Tin nông nghiệp Vựa heo lớn nhất miền Trung mỗi ngày bán cả nghìn con

Vựa heo lớn nhất miền Trung mỗi ngày bán cả nghìn con

Tác giả Dũ Tuấn, ngày đăng 30/01/2016

Sức tiêu thụ mạnh

Đầu tư nuôi 6 con heo nái để gây dựng đàn heo thịt, mỗi năm chị Thái Thị Thu Bình (46 tuổi, trú thôn Gia Trị, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) xuất bán gần 100 con heo thịt.

Chị Bình cho biết: “Thời điểm hiện tại giá heo tăng, thức ăn cho heo đang giảm nên người nuôi heo có lãi.

Sau khi nuôi 3 tháng, tôi mới xuất chuồng đàn heo 23 con với giá 42,5 ngàn đồng/kg, thu về được 69 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi mỗi con được 1,2 triệu đồng”.

Theo chị Bình, tại huyện Hoài Ân, nhà nào cũng nuôi heo và nuôi quanh năm.

Nhà ít nhất vài chục con, có nhà đến cả trăm, nếu quy mô lớn hơn thì xuất bán ngàn con mỗi năm.

“Nghề nuôi heo tại đây trở thành nghề truyền thống, người dân sống chủ yếu nhờ vào con heo nên rất chú trọng, chăm sóc đàn heo từng tí một.

Thường thì dịp tết, nhu cầu tiêu thụ nhiều nên giá tăng cao, vào dịp này người dân nuôi nhiều hơn để kiếm thêm thu nhập cuối năm”- chị Bình chia sẻ.

  Huyện Hoài Ân được mệnh danh là vựa heo của miền Trung với gần 20.000 hộ nuôi heo, mỗi ngày cung ứng ra thị trường đến 1.000 con.

Huyện Hoài Ân được mệnh danh là vựa heo của miền Trung với gần 20.000 hộ nuôi heo, mỗi ngày cung ứng ra thị trường đến 1.000 con.

Những ngày này ở đây, cảnh mua bán heo diễn ra tấp nập.

Những chiếc xe máy, xe tải hạng trung chạy khắp những con đường, ghé vào từng nông hộ, gia trại để mua gom heo, sau đó chuyển xuống những xe tải lớn tập kết, để vận chuyển ra thị trường tiêu thụ khắp nơi.  Bà Nguyễn Thị Tú (70 tuổi, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân) nói: “Mới đây, nhà tôi xuất 23 con heo với giá 43,5 ngàn đồng/kg thu về gần 80 triệu đồng.

Nhờ vào chế độ chăm sóc hợp lý, tiết kiệm thức ăn chăn nuôi nên cũng có lời, có tiền sắm tết”.

1.000 con heo xuất chuồng/ngày

Dịp tết, các thương lái mua heo với số lượng lớn để vận chuyển đi tiêu thụ nên rất cần nhân công bắt heo.

Vì vậy, nghề này đang rất thịnh tại vựa heo Hoài Ân.

Gần 10 năm làm nghề bắt heo thuê, anh Nguyễn Phước Sĩ (38 tuổi, thôn Phú Thuận, xã Ân Đức) cho biết:  “Đa số những người chọn nghề này đều đang ở độ tuổi thanh niên và có sức khỏe.

Tôi làm thuê theo ngày, bắt đầu từ 4 giờ 30 sáng là đi bắt heo cho đến 10 giờ là nghỉ, mỗi ngày được chủ trả thù lao 200 ngàn đồng”.

Theo anh Sĩ, nghề bắt heo không chỉ đòi hỏi sức dẻo dai, kinh nghiệm mà còn phải biết chấp nhận với sự dơ bẩn từ phân và thức ăn của heo.

“Chuyện dính phân heo hay bị heo cắn là chuyện thường ngày.

Nhiều lúc về nhà tắm mấy bận rồi nhưng vẫn ngửi mùi phân heo.

Nghĩ đến cảnh dơ bẩn tôi cũng có ý định muốn bỏ nghề nhưng không bỏ được.

Vì nghề này gắn liền với cuộc sống của mình rồi, dơ bẩn mấy cũng cố gắng.

Đặc biệt dịp tết thì lượng công việc nhiều hơn, tranh thủ làm cả đêm”- anh Sĩ cho hay.

Anh Nguyễn Thanh Vương- Trạm phó Trạm Thú y huyện Hoài Ân, cho hay, tổng đàn heo tại địa phương này lên đến 232.500 con, hiện nay mỗi ngày xuất bán 1.000 con heo ra thị trường tiêu thụ.

“Tất cả heo xuất bán đều qua kiểm dịch.

Heo ở đây tiêu thụ thị trường cả nước, đặc biệt Huế, Đà Nẵng...

Hiện tại giá heo tăng cao 45 ngàn đồng/kg, vì vậy người nuôi heo đang có lãi”- anh Vương nói.


Có thể bạn quan tâm

mat-hang-trai-cay-co-nhieu-trien-vong Mặt hàng trái cây có… nong-dan-co-von-uy-tin-hoi-tang-cao Nông dân có vốn, uy…