Mô hình kinh tế Xã Khoai Tây

Xã Khoai Tây

Ngày đăng 10/11/2013

Những cuối tháng 10, nông dân xã Vũ An (Kiến Xương) tấp nập làm đất, bón phân, đánh rạch trồng khoai tây. Không ai bảo ai nhưng ai cũng có một mong ước chung là “mưa thuận gió hòa” thu hoạch trước tết để bán được giá cao.

Vũ An cách TP Thái Bình chỉ khoảng 10 km, có 165 ha cây vụ đông chủ yếu là trồng khoai tây, ngô, rau màu, củ cải sớm. Trong đó khoai tây vẫn là cây vụ đông chủ lực.

Ông Nguyễn Quang Thế, Chủ nhiệm HTX Vũ An cho biết: Năm 2012 xã trồng được 110 ha khoai tây. Đất trồng là loại cát cao, thịt nhẹ rất phù hợp nên thời gian sinh trưởng chỉ xung quanh 80 ngày cho thu hoạch. Do ảnh hưởng của bão số 8 đã làm cho một số diện tích ruộng trồng khoai bị chết, song vì còn thời vụ nên nhiều hộ vẫn tiếp tục trồng lại, năng suất thu được không dưới 600 kg/sào.

Cũng theo lời ông Thế đến giai đoạn thu hoạch thương lái về tận ruộng bới khoai để mua, thậm chí “đếm luống tính tiền”, nông dân không phải thu hoạch. Năm ngoái 1 kg khoai có giá thấp nhất là 6.600 - 8.000đ, trung bình là 10.000 đ, lúc cao điểm lên đến 13.000 đ nên nông dân phấn khởi lắm.

Tất cả 6 thôn của Vũ An đều có phong trào trồng khoai. Trong đó các hộ trồng nhiều như hộ ông Nguyễn Đức Thu, Trịnh Tùng, Trịnh Thúy thôn Đô Lương; hộ ông Trần Văn Ân thôn 6 trồng hàng mẫu cho thu nhập hơn 40 triệu đồng.

Được biết Vũ An có 3 kho lạnh bảo quản với số lượng 80 tấn giống nên với kinh nghiệm trồng nhiều năm, sau khi thu hoạch nông dân đã chọn những củ giống tốt đạt tiêu chuẩn để gửi vào kho lạnh. Giống khoai chọn trồng là giống chất lượng, chống chịu tốt Solara ruột vàng của Đức.

Xã còn liên hệ với các trung tâm để mua giống khoai siêu nguyên chủng cho bà con. Vì thế khoai tây đã trở thành một phong trào lớn về cây vụ đông mà không cần phải hô hào, vận động hay hỗ trợ giống như nhiều địa phương khác.

Ngắm cánh nhộn nhịp SX khoai tây đông, người cán bộ khuyến nông chúng tôi cũng rộn ràng niềm vui. Vừa đặt củ giống, vừa trò chuyện với nông dân, được biết: Trồng khoai tây vụ đông đã có từ rất lâu.

Đất ở đây lại dễ làm, mã củ sáng, đẹp nên dễ bán. Xã đã có máy làm đất, thuê khoảng 100 nghìn đồng/sào, giống thì nhà để được nên nhiều hộ trồng hết diện tích lại mượn thêm ruộng để làm như hộ ông Thu, ông Trịnh, bà Tản, bà Cải... thôn Đô Lương. Hộ có nhân lực thì trồng nhiều, không có thì trồng ít như nhà bà Mong, bà Thắm, bà Cải...

Đang làm đất, bón phân lót nghe hỏi chuyện, bà Tản cho biết: “Năm ngoái nhà tôi trồng gặp bão, thế mà 5 sào khoai trừ chi phí cũng thu được 13 triệu đồng. Tôi đang tính trồng hết mấy sào này mượn thêm ruộng trồng nữa vì thời vụ vẫn còn cho phép”. Rồi bà Tản chỉ ra đằng xa: “Đấy, bà Mong cùng thôn đã trên 60 tuổi, năm nào cũng trồng 3 đến 5 sào, thậm chí có năm còn mượn thêm, đầu ra không phải lo nên ai cũng muốn làm, bỏ thì phí lắm”.

Ngoài chân đất 2 lúa, Vũ An còn có 15 ha đất chuyên trồng cây màu. Men theo con đường làng, trước mắt tôi trải dài 3 ha rau củ cải đã đến thời điểm thu hoạch.

Theo lời Chủ nhiệm thì toàn bộ lượng củ cải này xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Cty Nông sản Hải Dương, nông dân chỉ việc đếm luống tính ra tiền. Như vậy trừ mọi chi phí thu được 3 triệu đồng/sào. Thu xong củ cải quay vòng trồng khoai tây là vừa.


Có thể bạn quan tâm

hieu-qua-tu-mo-hinh-trong-nam-rom-tai-huong-thuy Hiệu Quả Từ Mô Hình… moi-nam-cung-ung-220-tan-lua-giong-sieu-nguyen-chung-va-nguyen-chung Mỗi Năm Cung Ứng 220…