Mô hình kinh tế Vốn giá rẻ có về nông thôn

Vốn giá rẻ có về nông thôn

Ngày đăng 30/10/2015

 Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại có mở rộng cửa để doanh nghiệp hay người dân tiếp cận dòng tín dụng giá rẻ này vẫn đang là điều được quan tâm.

Chính sách tín dụng “vì dân”

Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã kết thúc “vai trò lịch sử” sau 5 năm triển khai.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng nghị định này đã góp phần quan trọng khơi thông nguồn vốn chảy vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng một số quy định thực hiện từ năm 2010 đã không còn phù hợp với quy mô, chi phí sản xuất nông nghiệp hiện thời, đã được thay thế bằng Nghị định 55/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25.7.2015.

Ông Phạm Trọng - Trưởng phòng Tổng hợp và kiểm soát nội bộ (Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam) cho biết, so với quy định hiện hành, nghị định này đưa ra một hệ thống chính sách đồng bộ.

Không chỉ khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Nghị định 55 được kỳ vọng sẽ tiếp tục đem lại nguồn vốn thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Điểm mới đáng chú ý của Nghị định 55 là mở rộng đối tượng vay vốn.

Cá nhân, hộ gia đình sinh sống tại thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp đều có thể vay vốn, mức cho vay không có tài sản bảo đảm được nâng lên 1,5 - 2 lần so với quy định của Nghị định 41.

Ngoài việc nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn như đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nuôi trồng, khai thác thủy sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá… cao hơn các lĩnh vực khác, nghị định mới này đã khuyến khích các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua các quy định về trích lập dự phòng rủi ro, hỗ trợ nguồn vốn, các công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác.

Các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao được vay đến 70 - 80% giá trị dự án hay phương án sản xuất, kinh doanh.

Nếu doanh nghiệp khó khăn trả nợ vì nguyên nhân khách quan bất khả kháng sẽ được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh khi có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Tùy khả năng tài chính, các tổ chức tín dụng có thể thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác như miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn hoặc ưu tiên thu hồi nợ gốc trước, thu lãi sau, giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

“Nội dung chính sách hỗ trợ tập trung vào quy định mức cho vay không có tài sản đảm bảo và cơ chế xử lý khoản nợ khi gặp rủi ro vì nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.

Với chính sách này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sẽ yên tâm hơn trong việc tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” - ông Trọng nói.

Khả năng tiếp cận

Ông Hà Thạch - Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam nói dù phải luôn cạnh tranh với các ngân hàng thương mại khác, nhưng Agribank đã chủ động vốn, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp cận vốn vay theo chính sách này khi có các phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.

Đối tượng, mức vay hoặc cơ cấu lại nợ sẽ giảm khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân bởi đầu tư cho nông nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro.

Kế hoạch của Agribank sẽ tăng trưởng bình quân 15 - 20% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Một tháng trước, Agribank đã chính thức triển khai cho vay theo Nghị định 55, nhưng tăng trưởng dư nợ lĩnh vực này phụ thuộc vào năng lực sản xuất, kinh doanh hay các dự án khả thi từ khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng đã hoàn thành cơ bản đến 98% việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng các địa phương vẫn chưa giao tới dân vì gắn với các nghĩa vụ công ích ở địa phương.

Nếu thực hiện đúng như chỉ thị của UBND tỉnh là phải nhanh chóng giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không vì thiếu các khoản đóng góp mà “giam” giấy của dân thì những băn khoăn về cơ chế bảo đảm tiền vay thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ không còn là chuyện khó.

Chính sách tín dụng được xem là đã mở rộng cửa, khó khăn về giấy tờ, thủ tục sẽ được các cơ quan quản lý giải quyết, nhưng nhiều người vẫn nghi ngại về khả năng tiếp cận vốn.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My đặt vấn đề mấu chốt quan trọng của Nghị định 55 giải quyết được cái gì, sẽ có bao nhiêu người được thụ hưởng nguồn vốn giá rẻ này? Ví dụ như đầu tư 1ha sâm Ngọc Linh sẽ mất vào khoảng từ 2 - 2,5 tỷ đồng, chưa kể hạ tầng.

Nhưng hạn mức cho vay thấp, thời gian ngắn thì liệu chính sách này có đến được với người dân?

Chính phủ, chính quyền Quảng Nam chỉ đạo hay Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cam kết sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng này, nhưng không cho vay, không thực hiện hoặc vin vào lý do mạng lưới hạn hẹp, khó triển khai qua các kênh tín chấp của hội, đoàn thể địa phương… thì cũng đâu có chế tài hoặc phương thức gì để xử lý các ngân hàng này.

Vì vậy, khó để biết được có bao nhiêu đồng vốn giá rẻ chảy vào nông nghiệp, nông thôn đúng thực chất.

Thực tế, chưa ai có thể trả lời câu hỏi của một giám đốc quỹ tín dụng nhân dân nêu lên tại cuộc họp triển khai Nghị định 55 mới đây: khi người dân không trả nợ được thì Nhà nước có hỗ trợ cho tổ chức tín dụng hay không?

Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam nói vốn không thiếu, dự án đặc thù thì cần hỗ trợ lãi suất.

Các tổ chức tín dụng vào cuộc thì cơ chế bảo đảm tiền vay sẽ không còn khó, nhưng nếu không nỗ lực thì chính sách tín dụng theo Nghị định 55 cũng sẽ không khá hơn nhiều so với Nghị định 41!


Có thể bạn quan tâm

gan-16-ty-dong-dau-tu-ho-tro-cho-cac-xa-kho-khan-theo-chuong-trinh-135 Gần 16 tỷ đồng đầu… dau-tu-1-500-ty-dong-xay-dung-nong-thon-moi-giai-doan-2016-2020 Đầu tư 1.500 tỷ đồng…