Mô hình kinh tế Vụ Tôm Nước Lợ Năm 2014 Phát Triển Vượt Bậc

Vụ Tôm Nước Lợ Năm 2014 Phát Triển Vượt Bậc

Ngày đăng 05/11/2014

Tính đến nay, cả nước đã thả nuôi được 685.000 ha tôm nước lợ (đạt 102,2% kế hoạch). Giá trị kim ngạch XK 9 tháng đầu năm ước đạt 6,48 tỷ USD, trong đó XK tôm đạt 2,93 tỷ USD.

Ngày 4/11, tại Bến Tre, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị tổng kết nuôi tôm nước lợ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015. Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì hội nghị quan trọng này. Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng cũng đến tham dự hội nghị.

Kiểm soát dịch bệnh tốt hơn

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Tính đến nay, cả nước đã thả nuôi được 685.000 ha tôm nước lợ (đạt 102,2% kế hoạch), trong đó diện tích nuôi tôm sú 590.000 ha, tôm thẻ chân trắng 95.000 ha, sản lượng thu hoạch 660.000 tấn (đạt 120% kế hoạch và tăng 20,4% so năm 2013). Giá trị kim ngạch XK 9 tháng đầu năm ước đạt 6,48 tỷ USD, trong đó XK tôm đạt 2,93 tỷ USD.

Cục Thú y cho biết, tình hình dịch bệnh trong 10 tháng đầu năm 2014, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 46.079 ha. Dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp vẫn diễn biến phức tạp, nhưng kiểm soát tốt hơn. Cả nước có 3 tỉnh công bố dịch là Sóc Trăng, Nghệ An và Quảng Ninh.

Đối với bệnh đốm trắng, xảy ra trên cả tôm thẻ và tôm sú ở độ tuổi từ 10 đến 100 ngày sau khi thả. Tỉnh Sóc Trăng bị dịch bệnh đốm trắng nhiều nhất trong cả nước, sau đó là Cà Mau. So với năm 2013, bệnh đốm trắng xảy ra ở phạm vi hẹp hơn, nhưng diện tích bị thiệt hại lại lớn hơn 1,73 lần.

Đối với bệnh hoại tử gan tụy cấp, cũng xảy ra trên cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng, nhưng diện tích thiệt hại chủ yếu trên tôm thẻ chân trắng. So với năm 2013, diện tích bị bệnh hoại tử gan tụy cấp thấp hơn, chỉ bằng 93,07%. Ngoài ra, còn các bệnh do virus Taura, bệnh đầu vàng, hoại tử cơ, phân trắng, đỏ thân… Cục Thú y nhận định, từ nay đến cuối năm tình hình dịch bệnh dự báo có xu hướng ổn định ở mức độ thấp do đã hết vụ nuôi chính.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết thêm: Cuối năm 2013, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã tìm ra được tác nhân gây bệnh gan tụy cấp. Bên cạnh đó, cùng với kinh nghiệm của người nuôi nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là quy hoạch vùng nuôi, con giống, quy trình công nghệ và kiểm soát vật tư đầu vào.

Năm 2015, đặt ra nhiều thời cơ nhưng cũng thách thức, chủ yếu là thị trường. Năm 2015, SX bao nhiêu tôm là phù hợp với yêu cầu của thị trường. Thứ trưởng lưu ý, năm 2015 các địa phương cân nhắc diện tích, vì mở mới diện tích nuôi là có giới hạn, nên cần thay đổi cơ cấu giữa tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Tôm hơn lúa

Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ, năm 2014, nông nghiệp Việt Nam tương đối được mùa, được giá. Nổi bật nhất là ngành nuôi tôm, sản lượng cao, giá cả tương đối tốt. Tính ra, 1 kg tôm trị giá bằng khoảng 20 kg lúa. Năm nay, sản lượng tôm tăng 20,4% so với năm 2013, trị giá tương đương hơn 2 triệu tấn lúa.

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được vẫn còn canh cánh nỗi lo về dịch bệnh và biến động thị trường. Vì vậy, năm 2015 có rất nhiều việc phải làm. Vấn đề đặt ra là nuôi tôm thẻ hay tôm sú? Duy trì diện tích ổn định như hiện nay hay phát triển thêm? Năm 2014, bệnh đốm trắng lại bùng lên. Vậy năm 2015, phải kìm chế bệnh này ra sao và khống chế tất cả các dịch bệnh trên con tôm một cách bài bản như thế nào.

Ông Lê Văn Sử, GĐ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết: Bất cập hiện nay trong nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau là vốn, điện 3 pha và hạ tầng thủy lợi. Ngoài ra, chất lượng đầu vào và đầu ra vẫn còn phức tạp như nạn bơm tạp chất vào tôm. “Không kiểm soát được nuôi tôm tự phát nên dịch bệnh vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi”, ông Sử chốt lại.

Ở Bạc Liêu nuôi 128 ngàn ha, sản lượng đạt 176 ngàn tấn, nhưng thống kê có khoảng 60% dịch bệnh xảy ra là do yếu tố môi trường nước. Ông Lương Ngọc Lân, GĐ Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết: Gần đây nổi lên mô hình nuôi tôm trong nhà kính, đây là một hướng đi đúng. Riêng mô hình lúa tôm khoảng 30 ngàn ha. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm bán công nghiệp ở Bạc Liêu cao nên dịch bệnh còn xảy ra nhiều.

Theo Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản, từ đầu năm đến nay, có 35 DN SX giống thủy sản nhập khẩu tôm giống bố mẹ với 181 lô hàng tôm thẻ chân trắng, 1 lô hàng tôm sú bố mẹ, số lượng nhập khẩu khoảng 143.960 con. Kết quả kiểm tra các lô hàng tôm thẻ chân trắng bố mẹ đều đạt chất lượng, còn 1 lô tôm sú không đáp ứng yêu cầu về kích cỡ theo quy định.

Ông Đoàn Văn Đảng, GĐ Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết thêm: Do giá tôm tăng cao và ổn định nên đa số các cơ sở nuôi đã nôn nóng để thả được nhiều vụ, mật độ thả cao, không thực hiện đúng quy trình cải tạo và xử lý ao nuôi. Ở Bến Tre tôm chết nhiều ở 2 giai đoạn từ 25-40 ngày tuổi, một số ít ở 50-80 ngày tuổi.

Nguyên nhân chủ yếu do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Ông Đảng kiến nghị nên ưu tiên đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kênh cấp nước. Cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ chuyển đổi cũng đặt ra ở tỉnh Sóc Trăng.

Ưu tiên hơn

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, năm nay ngành tôm phát triển vượt bậc, tăng kỷ lục. Sự phát triển này có đóng góp quan trọng chung cho ngành nông nghiệp và có đóng góp riêng cho nhiều địa phương. Nhưng làm sao để con tôm phát triển bền vững và không lặp lại những vấn đề dịch bệnh và thị trường như thời gian qua?

Từ những thách thức đặt ra, Bộ trưởng chỉ ra rằng, về thị trường, cần tiếp tục nỗ lực duy trì, tháo gỡ những rào cản thương mại. Chú ý thị trường Mỹ và Nhật. Để mở cửa thị trường, không phải 1 bộ hay 1 DN có thể làm được, mà cần sự phối hợp và bền bỉ của nhiều người. Bên cạnh đó, cần theo dõi và thông tin kịp thời những nhu cầu của thị trường cho người nuôi biết để hỗ trợ họ hiệu quả nhất.

Về phòng chống dịch bệnh, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cơ quan thú y phải là đầu mối. Các tỉnh phải xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh bài bản, không chống dịch ngẫu hứng. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng. Các tỉnh cũng nên ưu tiên vốn địa phương đầu tư cho việc phát triển con tôm. “Nên đầu tư nguồn lực nhiều hơn cho con tôm chứ không chỉ dồn hết cho cây lúa”, Bộ trưởng nói.

Câu hỏi khó Bộ đặt ra cho các địa phương là có nên mở rộng diện tích nuôi tôm nữa hay không? Trước mắt, các địa phương chỉ có thể đưa ra được hai phương án để tăng sản lượng bằng cách chuyển nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng và nuôi bán thâm canh sang thâm canh.


Có thể bạn quan tâm

khan-truong-thong-nhat-giao-nhiem-vu-thu-y-thuy-san-cho-co-quan-thu-y Khẩn Trương Thống Nhất Giao… von-dong-tau-vo-sat-chua-chay Vốn Đóng Tàu Vỏ Sắt…