Tin nông nghiệp Vụ lúa đông xuân 2016 - 2017 ở miền Bắc: Một số vấn đề cần lưu ý

Vụ lúa đông xuân 2016 - 2017 ở miền Bắc: Một số vấn đề cần lưu ý

Tác giả Ths. Trần Xuân Định, ngày đăng 17/01/2017

Miền Bắc bắt đầu bước vào thời gian chuẩn bị cho gieo cấy vụ lúa đông xuân 2017, xin trao đổi một số vấn đề kỹ thuật trong công tác chỉ đạo sản xuất.

Trong ảnh: Chăm sóc lúa xuân ở ĐBSH

1. Thời tiết khí hậu

Kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017 đã được Bộ NN-PTNT triển khai hồi tháng 11/2016 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cập nhật các dự báo ngắn và trung hạn gần đây từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các đài khu vực tiếp tục đưa ra nhận định về xu hướng thời tiết vụ xuân 2017 như sau: Nền nhiệt bình quân các tháng từ tháng 1 - 4/2017 cao hơn chuẩn sai trung bình nhiều năm 0,5 - 1oC, rét đậm, rét hại tập trung ở các tháng 12/2016 và tháng 1/2017 và không kéo dài.

Lượng mưa ở Bắc Bộ mùa đông xuân này thiếu hụt 10 - 15% so với trung bình nhiều năm, riêng khu vực Bắc Trung bộ tương đương trung bình nhiều năm. Nguồn dòng chảy trên hệ thống thượng lưu các sông khu vực Bắc bộ thấp hơn TBNN 10 - 20%, nguy cơ thiếu nước cục bộ có thể xảy ra nhất là với vùng trung du, miền núi phía Bắc.

2. Cơ cấu giống lúa

Chủ trương của Bộ NN-PTNT về cơ cấu giống lúa cũng đã được thống nhất cao với tất cả các địa phương dựa trên những cơ sở khoa học và cơ sở thực tế nhiều vụ gần đây ở các tỉnh phía Bắc khi mà biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn, mạnh hơn, đó là: Giảm tối đa hoặc không bố trí các giống dài ngày nhóm xuân sớm để hạn chế các tác động bất thường, cực đoan của thời tiết khi chuyển vụ từ cuối đông năm trước sang tiết xuân của năm sau.

Theo đó khuyến cáo nông dân mở rộng gieo cấy tối đa các giống cảm ôn ngắn ngày trà xuân muộn với thời gian sinh trưởng trên dưới 130 ngày (mạ nền cứng), nhóm giống này hiện có bộ giống khá phong phú, đa dạng và nhiều cơ hội lựa chọn cho nông dân gồm: Giống lúa thuần với các giống năng suất cao, giống năng suất cao, chất lượng khá, giống chất lượng cao và đặc sản, giống Japonica; Đặc biệt nhóm giống lúa ưu thế lai (F1) hiện có nhiều giống kiểu hình đẹp, năng suất cao và chất lượng cơm gạo ngon, nhất là lại có khả năng kháng với bệnh đaọ ôn, một trong các bệnh hại nguy hiểm ở vụ lúa xuân, lúa lai có tính bền vững cao khi các bất thường xảy ra, nó vẫn giữ mức năng suất khá ổn.

3. Thời vụ gieo cấy

Dưới góc độ sản xuất đại trà, dựa trên tính toán “suất an toàn” khi lúa trỗ đã được khẳng định qua các nghiên cứu kết hợp giữa các khung thời vụ và hệ thống số liệu khí tượng các vùng từ những năm 1960 đến nay; Khu vực Bắc Trung bộ, để tránh gió tây nóng nửa cuối tháng 5, đồng thời lại né được rét nàng Bân cuối vụ, thời điểm lúa trổ bông an toàn cho vùng này được tính toán có tần suất an toàn và cho năng suất cao nhất là khoảng 25/4 đến 5/5 có thể 10/5 dương lịch, tức là trước tiết “lập hạ”.

Khu vực ĐBSH và trung du miền núi phía Bắc thì tần suất trổ an toàn được chỉ ra với mức xác suất 85 - 90% là từ 1 - 20/5 dương lịch, song tốt nhất là 5 - 15/5 dương lịch (sau tiết lập hạ).

Với việc tính toán khá chi tiết này, cộng với việc cập nhật, bổ sung thêm những biến đổi bất thường của khí hậu, bài toán thời vụ sẽ là một phép tính ngược dựa trên các thông số về thời gian sinh trưởng của nhóm giống, phương thức gieo cấy để đưa ra thời vụ gieo.

Và một kết luận chắc chắn, khoa học, đồng thời cũng được kiểm định bằng thực tế sản xuất ít nhất hàng chục năm qua là: Các giống lúa cảm ôn ngắn ngày, trà xuân muộn, phương thức mạ nền cứng, mạ khay cứ gieo vào xung quanh tiết lập xuân (4 - 5/2 ± 5-7 ngày), tùy chân đất, và tiểu vùng.

Ba vụ xuân gần đây, miền Bắc đều trải qua vụ xuân ấm với nền nhiệt bình quân cao hơn chuẩn sai trung bình nhiều năm, và chúng ta vẫn được mùa to, điều này không thể có được ở những thời điểm trước đây khi mà giống lúa dài ngày còn được gieo cấy phổ biến ở miền Bắc và có những vụ đông xuân ấm cả hệ thống chính trị đã phải căng mình chỉ đạo, xử lý tình huống ấm khiến tháng 3 lúa đã trổ bông.

Vụ này, lập xuân sau tết âm lịch, 4/2 tương đương mùng 8 tết Đinh Dậu, bà con mình không còn phải sấp ngửa, tất bật vừa sắm tết vừa gieo cấy để kịp vụ tốt nhất, ăn tết xong ngâm ủ gieo mạ nền, làm đất sẵn cho tơi nhuyến rồi sạ vào ngay sau 10/2 tức sau cả rằm tháng giêng - đó là khung thời vụ tốt nhất.

4. Những vùng đặc thù

Về nguyên tắc, thời vụ được đưa ra dựa trên sự tính toán có hiệu quả nhất, và dĩ nhiên với những vùng đặc thù như phải kết thúc thu hoạch sớm hơn để tránh lũ tiểu mãn vào cuối tháng 5, những vùng bà con có tập quán và trình độ thâm canh cao với việc mở rộng cây rau màu vụ hè - một vụ vô cùng hiệu quả xen giữa 2 vụ lúa với giá trị thu hoạch 3 - 5 triệu đồng/sào, tức 70 - 100 triệu đồng/ha chỉ sau 2,5 tháng với các cây như dưa lê, dưa hấu, dưa hồng…

Phun thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh

Vùng này vụ lúa xuân gieo cấy không nhằm vào mục tiêu năng suất, mục tiêu hướng tới chính là giá trị thu hoạch của vụ màu hè và vụ mùa tiếp theo, việc bố trí lịch thời vụ sẽ không theo khung lịch chính.

5. Quản lý nước, phân bón, sâu bệnh hại và chăm sóc

Nước, nguồn tài nguyên quan trọng: Với vụ lúa xuân, nước có thể được xem là yếu tố vô cùng quan trọng, kinh nghiệm đã tổng kết: Chiêm thì chết khô, mùa thì chết úng. Nước cho lúa vụ chiêm hay vụ xuân ngày nay được ví như chiếc áo, nó giữ ấm gốc lúa, nó hạn chế cỏ dại và nó điều hòa dinh dưỡng cho cả quá trình sinh trưởng dinh dưỡng của cây lúa, ở là giai đoạn đầu, giai đoạn lúa bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh, khô nước và gặp lạnh, lúa chỉ có chết hoặc không thể đẻ nhánh nổi, còn khi đã sau giai đoạn này thì ruộng lại cần được tháo cạn và phơi cho nứt chân chim, đó là quy trình tưới: Nông - lộ -phơi. Các cảnh báo và dự báo là khả năng thiếu nước cho giai đoạn cuối vụ đông xuân năm nay, do vậy tưới tiết kiệm nông - lộ - phơi xem ra rất có ý nghĩa.

Thật may, vụ đông xuân 2017 đang lặp lại kịch bản của 2016, mưa vừa đến mưa to, mưa 2 - 3 ngày liên tiếp ở các tỉnh phía Bắc đúng vào đợt 1 với 5 ngày xả nước từ hệ thống hồ chứa thủy điện, quả là trời thả vàng cho ngành nông nghiệp và điện lực. Có thể nói rằng hàng tỷ m3 nước sẽ được tiết kiệm cho vụ xả nước đổ ải này. Tuy vậy cũng không nên chủ quan; Các địa phương cần có một kế hoạch lấy nước, trữ nước trong các hệ thống kênh mương, ao hồ, vùng trũng để có nước dưỡng cho lúa ở giai đoạn sau, khi mà dự bão thiếu hụt dòng chảy tới 10 - 20%.

Bón phân: Vụ xuân trước kia nông dân có tập quán cày và phơi ải, các cụ cũng dạy là “hòn đất nỏ, một giỏ phân”; bây giờ tôi thấy dân mình không còn mặn mà nữa, nhiều vùng cày lật đất kịp thì chắc được ải vụ này, nhiều vùng để ải âm, không cày và còn nguyên gốc rạ sau thu hoạch, như vậy khí trong đất không được cải thiện và tích tụ độc tố, sau cấy quá trình khoáng hóa cũng chậm hơn, tốn phân hơn mới thấy lúa tốt.

Bón phân cần được khuyến cáo bón cân đối N-P-K và bón nặng đầu, nhẹ cuối, bón lót sâu để đất có tiếp súc nhiều hơn với phân khi bón, keo đất giữ được phân bón, hạn chế rửa trôi và bay hơi. Lúa xuân có đặc điểm vừa trổ, vừa tốt, nhất là khi có mưa rào do vậy không nên bón muộn về sau, vừa tốn, lãng phí và hiệu quả đôi khi lại ngược lại.

Sâu bệnh hại các địa phương cần lưu ý: Tôi muốn nói đến chuột và ốc bươu vàng trước; vụ đông vừa rồi quá ấm, đối tượng này chúng ta cần lưu tâm vì nguồn dinh dưỡng cho chúng khá thoải mái, chúng sẽ sinh đàn, nảy nở nhanh hơn, sức phá hoại dữ hơn. Tranh thủ đổ ải gắn với phát động chiến dịch diệt chuột và ốc bươu vàng từ sớm để chặn nguồn phát sinh sau này.

Đạo ôn và rầy nâu cần được theo dõi chặt chẽ, vì có thể điều kiện thời tiết vụ này sẽ hội tụ đủ cho các đối tượng này gây hại.

Chỉ đạo quyết liệt, sát sao và khoa học, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, chúng ta sẽ có vụ lúa xuân 2017 thắng lợi.


Có thể bạn quan tâm

kinh-nghiem-trong-chuoi-tieu-hong-thu-hoach-dung-tet Kinh nghiệm trồng chuối tiêu… nong-nghiep-cong-nghe-cao-hut-von-nhat-ban Nông nghiệp công nghệ cao…