm ăn của gia đình... Được sự động viên của chúng tôi, thế là anh Thái khá thoải mái mời chúng tôi tới tham quan trại bò lên tới vài chục con của gia đình.

Anh Lê Thành Thái, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu (Long Phú) bên đàn bò vỗ béo.

Qua quan sát chúng tôi nhận thấy, đàn bò của gia đình anh Thái được nuôi theo hình thức “mở” nên chuồng trại rất thoáng mát. Nếu như nhiều hộ chăn nuôi bò ngại khi nhiều người vào thăm chuồng, thì đối với anh Thái tất cả mọi người cứ vào thoải mái. Bởi ngoài đàn bò sinh sản, hầu hết bò đều được nuôi vỗ béo, bán thịt. Kể cả việc bán bò giống, hộ chăn nuôi cứ vào chuồng lựa chọn con nào ưng ý là bắt con đó, sau khi thỏa thuận xong giá cả.

Theo anh Thái, trước đây anh gắn bó nghề nuôi heo gần 15 năm nhưng do giá bấp bênh, còn bị dịch bệnh, thấy nản lòng nên chuyển sang nghề nuôi bò. Trước khi nuôi bò, anh đã đi một số tỉnh để học hỏi kinh nghiệm và xem giống bò tại các địa phương đó. Qua thời gian đi thực tế, anh quyết định chọn mua giống bò ở Bến Tre. Anh mua luôn 7 con bò cái, chỉ sau khoảng 5 năm đàn bò sinh sản số lượng lên 32 con.

Để duy trì đàn cái, anh lựa chọn những con tốt nhất và loại từ từ các con cái cũng như con đực bán thịt. Hiện tại, trong chuồng nuôi có 17 con cái, trong đó 3 con giai đoạn sinh sản, 6 con đã phối giống còn lại là hậu bị. Dự kiến năm 2019, đàn bò cái sẽ sinh sản đồng loạt. Từ thực tế nuôi bò cái sinh sản, sau khi bò loại thải có thể trạng yếu bán thịt và bán bò đực, anh Thái nhận thấy việc nuôi bò bán thịt rất hiệu quả, nếu chịu khó vỗ béo đàn bò thì số lượng thịt tăng lên, bán được giá hơn, qua đó người chăn nuôi sẽ có thêm lợi nhuận.

Với thực tế nêu trên, anh Thái nghĩ ngay tới việc sẽ mua các loại bò mà người chăn nuôi loại thải do có thể trạng yếu về để vỗ béo bán thịt và mua bê con về giết thịt bán tại các nhà hàng, quán ăn khi họ có nhu cầu. Nghĩ là làm ngay, anh Thái lên kế hoạch trước tiên là phải tìm đầu ra khi bắt đầu “khởi nghiệp”. Anh đã tìm nơi tiêu thụ bê sau giết thịt và nguồn hàng họ lấy phải ổn định, thường xuyên mới có lợi nhuận. Chính sự kiên trì nên anh đã tìm được nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh lấy hàng do anh cung ứng, nhưng với điều kiện là con bê phải được làm sạch và chuyển đến tận nơi.

Sau khi có được nơi tiêu thụ, anh Thái đi tìm nguồn bê tại các tỉnh và quyết định mua bê tận Bình Thuận vì giống bê ở đây lớn con, thịt nhiều. Đồng thời, để tạo sự uy tín trong làm ăn liên kết cung ứng thịt bê tại nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh, khi đã có nguồn hàng, anh Thái trực tiếp xem xét công đoạn thợ giết mổ bê tại lò và cẩn thận đóng thùng chuyển lên TP. Hồ Chí Minh, qua vài lần tạo sự tin tưởng thì anh không cần đến tận nơi giao hàng mà chỉ việc giao bê đến lò mổ, sau khi làm xong sẽ vận chuyển luôn lên TP. Hồ Chí Minh, bình quân 5 con/tuần, thu về lợi nhuận 500.000 đồng/con. Để có nguồn cung cấp thịt bê không bị gián đoạn, trong trại bò của anh Thái lúc nào cũng có sẵn 40 con bê, vừa dành giết thịt vừa bán giống cho người chăn nuôi. Do vậy, với người chăn nuôi khi vào chuồng cứ việc lựa chọn bê họ thích, còn số lượng bê thừa lại sẽ giết thịt.

Bên cạnh đàn bê cung cấp nhà hàng cho nguồn thu nhập cao, anh Thái còn có đàn bò vỗ béo trong chuồng 10 con - 15 con. Số bò này anh mua lại từ các hộ dân trên địa bàn huyện. Đây là những con bò loại thải tăng trọng kém nên hộ dân bán để mua con khác tốt hơn. Anh Thái mua về và bằng kỹ thuật, kinh nghiệm lâu năm trong nghề kèm với việc đã từng học qua nghề thú y nên anh vỗ béo đàn bò loại thải rất thành công.

“Thường con bò loại thải rất ốm, giá người dân bán tương đối thấp (tầm 10 triệu đồng/con), sau thời gian vỗ béo khoảng 6 tháng đến 1 năm, bò tăng trọng lượng sẽ bán thu về lợi nhuận khoảng 8 triệu đồng/con, bán tầm 5 con bò thịt/tháng và nguồn hàng hiện rất dồi dào. Tôi bán bò trực tiếp cho các lò giết mổ bởi sản lượng thịt nhiều nên họ mua giá cao hơn so với bên ngoài từ 5.000 đồng - 10.000 đồng/kg thịt bò hơi” - anh Thái tâm tình.

Ngoài chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo và bê giết thịt, anh Thái còn nuôi đàn dê lên tới 70 con nên tổng nguồn thu nhập từ chăn nuôi của gia đình anh khoảng 500 triệu đồng/năm. Để cung cấp đủ cỏ cho bò ăn, anh Thái đã trồng chuyên canh 10 công cỏ và dự trữ thêm rơm. Dự kiến tới đây của anh Thái là vẫn duy trì nghề nuôi bò, cải tạo giống bò của bà con tại địa phương bằng cách bán các giống bò có tầm vóc lớn thay thế giống bò cóc, thể trạng gầy yếu nhằm giúp người dân nâng cao đời sống thông qua việc chăn nuôi bò.


Có thể bạn quan tâm

cach-phong-chong-ngap-ung-bao-ve-cay-trong-do-mua-lon Cách phòng, chống ngập úng,… lam-nong-van-thu-tien-ty-moi-nam Làm nông vẫn thu tiền…