Mô hình kinh tế Xác Xơ Những Đồi Chè Sau Lũ

Xác Xơ Những Đồi Chè Sau Lũ

Ngày đăng 31/10/2013

Trận lũ quét vừa qua gây hậu quả nặng nề về đời sống, sản xuất ở vùng thượng Hương Sơn, trong đó hàng trăm ha chè công nghiệp - loại cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của người dân xã Sơn Kim II (Hà Tĩnh) bị hư hỏng.

Tròn nửa tháng kể từ ngày diễn ra cơn đại hồng thủy nhưng dọc tuyến đường độc đạo từ cầu Tây Sơn về xã Sơn Kim II vẫn còn hiển hiện những hình ảnh đau lòng. Vết bùn đất, rác rưởi còn in rõ mồn một trên từng nhành cây, ngọn cỏ và cả nhiều nhà dân. Khe Chè màu nước đã trong xanh trở lại, song cây cầu Đá Đòn với những tảng bê tông khổng lồ bị lũ cuốn phăng còn nằm ngổn ngang bên dòng nước. Rảo bước chân qua chiếc cầu tạm, chúng tôi đã đặt chân đến thôn Làng Chè, xã Sơn Kim II.

Đứng bần thần bên ngôi nhà vừa bị nước lũ cuốn trôi, anh Trương Công Tứ - công nhân Xí nghiệp chè Tây Sơn rầu rĩ: Cả cuộc đời vợ chồng chăm lo lao động sản xuất, tích góp vốn liếng xây dựng được ngôi nhà ngói 3 gian nhưng đã bị ông trời cướp mất. Đau xót hơn là sau 10 năm gắn bó với cây chè, giờ đây 1 ha đang thời kỳ thu hoạch thứ bị đất cát, rều rác phủ đầy, thứ thì bị ngập nước thối búp và chết rũ. Những năm trước đây, diện tích chè của gia đình cho thu hoạch bình quân mỗi năm khoảng 20 tấn, trị giá trên 100 triệu đồng. Còn năm nay, sau mưa lũ, mặc dù gia đình đã huy động hết nhân công để khắc phục mong vớt vát phần nào nhưng do sức nước tàn phá quá mạnh nên toàn bộ diện tích coi như mất trắng.

Anh Tứ mong muốn, thời gian tới bên cạnh các chính sách hỗ trợ, cứu đói của nhà nước và các nhà hảo tâm cho nhân dân vùng lũ thì các cấp, các ngành cần có sự hỗ trợ về giống, phân bón để bà con kịp thời khôi phục sản xuất. Có như vậy thì người trồng chè mới sớm thoát qua cơn bĩ cực...

Sau nhiều năm nỗ lực đầu tư sản xuất, đến nay Xí nghiệp Chè Tây Sơn đã trồng được 300 ha chè, giải quyết công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Nhưng, trong trận lũ vừa qua, có đến 100 ha chè bị ngập nước, trong đó 40 ha chè kinh doanh bị bùn đất, rều rác bồi lấp sâu từ 30-50cm, có nơi lên đến 70cm. Ở những diện tích này, cây chè đang bị thối lá, thâm rễ và chết. Ngoài ra, còn có 10 ha chè mới trồng từ năm 2012 bị đất cát bồi lấp, cuốn trôi, bong tróc rễ, khả năng phục hồi lại là rất thấp. Số diện tích chè bị thiệt hại thuộc 200 hộ công nhân và hộ kinh tế mới đến sản xuất chè tại xí nghiệp.

Lũ dữ không chỉ ảnh hưởng to lớn đến cây chè mà còn cuốn trôi, gãy đổ hàng chục ngàn cây che bóng mát, chắn gió cho chè có đường kính từ 10 - 15cm. Nhiều diện tích đất nằm trong vùng quy hoạch sản xuất bị sạt lở, đất đá bồi lấp không thể tiếp tục canh tác. Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn cho biết, mưa lũ đã gây tổng thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ trồng chè. Ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, thì hiện nay ở một số vùng chè vẫn đang bị ngập lụt, không thể tiêu thoát do việc thi công đường tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đầu tư đoạn qua sông Cụt, thôn Tiền Phong không được lắp đặt cống thoát nước nên gây ngập úng.

Trước những thiệt hại to lớn do mưa lũ gây ra, Xí nghiệp chè Tây Sơn đã huy động toàn bộ lực lượng lao động, công nhân viên, hộ trồng chè với hàng trăm ngày công để dọn rều rác, đất đá nhưng chỉ cứu vớt được một số ít diện tích. Phần lớn diện tích chè còn lại bị đất cát bồi lấp quá dày nên rất khó cải tạo.

Giải pháp trước mắt của Xí nghiệp là tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi tập trung vận động các hộ trồng chè cày xới cát, móc bùn để cứu sống cây chè. Còn về lâu dài xí nghiệp mong muốn nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm và có các chính sách hỗ trợ về giống, phân bón để hỗ trợ các hộ dân bón phục hồi cải tạo bộ rễ cho cây chè, đồng thời phục hóa đồng ruộng trồng lại những diện tích bị mất trắng.

Những năm trước đây vào dịp cuối thu, đầu đông là thời điểm người dân trồng chè ở xã Sơn Kim II huyện Hương Sơn tập trung nhân lực để thu hoạch sản phẩm. Vậy nhưng, năm nay, thay vì hình ảnh những đồi chè xanh biếc ngút ngàn, chồi non lộc biếc là màu xám của bùn đất, rác rưởi và hàng loạt diện tích chè đang héo úa, tàn tạ từng ngày.

Trận lũ quét kinh hoàng nơi thượng nguồn Ngàn Phố đã đẩy cuộc sống của người dân trồng chè xã Sơn Kim II rơi vào thảm cảnh khó khăn hơn bao giờ hết.Trận lũ quét vừa qua gây hậu quả nặng nề về đời sống, sản xuất ở vùng thượng Hương Sơn, trong đó hàng trăm ha chè công nghiệp - loại cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của người dân xã Sơn Kim II (Hà Tĩnh) bị hư hỏng.

Tròn nửa tháng kể từ ngày diễn ra cơn đại hồng thủy nhưng dọc tuyến đường độc đạo từ cầu Tây Sơn về xã Sơn Kim II vẫn còn hiển hiện những hình ảnh đau lòng. Vết bùn đất, rác rưởi còn in rõ mồn một trên từng nhành cây, ngọn cỏ và cả nhiều nhà dân. Khe Chè màu nước đã trong xanh trở lại, song cây cầu Đá Đòn với những tảng bê tông khổng lồ bị lũ cuốn phăng còn nằm ngổn ngang bên dòng nước. Rảo bước chân qua chiếc cầu tạm, chúng tôi đã đặt chân đến thôn Làng Chè, xã Sơn Kim II.

Đứng bần thần bên ngôi nhà vừa bị nước lũ cuốn trôi, anh Trương Công Tứ - công nhân Xí nghiệp chè Tây Sơn rầu rĩ: Cả cuộc đời vợ chồng chăm lo lao động sản xuất, tích góp vốn liếng xây dựng được ngôi nhà ngói 3 gian nhưng đã bị ông trời cướp mất. Đau xót hơn là sau 10 năm gắn bó với cây chè, giờ đây 1 ha đang thời kỳ thu hoạch thứ bị đất cát, rều rác phủ đầy, thứ thì bị ngập nước thối búp và chết rũ. Những năm trước đây, diện tích chè của gia đình cho thu hoạch bình quân mỗi năm khoảng 20 tấn, trị giá trên 100 triệu đồng. Còn năm nay, sau mưa lũ, mặc dù gia đình đã huy động hết nhân công để khắc phục mong vớt vát phần nào nhưng do sức nước tàn phá quá mạnh nên toàn bộ diện tích coi như mất trắng.

Anh Tứ mong muốn, thời gian tới bên cạnh các chính sách hỗ trợ, cứu đói của nhà nước và các nhà hảo tâm cho nhân dân vùng lũ thì các cấp, các ngành cần có sự hỗ trợ về giống, phân bón để bà con kịp thời khôi phục sản xuất. Có như vậy thì người trồng chè mới sớm thoát qua cơn bĩ cực...

Sau nhiều năm nỗ lực đầu tư sản xuất, đến nay Xí nghiệp Chè Tây Sơn đã trồng được 300 ha chè, giải quyết công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Nhưng, trong trận lũ vừa qua, có đến 100 ha chè bị ngập nước, trong đó 40 ha chè kinh doanh bị bùn đất, rều rác bồi lấp sâu từ 30-50cm, có nơi lên đến 70cm. Ở những diện tích này, cây chè đang bị thối lá, thâm rễ và chết. Ngoài ra, còn có 10 ha chè mới trồng từ năm 2012 bị đất cát bồi lấp, cuốn trôi, bong tróc rễ, khả năng phục hồi lại là rất thấp. Số diện tích chè bị thiệt hại thuộc 200 hộ công nhân và hộ kinh tế mới đến sản xuất chè tại xí nghiệp.

Lũ dữ không chỉ ảnh hưởng to lớn đến cây chè mà còn cuốn trôi, gãy đổ hàng chục ngàn cây che bóng mát, chắn gió cho chè có đường kính từ 10 - 15cm. Nhiều diện tích đất nằm trong vùng quy hoạch sản xuất bị sạt lở, đất đá bồi lấp không thể tiếp tục canh tác. Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn cho biết, mưa lũ đã gây tổng thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ trồng chè. Ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, thì hiện nay ở một số vùng chè vẫn đang bị ngập lụt, không thể tiêu thoát do việc thi công đường tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đầu tư đoạn qua sông Cụt, thôn Tiền Phong không được lắp đặt cống thoát nước nên gây ngập úng.

Trước những thiệt hại to lớn do mưa lũ gây ra, Xí nghiệp chè Tây Sơn đã huy động toàn bộ lực lượng lao động, công nhân viên, hộ trồng chè với hàng trăm ngày công để dọn rều rác, đất đá nhưng chỉ cứu vớt được một số ít diện tích. Phần lớn diện tích chè còn lại bị đất cát bồi lấp quá dày nên rất khó cải tạo.

Giải pháp trước mắt của Xí nghiệp là tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi tập trung vận động các hộ trồng chè cày xới cát, móc bùn để cứu sống cây chè. Còn về lâu dài xí nghiệp mong muốn nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm và có các chính sách hỗ trợ về giống, phân bón để hỗ trợ các hộ dân bón phục hồi cải tạo bộ rễ cho cây chè, đồng thời phục hóa đồng ruộng trồng lại những diện tích bị mất trắng.

Những năm trước đây vào dịp cuối thu, đầu đông là thời điểm người dân trồng chè ở xã Sơn Kim II huyện Hương Sơn tập trung nhân lực để thu hoạch sản phẩm. Vậy nhưng, năm nay, thay vì hình ảnh những đồi chè xanh biếc ngút ngàn, chồi non lộc biếc là màu xám của bùn đất, rác rưởi và hàng loạt diện tích chè đang héo úa, tàn tạ từng ngày.

Trận lũ quét kinh hoàng nơi thượng nguồn Ngàn Phố đã đẩy cuộc sống của người dân trồng chè xã Sơn Kim II rơi vào thảm cảnh khó khăn hơn bao giờ hết.


Có thể bạn quan tâm

bac-giang-nang-cao-nang-suat-gia-tri-thuy-san Bắc Giang Nâng Cao Năng… treo-chuong-vi-so-lo “treo Chuồng” Vì Sợ Lỗ