Mô hình kinh tế Xã Biển Giàu Nhờ Cá Lóc Ở Quảng Bình

Xã Biển Giàu Nhờ Cá Lóc Ở Quảng Bình

Ngày đăng 02/01/2013

Cách đây vài năm, xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy - Quảng Bình) được biết đến là một làng chài nghèo, quanh năm tất tả với cái ăn, cái mặc. Bây giờ thì khác, ông Nguyễn Thanh Thoảng - Chủ tịch UBND xã cho hay: “Riêng vụ cá lóc năm nay, cả xã có tổng sản lượng gần 500 tấn, nếu lấy giá bán trung bình là 50 ngàn đồng/kg thì có con số thu đến 25 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 15 tỷ, chia ra, bình quân mỗi hộ có trên 20 triệu đồng”.

Cả xã nuôi cá lóc

Ông Trần Viết Bền - cán bộ phụ trách địa chính - nông nghiệp - môi trường của xã Ngư Thủy Bắc cứ tủm tỉm cười khi nghe chúng tôi hỏi vặn vẹo về chuyện ngư dân sành việc nuôi... cá nước ngọt. Mà thắc mắc cũng chẳng sai tẹo nào. Nói đến làng biển thì phải gắn với lưới giã, biển gió, mắm muối... chứ.

Còn nuôi trồng nước ngọt thì thuộc “nhóm nghề” của bà con vùng đồng bằng, đầm phá. Chẳng dè, bà con ở cái vùng biển bãi ngang này lại làm tốt việc đào ao thả cá và không chỉ làm tốt mà nhờ nghề này để thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Con đường dẫn về thôn Bắc Hòa được đổ nhựa rộng, êm ru. Hai bên đường nhà cao tầng hoặc đổ mái bằng kiên cố đứng thẳng hàng sáng lên trong màu sơn mới. Những con đường hẻm về cá cụm dân cư cũng được mở ra rộng đủ xe ô tô chạy xuôi ngược được đổ đất cấp phối chắc lèn.

Ông Trần Quang Quyền - Trưởng thôn hồ hởi khoe: “Thôn tui có hơn 200 hộ dân thì cũng có gần 200 hộ có ao nuôi cá lóc. Nhà nhiều thì có 4 - 5 hồ. Nhà ít thì có 1 - 2 hồ. Cứ mỗi vụ cá, trừ đi chi phí các kiểu thì thu về trung bình mỗi hồ cũng được trên 20 triệu đồng”. Cũng theo cách tính của ông trưởng thôn thì nuôi cá lóc rất khỏe và thu nhập cao hơn đi biển rất nhiều.

Vùng biển bãi ngang được hiểu nôm na là chỉ có bờ biển chứ không có cửa sông cửa lạch. Chính vì thế, cái khó của những nơi này là tôm cá ít, không thể mua sắm tàu bè lớn mà chỉ quanh quẩn với các loại thuyền bơ nan hay thuyền có công suất nhỏ. Cái khó đè nặng lên lưng ngư dân vùng bãi ngang. Cả xã chỉ có trên 400 thuyền bè các loại và trong đó cũng chỉ có gần 40 chiếc có công suất 20 CV, ngang tầm chạy đánh bắt ở ven bờ.

Ông Bền cũng cho rằng, mấy năm gần đây tôm cá ít, biển động lắm nên ngư dân ra biển may lắm cũng kiếm được trăm bạc, chứ phần lớn là huề vốn hay chịu lỗ. Tổng sản lượng đánh bắt toàn xã chỉ khoảng trên 120 tấn thủy sản các loại. Tính ra, tổng thu nhập đạt khoảng 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí cho chuyến đi biển rất lớn, nên dù có tổng số thu là 36 tỷ đồng nhưng con số lãi chỉ khiêm tốn nằm ở mức khoảng 16 tỷ đồng. Chia bình quân thì mỗi hộ được khoảng 20 triệu đồng thu từ biển cho một năm. “Ui cha, vậy thì nuôi cá lóc tính sơ sơ cũng chỉ thu nhập bằng cả năm đi biển chứ chẳng chơi mô”, ông Bền sau khi tính toán với chúng tôi một hồi rồi thốt lên như vậy.

“Công nghệ” nuôi cá lóc của bà con ngư dân ở đây cũng khá đặc biệt. Vụ cá chính được thả từ khoảng tháng 4 - 5. Khi đó, cũng là vào vụ đánh cá đèn. Trước đây, các loại “cá heo” (cá nhỏ, cá vụn giá trị kinh tế thấp) thường không được ai chú ý. Nay thì khác, vì đó chính là thức ăn chính của cá lóc trong hồ. Gần như thức ăn công nghiệp không hề được sử dụng ở đây.

Ông Bền giảng giải: "Có nghĩa là cá tạp đánh bắt từ biển về được nấu chín, bóp nhừ rồi mới đưa xuống hồ cho cá lóc ăn”. Ở đây, bà con đào mỗi hồ có diện tích khoảng 100 m2. Người có điều kiện thì xây thành bao quanh, người chưa có thì mua tấm lợp brô xi măng về chắn thành tường để chắn. Khi cá lớn bằng cán dao thì toàn bộ thức ăn (cá vụn) về được vằm nhỏ trước lúc thả xuống hồ cho cá ăn. Chính vì nguồn thức ăn có dinh dưỡng cao này nên cá lóc ở vùng biển lớn nhanh, thịt nạc chắc và thơm như cá tự nhiên.

Sau khoảng 3 - 4 tháng, cá đạt trọng lượng bình quân 0.5 kg/con và được xuất hồ. “Trung bình mỗi hồ được tấn cá. Nếu bao được giá 50 đồng/kg thì được 50 triệu đồng, trừ chi phí, người nuôi lãi hơn 25 triệu đồng”, ông Quyền - Trưởng thôn bộc bạch.

“Kỹ sư”... bất đắc dĩ

Về thôn Bắc Hòa hỏi đến ngư dân Trần Kim Phi thì ai cũng biết. Sự “ai cũng biết” của chàng ngư dân 36 tuổi này được chốt bởi hai lý do. Đó là người đầu tiên đưa mô hình cá lóc về nuôi ở vùng biển và cũng là người cho được cá lóc sinh sản, tự tạo con giống nuôi.

Phi khá tự tin khi nói chuyện và cũng kiệm lời. Ngôi nhà được xây hai tầng rộng, mái lợp hiện đại theo kiểu thành thị. Nhìn ngôi nhà cũng thấy được khả năng kinh tế của ông chủ trẻ. Phi kể, hỏi đó đào ao nuôi cá trê, cá trắm, chép... Vì không có nguồn thức ăn phù hợp nên lãi không được nhiều.

Vào năm 2000, Phi nghe bà con ở miền Tây nuôi cá lóc rất được nên tìm con giống đưa về. Thức ăn sẵn cho loại cá tạp ăn này nên nó lớn nhanh. Với mức chi phí ít nên lãi khá lớn. Năm sau, Phi đào thêm ao thả thêm giống. Lúc này, bà con học theo rần rần. Ai cũng đến xem rồi cứ thế tự về đào ao hay tu chỉnh lại ao đã sẵn có đề nuôi cá lóc.

Nhà Phi có đến 7 hồ lớn. Trong đó có 2 hồ dành để nuôi cá... đẻ. Hiện có 6 cặp cá bố mẹ. Mỗi con nặng chừng 5 - 6 kg. Cá nằm ở góc hồ nhìn như chiếc tàu ngầm đen trũi trong phim hoạt hình. Theo Phi, cá mẹ bắt đầu thời gian sinh trưởng vào khoảng tháng 4. Khi cá mẹ đẻ xong chừng 3 ngày thì phải vớt trứng sang ao hoặc quay hồ thành nhiều vùng cho cá bố mẹ cách xa nhau.

“Nếu ở gần, các cặp cá bố mẹ sẽ đánh nhau suốt ngày để bảo vệ ổ trứng” - Phi cho hay. Sau khoảng chục ngày thì phải vớt cá bột đưa sang hồ khác ương. Lúc này cũng hết sức cẩn thận, chỉ người lớn mới được xuống ao. Nếu sơ ý để trẻ con xuống thì lập tức bị cá mẹ tấn công ngay. “Người lớn cũng phải cẩn thận. Phải dùng gậy quấy nước dọa tấn công cá bố mẹ cho nó sợ. Chứ nếu không, cũng lao đến đớp chân toạc da, chảy máu là khó tránh khỏi” - Phi cho biết thêm.

Thông thường, mỗi đàn cá ươm cũng đạt tỷ lệ sống từ 3 ngàn đến 1 vạn con. Số cá giống này rất khỏe và được Phi tuyển chọn thả xuống ao nuôi. “Cũng chỉ mới tự cung cấp cho nhà mình và số ít bà con thân thuộc chứ chưa đủ khả năng cũng cấp con giống cho bà con quanh vùng” - Phi nói.

Điều mà Phi và bà con ngư dân ở đây cứ tiếc rẻ là sau vụ nuôi cá chính từ tháng 4 đến tháng 9 là kết thúc. Bà con không dám nuôi tiếp vì sợ thiếu thức ăn. Vì khi đó cũng hết vụ đánh cá đèn. Nếu nuôi phải đi về các chợ Đồng Hới, Hải Ninh... hoặc vào Cửa Việt (Quảng Trị) để mua thức ăn cho cá vừa tốn kém vừa không đủ sức bởi ngày nào cũng phải đi. Cả thôn, chỉ có Phi thả cá đợt 2 phục vụ cho nhu cầu ngày Tết. Các ao cá của Phi được phủ đầy bèo tây để làm mát nước cho cá. Ao sâu chừng nửa mét nước.

“Nếu được thì nên đào sâu khoảng một mét nước là tốt nhất” - Phi nói vậy. Trung bình mỗi ao, mỗi ngày phải cung cấp đủ chừng 20 kg thức ăn (cá vụn). “Chỉ có những gia đình có điều kiện về nguồn vốn mới thả được cá vụ 2 này. Nhu cầu ngày Tết rất lớn nên giá bán cũng phải đạt trên 80 - 100 ngàn đồng/kg cá. “Chỉ cần trong thôn có khoảng một nửa số hộ tiếp tục nuôi bán cho Tết thì thu nhập chung cũng rất khá” - Phi cứ chặc lưỡi.

Kế hoạch tới đây của Phi là liên kết khoảng 2 - 3 nhà với nhau để đầu tư mua thàng lạnh (chi phí trên 120 triệu đồng) để làm kho dự trữ thức ăn cho cá và khi đó sẽ thực hiện nuôi cá vụ 2, vụ 3 phục vụ quanh năm cho thị trường.

Khi tạm biệt Ngư Thủy Bắc để ra về, tôi hỏi ông Bền: “Ngư dân giàu lên nhờ nuôi cá lóc chưa”? - ông Bền cười khơ khơ, xoa xoa tay: “Chưa, chưa... Mới chỉ vươn lên xóa đói giảm nghèo thôi. Nếu nói giàu thì chắc cũng phải thêm vài năm nữa đã...”.


Có thể bạn quan tâm

thanh-cong-tu-nuoi-ga-de-trung Thành Công Từ Nuôi Gà… nguoi-uong-ngheu-giong-lo-nang-o-tien-giang Người Ương Nghêu Giống Lỗ…