Mô hình kinh tế Vụ đông xuân 2015-2016 vẫn lo thiếu nước

Vụ đông xuân 2015-2016 vẫn lo thiếu nước

Ngày đăng 25/11/2015

Phập phồng chờ mưa

Ông Đỗ Hồng Hải - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên (MTV) Khai thác CTTL Nam Khánh Hòa cho biết, lượng mưa đầu tháng 11 vừa qua đã cải thiện đáng kể tình trạng thiếu nước tại các CTTL.

Các hồ trên địa bàn mực nước đạt 40 - 50% dung tích, trong đó có 2 hồ đạt 100% dung tích là Suối Dầu và Cây Sung.

Với tình hình này, việc cung cấp nước tưới cho vụ đông xuân 2015 - 2016 là khả quan.

Đơn vị đang phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất hết 100% diện tích trong diện hợp đồng. Tranh thủ có nước, huyện Diên Khánh triển khai sản xuất 100% diện tích vụ đông xuân (tương đương 4.000ha) ngay từ đầu tháng 11.

Huyện chỉ đạo: từ ngày 15 - 11 bắt đầu mở nước, xuống giống từ ngày 5 đến 30-12;

Các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Nam Khánh Hòa xác định lịch tưới từng vùng cụ thể, phấn đấu không bỏ hoang diện tích;

Chủ động triển khai làm đất, thông báo xã viên đắp bờ giữ nước, nạo vét, sửa chữa kênh mương...

Ông Nguyễn Trường Sanh - Giám đốc HTXNN Diên Lạc cho hay, HTX đã cày hơn 30% trong tổng số 197ha lúa 2 vụ, tận dụng nước của hệ thống kênh Cầu Đôi để làm đất, chuẩn bị xuống giống.

Dự kiến cuối tháng 11 sẽ giải quyết xong việc làm đất, đến ngày 5 - 12 gieo đợt 1 và 25 - 12 dứt điểm việc xuống giống.

Bên cạnh các hồ tích lượng nước khá dồi dào, hiện nay vẫn còn hồ có mực nước thấp.

Theo ông Nguyễn Mỹ - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Bắc Khánh Hòa, hồ Đá Bàn có dung tích 75 triệu m3 nhưng mới đạt cao trình 47m, tương đương khoảng 10% dung tích.

Với tình hình này, công ty phải đợi đến tiết 23 - 10 xem lượng mưa thế nào mới quyết định diện tích cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân.

Ông Nguyễn Tiến - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, lượng nước các hồ nhỏ đã đủ song hồ lớn như Đá Bàn chưa đáp ứng được nên thị xã còn thận trọng trong việc chỉ đạo sản xuất.

Được biết, hồ Đá Bàn cung cấp nước tưới cho khoảng 5.000ha lúa 2 vụ toàn thị xã.

Sử dụng nước tiết kiệm

Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ đông xuân 2015 - 2016, toàn tỉnh dự kiến sản xuất 20.500ha lúa; xuống giống từ ngày 25-11 đến 25-12;

Giống chủ lực là các dòng Ma Lâm và TH; giống bổ sung IR17494 và các dòng Ô Môn; ngoài ra còn chú ý các giống chịu hạn như: LCH 37, A17, LC93-4...

Bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho rằng, trong tình hình nước khó khăn, các địa phương cần bố trí lịch gieo sạ tập trung theo từng khu vực, cánh đồng để rút ngắn thời gian gieo, tiết kiệm nước.

Nơi nào không đủ nước thì kiên quyết không cho gieo sạ, khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng cần ít nước như: bắp lai, đậu xanh, đậu phụng, mè... để tránh thiệt hại.

Đồng thời, tăng cường công tác điều tra, dự báo dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời...

Dự báo việc sản xuất trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng bởi El Nino, nguồn nước khó bảo đảm, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương chủ động sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016.

Theo đó, khẩn trương xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí lịch gieo trồng và cơ cấu giống phù hợp; chú trọng quản lý giống cây trồng, vật tư nông nghiệp đảm bảo đủ cung ứng cho sản xuất; có giải pháp đề phòng mưa lớn, lũ lụt làm trôi giống; hướng dẫn nông dân sử dụng đúng cơ cấu giống, xuống giống theo lịch thời vụ...

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng giống có nguồn gốc, chất lượng; không sử dụng lúa thịt hay giống nhiễm sâu bệnh; hạn chế sử dụng giống lúa không có trong cơ cấu giống;

Khuyến khích nông dân áp dụng chương trình 3 giảm, 3 tăng (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm, tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế), 1 phải 5 giảm (phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng hạt giống, giảm lượng phân đạm bón thừa, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm lượng nước tưới và giảm tổn thất sau thu hoạch) nhằm tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, xác định vùng có khả năng thiếu nước để có kế hoạch chống hạn và bố trí cây trồng hợp lý; xem xét điều chỉnh chuyển đổi vùng trồng lúa thường xuyên bị hạn sang cây trồng khác hoặc dừng canh tác;

Tổ chức kiểm tra, sửa chữa công trình hư hỏng, nạo vét kênh mương, trạm bơm, ao, giếng, khơi thông dòng chảy; tăng cường quản lý phân phối nước chặt chẽ, linh hoạt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả...


Có thể bạn quan tâm

khoai-lang-xuat-khau-tang-gia Khoai lang xuất khẩu tăng… 25-ha-bi-xanh-o-hung-tan-thu-nhap-cao-gap-3-lan-cay-trong-khac 25 ha bí xanh ở…