Vụ Tôm Sú Nuôi 2013 Còn Nhiều Khó Khăn: Người Nuôi Tôm Tiếp Tục “Lao Đao” Ở Trà Vinh
Trà Vinh là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn ở ĐBSCL. Từ thế mạnh này, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, 02 năm gần đây, tình hình tôm nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng ngay từ đầu vụ khiến cho một số hộ nuôi tôm phải “lâm nợ”. Mặc dù hiện nay lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo sát sao và có chính sách hỗ trợ cho người nuôi tôm bị thiệt hại, nhưng với tình hình thời tiết không thuận lợi, giá nhiên liệu tăng, người nuôi tôm thiếu vốn, việc đầu tư vụ nuôi mới càng khó khăn hơn.
Thời tiết thất thường tôm nuôi bị thiệt hại
Khi tôm nuôi bị thiệt hại, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với lãnh đạo các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành mở cuộc họp khẩn cấp tìm hiểu nguyên nhân vì sao tôm nuôi bị chết hàng loạt ngay từ đầu vụ. Theo cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng kéo dài làm cho độ mặn tăng cao, mực nước trong ao nuôi bị giảm, tôm nuôi bị mất sức đề kháng, từ đó gây ra dịch bệnh. Mặc dù, thời gian qua có xuất hiện những trận mưa lớn làm cho khu vực tôm nuôi trên địa bàn huyện có chiều hướng ổn định. Tuy nhiên, nắng hạn tiếp tục diễn biến trở lại nhiệt độ tăng cao lên từ 35 - 36 độ làm cho môi trường nuôi không ổn định dẫn đến tôm nuôi bị chết, người nuôi phải thu hoạch sớm.
Theo báo cáo, đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 20.000 hộ thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, số lượng con giống trên 1,642 tỷ con, diện tích gần 20.000ha. Qua đó, có 4.779 hộ nuôi bị thiệt hại tôm giống, số lượng 515,701 triệu con, diện tích 3.742,11ha. Trong đó, Cầu Ngang là địa bàn có số hộ nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại nhiều nhất là 2.854 hộ, số lượng 355,639 triệu con giống, diện tích 1.652,21ha, chiếm 50%. Theo người nuôi tôm và cán bộ kỹ thuật ở huyện Cầu Ngang, đa phần tôm nuôi năm nay bị thiệt hại ở giai đoạn từ 20 - 45 ngày tuổi, nguyên nhân do nhiệt độ không ổn định, nắng nóng kéo dài ở đầu vụ, mưa trái mùa nên gây bệnh đốm trắng, hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh đầu vàng... Qua khảo sát của chúng tôi, hiện nay tôm nuôi của người dân Cầu Ngang đang gặp nhiều khó khăn, trong khi giá con giống, vật tư nguyên - nhiên liệu không ngừng biến động, người nuôi tôm khó tiếp cận vốn vay ngân hàng nên khó có khả năng đầu tư vụ mới.
Vinh Kim là địa bàn có tôm nuôi bị thiệt hại khá cao, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Công Nhân, cán bộ nông nghiệp xã Vinh Kim cho biết: Những năm trước tình hình nuôi tôm trên địa bàn xã khá ổn định, vụ tôm nuôi năm 2012 tuy Cầu Ngang có xảy ra dịch bệnh nhưng Vinh Kim bị ảnh hưởng không nặng. Bước vào đầu vụ 2013, tôm nuôi ở địa bàn xã liêp tiếp bị chết ở giai đoạn từ 10 - 45 ngày tuổi, nguyên nhân một phần do một số hộ nuôi không chuẩn bị ao lắng để xử lý môi trường nước và thả với mật độ dày từ 20 - 25 con/m2, mặt khác thời tiết không thuận lợi đã làm cho tôm nuôi của 318/598 hộ thu hoạch sớm với số lượng 25,470 triệu con giống.
Theo ông Nhân, những năm qua, Vinh Kim chưa quy hoạch vùng nuôi tôm tập trung, đa phần hộ nuôi tôm ở đây đều tự phát nên việc quản lý môi trường nước cũng như việc phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn. Mặc dù ngay từ đầu vụ huyện đã khuyến cáo người dân có nhu cầu phát triển nuôi tôm sú theo hướng công nghiệp cần cải tạo, xử lý ao hồ theo đúng quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc tăng cường cán bộ kỹ thuật về xã quá ít, nên khâu quản lý theo dõi tôm nuôi, kiểm soát dịch bệnh thiếu chặt chẽ.
Đến ấp Cà Tum A của xã Vinh Kim trong một ngày chiều mưa nơi có diện tích tôm nuôi bị chết khá cao, chiếm gần 90%, tới đâu chúng tôi cũng nghe người dân than rằng: “Tôm chết, hết vốn tiền đâu mà làm ăn”. Nông dân Võ Hiển Vinh là một trong những hộ nuôi thu hoạch tôm nuôi rất sớm, khi được chúng tôi hỏi ông có dự định đầu tư vụ mới không? Ông Vinh lắc đầu nói: Tình hình tôm nuôi bị chết như hiện nay không chỉ riêng gia đình ông mà nhiều nông dân trong xã ai ai cũng ngán ngẫm không dám thả nuôi tiếp, bởi vốn đầu tư vụ nuôi đầu đã cạn kiệt, nếu làm liều thì vay nợ, trong khi đó “cánh cửa ngân hàng luôn khép kín”, nông dân chúng tôi đành bó tay.
Còn nông dân Huỳnh Công Sáng, ấp Lạc Thạnh A, xã Thạnh Hòa Sơn than thở: Vụ tôm sú năm 2013, gia đình thả nuôi khoảng 400.000 con trên diện tích 01 ha với chi phí đầu tư ban đầu 120 triệu đồng để cải tạo ao nuôi, con giống và một số trang thiết bị phục vụ cho tôm nuôi, nhưng chưa đầy 01 tháng tôm nuôi chết hàng loạt, thu hoạch “tôm non” ông bán được gần 10 triệu đồng. Không chịu khuất phục, ông tiếp tục cải tạo ao nuôi thả tiếp đợt 02 cũng bị thất trắng. Ông Sáng hy vọng Nhà nước tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vốn vay ngân hàng, đồng thời hướng dẫn con nuôi phù hợp với từng vùng và khu vực nuôi để ông cũng như các hộ dân trên địa bàn xã có điều kiện chuẩn bị thả nuôi vụ mới đạt kết quả.
Giải pháp khắc phục tôm nuôi bị thiệt hại và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Lâu nay, nghề nuôi trồng thủy sản ở một số vùng thuộc các huyện ven biển trong tinh phát triển thiếu quy hoạch, thiếu sự liên kết giữa các chủ thể sản xuất và thành phần liên quan, nhất là quản lý chất lượng con giống. Theo ngành nông nghiệp, đây là nguyên nhân chính khiến nghề nuôi trồng thủy sản phát triển thiếu bền vững, sản lượng nuôi trồng khi thừa khi thiếu, giá luôn biến động.
Chính vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo các ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt các giải pháp: tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào; tăng cường cán bộ kỹ thuật theo dõi khảo sát khu vực nuôi tôm cảnh báo dịch bệnh để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm thiệt hại cho nông dân và bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phải tập trung chỉ đạo các huyện tích cực khảo sát chặt chẽ các vùng có tôm nuôi bị thiệt hại, hỗ trợ chlorine và hướng dẫn người nuôi xử lý ao hồ theo đúng quy trình kỹ thuật, chuẩn bị hồ lắng xử lý nước để thả nuôi vụ tiếp theo đạt kết quả. Đối với những vùng có tôm nuôi còn đang phát triển, tăng cường cán bộ hỗ trợ kỹ thuật nuôi và hướng dẫn cách chăm sóc tôm nuôi trong giai đoạn chuyển mùa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, hạn chế rủi ro cho nông dân.
Ông Dương Văn Đởm, Quyền trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang (NN - PTNT): Để hạn chế dịch bệnh xảy ra, hiện nay, phòng NN - PTNT tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn hỗ trợ các hộ có tôm nuôi đang phát triển, khuyến cáo nông dân theo dõi chặt chẽ và thường xuyên bổ sung Vitamin, men tiêu hóa để ổn định đường ruột tôm nuôi. Riêng các hộ có tôm nuôi bị thiệt hại, huyện hỗ trợ chlorine cho nông dân xử lý ao hồ và tiến hành tu sửa, nạo vét và cải tạo ao hồ chuẩn bị vụ nuôi tiếp theo. Đặc biệt, xử lý môi trường nước, mầm bệnh để có thể hạn chế tối đa sự phát sinh dịch bệnh trong vụ nuôi. Đồng thời, đề nghị về tỉnh hỗ trợ vốn vay ngân hàng, thuốc hóa chất xử lý ao hồ, tạo điều kiện để nông dân tái đầu tư sản xuất.
Theo ông Trần Trung Hiền, Giám đốc sở NN - PTNT: Con giống là yếu tố quyết định hàng đầu trong nghề nuôi trồng thủy sản. Do vậy, thời gian tới, sở NN - PTNT phối hợp với chi cục Nuôi trồng thủy sản và các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng con giống để giúp nông dân an tâm trong sản xuất. Đồng thời khuyến cáo hộ nuôi khi mua con giống phải lựa chọn kỹ qua kiểm tra chất lượng, tex mẫu, quản lý chặt chẽ môi trường ao nuôi, mật độ thả nuôi phải hợp lý với các đối tượng con nuôi, đặc biệt đối với tôm sú khuyến cáo nông dân nên thả thưa nhằm giảm rủi ro và chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Nông dân Cầu Ngang nạo vét tu sửa ao hồ chuẩn bị cho vụ nuôi tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ