Mô hình kinh tế Vùng rau quả hối hả xuống vụ

Vùng rau quả hối hả xuống vụ

Ngày đăng 19/11/2015

Vùng chuyên canh rau quả Bàu Tròn hối hả vào vụ.

Đón đầu mùa vụ

Chạy theo thị trường từ lâu đã trở thành thói quen của nông dân vùng chuyên canh rau Bàu Tròn.

Trong khi nhiều vùng sản xuất rau màu tập trung khác ở Đại Cường, Đại Hưng, Đại Hồng, Đại Phong (Đại Lộc)… dù đất đã được dọn sạch, xử lý, nhưng nông hộ vẫn còn bỏ đất trống, chờ qua 20 tháng Mười âm lịch thì ở Bàu Tròn, lợi dụng địa hình cao ráo, nửa tháng trở lại đây, không khí vụ mùa đã hối hả, tấp nập.

Năm nay, thời tiết có vẻ thuận lợi nên người sản xuất yên tâm hơn khi đặt cọc vào đất tất cả niềm tin cùng công sức, phân tro, hạt giống.

Dường như thói quen, bản lĩnh và tập quán sản xuất cần cù, sáng tạo đã làm nên thành công của nông dân Bàu Tròn.

Ở vùng này, chứng kiến không ít đợt bão lũ đi qua với sức tàn phá nặng nề nhưng chỉ chờ nắng ửng lên, nông dân lại lăn xả vào khôi phục, cải tạo ruộng đồng, rồi lại xuống giống.

Trên vùng “rốn lũ”, những hạt mầm mới lại nhú lên.

Giờ đây, trên vùng chuyên canh Bàu Tròn, dường như mỗi nhà nông lại trở thành mỗi nhà khoa học trên chính cánh đồng của mình.

Cứ đều đặn những vụ mùa đi qua, đất cũng không có thời gian ngừng nghỉ, và thu nhập đem lại từ cây rau màu đạt hàng trăm triệu đồng mỗi héc ta không còn là chuyện mới mẻ.

Thuận lợi hơn khi hệ thống thủy lợi hóa đất màu đã phủ khắp tạo điều kiện cho vùng sản xuất ổn định; các trục đường bê tông giao thông nội đồng đã tỏa khắp vùng chuyên canh, tạo điều kiện cho việc đi lại, sản xuất cũng như thu gom nông sản.

Từ tờ mờ sớm cho tới tối mịt, mùi khói đồng lẫn vào tiếng máy cày, tiếng người nói, tiếng cuốc đất xới váng tạo nên một bức tranh mùa màng sinh động ở vùng Bàu Tròn.

Loay hoay sửa sang lại những luống đất được cày ải, vun thẳng tắp, được phủ bạt cẩn thận, ông Phan Diễm (thôn Bàu Tròn) cho biết, mỗi sào khổ qua phải xuống 11 bịch giống, so với mọi năm, giống có lên giá 3 - 5 nghìn đồng/bịch song không đáng kể.

Ngoài khổ qua, ông cũng đã xuống giống đậu tây, dưa leo để đón đầu đợt rau vụ đông có giá cao.

Vụ này, phần lớn nông dân đều dùng giống của Công ty Én Vàng để có hiệu quả cao.

Năm sào khổ qua, dưa leo, bí đao của ông nếu thuận trời khoảng 2 tháng nữa sẽ đến kỳ thu hoạch.

“Có thể nói, năm qua là năm thuận trời, người sản xuất không bị thiệt hại do thiên tai, thời tiết.

Song, không phải vì không có lũ mà chủ quan, lơ là vì những cơn lũ cũng là trợ thủ đắc lực của mùa màng, đem đến phù sa bồi đắp, nhờ lũ côn trùng, sâu bọ ít tác quái” - ông Diễm nói.

Cạnh đó, ông Nguyễn Văn Tiên chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ sản xuất 5 sào dưa leo, khổ qua, bí đao chanh, hiện đã xuống giống trên tất cả diện tích.

Đặt hạt giống xuống, coi như cũng là đánh bạc với trời.

Nếu thuận lợi thì không nói gì, chứ xảy ra lũ lụt hay bão, thì coi như toàn bộ công cán, chi phí phân tro, hạt giống đều trôi theo sông.

Song đã quen rồi, sản xuất nông vụ là vậy, phải chủ động chứ không thể ngồi chờ được”.

Hướng sản xuất an toàn

Theo người dân Bàu Tròn, năm nay bà con xuống giống sớm hơn mọi năm, tránh tình trạng “được mùa mất giá”.

Nếu ổn, chỉ cần 1 tháng 20 ngày nữa nhiều hộ sẽ có trái nách dưa leo, khổ qua để bán, còn vụ chính phải tầm 50 - 60 ngày nữa mới tới.

Rau màu vụ đông và đông xuân luôn là vụ chính trong năm ở vùng Bàu Tròn nên nông hộ gần như đặt cược vào những đối tượng cây trồng thế mạnh của đất.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Huỳnh Bá Vĩnh - Trưởng thôn Bàu Tròn cho hay, hiện trên 1/3 diện tích ở vùng chuyên canh đã được xuống giống, vụ này đối tượng cây trồng chính cũng vẫn là những giống rau quả chủ lực như dưa leo, bí đao chanh, khổ qua, đậu tây...

Với 1ha khổ qua, năng suất tương đương sẽ trên 5 tấn, nếu giá khoảng 15 nghìn đồng/kg như mọi năm, thu nhập đem lại cho người dân địa phương không hề nhỏ.

Cũng theo ông Vĩnh, thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về cách thức cải tạo đất, tăng độ màu mỡ cho những chân đất đã trải qua nhiều năm xen canh, gối vụ.

Việc sản xuất phân vi sinh bón cho đất là hết sức cần thiết.

Vậy nên, ngoài những hộ được đào tạo kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGap, cần mở rộng tập huấn cách thức sản xuất và bón phân vi sinh cho những nông hộ còn lại, nhằm tạo dựng thương hiệu rau an toàn.

Tin vui là xã Đại An vừa cán đích nông thôn mới với 19/19 tiêu chí đạt được.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 23 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,48%.

Ngoài các mô hình phát triển kinh tế như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản…, có thể nói mô hình chuyên canh rau quả Bàu Tròn đã góp phần làm nên bức tranh nông thôn mới khởi sắc ở Đại An.


Có thể bạn quan tâm

thach-thuc-cua-doanh-nghiep-viet-khi-xam-nhap-thi-truong-nga Thách thức của doanh nghiệp… nom-nop-voi-dich-tai-xanh Nơm nớp với dịch tai…