Mô hình kinh tế Vui buồn nhân trần

Vui buồn nhân trần

Ngày đăng 26/09/2015

Thế nhưng, khi thấy lãi cao, nông dân đua nhau trồng thì nhân trần cũng mang nỗi buồn đến cho không ít nông dân nghèo khó.

Niềm vui...

Về xã Tiến Thành những ngày này, chúng tôi thấy những cánh đồng nhân trần đang nở hoa tím ngắt, hương thơm dìu dịu thoảng bay trong gió.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Từ xa xưa, Tiến Thành vốn nổi tiếng là vùng đất của các loài cây dược liệu gồm nhân trần, đinh lăng, hoàng đàn, lông cu li,  thiên niên kiện... Bốn mùa trong năm, Tiến Thành luôn nồng nàn mùi thơm của dược liệu.

Thế nhưng, qua thời gian, bởi sự tác động của thiên nhiên và sự khai thác ồ ạt của con người nên các loại dược liệu quý mất dần, chỉ còn lại cây nhân trần vẫn kiên cường mọc trên núi.

Vào khoảng những năm 1990, người tứ xứ đổ về Tiến Thành tìm  nhân trần để làm thuốc chữa bệnh và nước giải khát thì một số hộ dân đã nhạy bén đem hạt nhân trần từ rừng về gieo trồng rồi đem bán.

Thấy lãi cao, nhiều người cũng mạnh dạn trồng theo.

Anh Yên trên cánh đồng nhân trần sắp thu hoạch.

Anh Hồ Văn Yên (xóm 6A) tâm sự:  “Nhà tui trước đây làm 5 sào ruộng nhưng quanh năm hạn hán, cây lúa xác xơ như cỏ may nên thiếu đói thường xuyên.

Khi thấy nhiều người bỏ lúa trồng nhân trần, tui cũng học theo, lãi gấp 10 lần trồng lúa”.

Theo anh Yên, nhân trần hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây nên dễ trồng, chi phí đầu tư ít, thời gian sinh trưởng chỉ 3,5 - 4 tháng.

Nếu chăm sóc tốt, 1 sào đạt 2,5 - 3 tạ khô, giá bán cao nhất 7 - 8 triệu đồng/tạ. “Nhờ nhân trần mà gia đình tui thoát nghèo, xây được nhà ngói khang trang, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn”, anh Yên kể.

Bà Nguyễn Thị Vinh, ở gần nhà anh Yên cũng phấn khởi khoe: “Năm vừa qua tui thu nhập hơn 100 triệu đồng nhờ 7 sào nhân trần”.

Ông Nguyễn Văn Tuất, Xóm trưởng xóm 6A, cho biết: “Xóm có 180 hộ dân thì có tới 140 hộ trồng nhân trần với diện tích hơn 25ha. Nhờ nhân trần mà bà con đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu”.

Không chỉ xóm 6A mà cây nhân trần đã được nông dân các xóm trong xã Tiến Thành gieo trồng. Ông Nguyễn Hữu Đại, Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có hơn 50ha gieo trồng nhân trần. Loại cây dược liệu này đã dần thay thế cây lúa, trở thành cây chủ lực xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Tại xã láng giềng Mã Thành, tính đến thời điểm hiện tại, cũng đã gieo trồng được trên 20ha nhân trần. Ông Bùi Trọng Long, Chủ tịch UBND xã, phấn khởi: “Hầu như năm nào chúng tôi cũng gặp hạn hán nên đưa nhân trần vào trồng ở những vùng đất cao cưỡng (thiếu nước) là một thắng lợi lớn. Nhiều năm qua, bà con trồng nhân trần  đã thoát nghèo, nhiều người trở nên giàu có”.

Mã Thành và Tiến Thành đã tạo thành vùng chuyên canh nhân trần cung cấp cho thị trường rộng lớn từ Bắc vào Nam. Các công ty dược, các đại lý  khắp nơi đổ về 2 xã này thu mua tấp nập.

Quy luật cung cầu của cơ chế thị trường cũng đã tạo ra nhiều thương lái chuyên thu mua nhân trần của bà con rồi chở đi nhập cho các đại lý, trở thành những đại gia nhân trần có thu nhập hơn nửa tỷ đồng/ năm như các anh Trần Đình Nhị, Trần Đình Tứ, Trần Tuất (xóm 6A)…

Và nỗi buồn...

Gần một tháng nữa là diện tích nhân trần ở hai xã Tiến Thành và Mã Thành đến kỳ thu hoạch, thế nhưng hiện nay hàng trăm hộ dân trồng loại cây này đang mang tâm trạng không vui. 

Ông Nguyễn Văn Tuất (xóm 6A) buồn bã: “Nhân trần nhiều năm liên tục giữ giá, lúc cao điểm như năm 2014, giá bán dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, nhưng từ đầu năm 2015 đến nay, nhân trần giảm giá liên tục, chỉ còn  8.000 - 10.000 đồng/kg mà cũng ít người thu mua.

Nông dân bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền bạc chăm sóc mà rớt giá như vậy thì đau quá, lại thiếu đói mất thôi”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã này đang khóc ròng vì nhân trần rớt giá, đồng nghĩa với việc hàng chục tấn nhân trần đang bị tồn kho nhưng không thể bán vì giá quá bèo bọt. Nhiều hộ đầu tư trồng hàng mẫu nhân trần bỗng chốc trắng tay. Hiện, một số hộ dân ở 2 xã Mã Thành và Tiến Thành đã nhổ bỏ cây nhân trần để chuyển sang trồng lúa.

Về nguyên nhân nhân trần rớt giá, bà con cho biết: Vào đầu năm 2015, có tin đồn cây nhân trần bị phun thuốc trừ sâu nên các đại lý thu mua ép giá; ở các chợ bán lẻ, người dân cũng e ngại nên sức mua sụt giảm.

Trước tin đồn thất thiệt đó, hàng trăm hộ dân trồng nhân trần rất bức xúc. Chị Bùi Thị Lý (xóm Đồng Bàu, xã Mã Thành) nói: “Oan cho cây nhân trần ở 2 xã chúng tôi quá. Thực tế cây nhân trần rất mẫn cảm, nếu phun bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào cây cũng sẽ chết ngay, hoặc không phát triển được.

Thực tế, ruộng trồng lúa có phun thuốc sâu, khi thu hoạch lúa xong, trồng nhân trần cũng không phát triển được. Vùng đất chúng tôi rất hợp với cây nhân trần, không cần chăm sóc nó cũng rất tốt. Vả lại, cây nhân trần có khả năng kháng khuẩn nên rất ít khi bị sâu bệnh.

Gia đình tôi và bà con nơi đây hơn 20 năm nay trồng nhân trần nhưng chưa bao giờ biết đến thuốc trừ sâu. Vậy mà tin đồn đó làm bà con điêu đứng. Chúng tôi đang chuẩn bị đưa cây nhân trần đi  kiểm nghiệm để khẳng định nhân trần chúng tôi trồng là sạch”.

Lãnh đạo chính quyền 2 xã này cũng khẳng định, nông dân của mình không hề dùng thuốc trừ sâu  trên cây nhân trần.

Thế nhưng, tin đồn đó không phải là nguyên nhân chính. Theo các chuyên gia kinh tế, lý do khiến cây nhân trần rớt giá là vì “cung vượt quá cầu”. Thấy có lãi, không chỉ địa bàn Nghệ An mà nông dân nhiều tỉnh như Thừa Thiên - Huế, Nam Định, Hà Giang... cũng ồ ạt trồng nhân trần. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành, cho biết: “Diện tích trồng nhân trần ở hai xã Mã Thành và Tiến Thành khá lớn, hơn 70ha.

Do thiếu nước trầm trọng, cây lúa bị hạn nên người dân đã tự phát trồng nhân trần. Cây thuốc Nam này cũng mang lại thu nhập khá cho bà con.

Thế nhưng thời gian gần đây, giá giảm mạnh, chúng tôi rất trăn trở nhưng chẳng thể làm gì được”.

“Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với các công ty dược để xây dựng vùng chuyên canh dược liệu bền vững, có đầu ra ổn định. Một công ty đã hứa về khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu”, ông Dương cho biết thêm.

Nhân trần rớt giá do nông dân tự phát mở rộng diện tích không theo quy hoạch, lại thiếu định hướng cần thiết của các ngành chức năng.

Đã đến lúc chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần có sự phối hợp tốt hơn để điều tiết, khuyến cáo người dân nên trồng cây gì để mang tính ổn định, lâu dài, bền vững, tránh việc đã rồi mới tìm cách khắc phục.


Có thể bạn quan tâm

thu-tuc-kiem-dich-hang-hoa-xuat-nhap-khau-tu-troi-tay-minh Thủ tục kiểm dịch hàng… chan-nuoi-gia-cam-truoc-them-tpp-nhu-ngon-den-mong-manh-truoc-gio Chăn nuôi gia cầm trước…