Mô hình kinh tế Xanh Màu No Ấm

Xanh Màu No Ấm

Ngày đăng 23/07/2014

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn sáng ngời tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí vì màu xanh hòa bình cho quê hương của lực lượng TNXP.

Ngày nay, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lại xanh sắc sự sống, khát vọng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Trên con đường đó, các thế hệ TNXP lại tiếp nối nhau viết tiếp câu chuyện “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”…

Nếu ví đất nước Việt Nam như dáng hình người mẹ hiền từ, tần tảo, thì dãy Trường Sơn như là chiếc đòn gánh quẩy quang gánh trên đôi vai người mẹ ấy. Dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp với dốc cao, vực thẳm, dài 1.100 km kéo từ thượng nguồn sông Cả đến tận Nam Trung Bộ, là nơi sinh sống của nhiều tộc người.

Trên dãy Trường Sơn, những năm kháng chiến chống Pháp nhiều đoàn cán bộ, bộ đội đã vượt mọi gian khổ để đi từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc; trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định mở đường thông tuyến Trường Sơn, tiếp lửa cho miền Nam ruột thịt.

Đường Trường Sơn được các lực lượng quân đội, thanh niên xung phong mở dài hơn 20.000 km, hoạt động thông suốt trong khoảng thời gian gần 6.000 ngày đêm đất nước có chiến tranh, chia cắt. Trên con đường này, bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển 454.740.000 tấn vũ khí, lương thực, đạn dược và 57.920.000 tấn xăng dầu chi viện cho miền Nam. Nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông này, đế quốc Mỹ và ngụy quyền đã dội xuống hơn 3 triệu tấn bom đạn.

Mỗi tấc đất trên đường Trường Sơn đều bị xới tung trăm nghìn lần, cây cối trọc trơ, sự sống nơi đây trải qua biết bao sự hủy diệt, tàn khốc của các loại bom đạn, chất độc hóa học... Song chính nơi đây, màu xanh ý chí, khát vọng hòa bình, sức trẻ TNXP, sức sống Việt Nam lại chói ngời hơn bao giờ hết.

Để giữ đường Trường Sơn, những người TNXP đêm đêm làm cọc tiêu sống dẫn đường, ngày ngày giữa mưa bom bão đạn vẫn kiên cường bảo vệ, đắp đào, san lấp. Biết bao mồ hôi, máu thịt của TNXP, bộ đội Trường Sơn vun đắp nên con đường này…

Trên cơ sở đường mòn Trường Sơn những năm trước, năm 2000, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ra lệnh khởi công con đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh. Đến nay, Nhà nước đã đầu tư xây dựng và hoàn thành con đường với tổng chiều dài 3.183km đi qua 28 tỉnh, thành phố….

Trở lại đường Trường Sơn năm xưa – đường Hồ Chí Minh chạy qua khu vực tỉnh Nghệ An hôm nay, đã thấy hai bên đường phủ xanh những vườn cây trái, đồi chè, rừng keo, cao su. Màu xanh hiền hòa, no ấm phủ khắp 134 km, 29 xã vùng trung du miền núi tỉnh Nghệ An.

Nhiều lần theo chân những cựu TNXP tỉnh Nghệ An thăm lại chiến trường xưa, chúng tôi đã có dịp về với 1/29 xã vùng trung du này – đó là xã miền núi Thanh Đức, huyện Thanh Chương, nơi có đường Hồ Chí Minh chạy qua. Hai bên đường, dân cư quần tụ, rừng đồi mỡ màng; Thanh Đức đã được rất nhiều TNXP thuộc 3 thế hệ chống Pháp, chống Mỹ và TNXP thời kỳ đổi mới xây dựng CNXH lựa chọn là miền đất hứa để trở thành nơi an cư lạc nghiệp.

Theo lời tâm tình của bà Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Thanh Đức, thì: “Nơi đây đã gắn liền với tuổi trẻ của chúng tôi, những đồng đội thân yêu đã ngã xuống, có người đã hòa vào đất đá nơi này nên chúng tôi không thể rời xa”.

Và bởi thế, mỗi cựu TNXP luôn tâm nhiệm “phải sống làm sao xứng đáng với sự hy sinh của người ngã xuống; dù trong hoàn cảnh nào cũng phải vững vàng ý chí tiến công, tiên phong của TNXP năm xưa”. Đất nước hòa bình, giặc ngoại xâm đã bị đánh đuổi, những cựu TNXP Thanh Đức lại chiến đấu với giặc đói giặc nghèo, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

Về thăm trang trại của bà Nguyễn Thị Nguyệt, chúng tôi không khỏi thán phục trước khát vọng biến “sỏi đá thành cơm” của vợ chồng cựu TNXP Tổng đội 289 này.

Vượt qua những trận mưa bom bão đạn nơi tuyến lửa Truông Bồn, Cầu Cấm, Cầu Bùng, Hoàng Mai, năm 1975, cô gái quê ở Ngọc Sơn, huyện Đô Lương Nguyễn Thị Nguyệt trở về công tác tại Nông trường chè Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương. Năm 1980, chị lập gia đình với kỹ sư lâm nghiệp Lê Đình Hiếu, đến năm 1994 thì nghỉ hưu tại xóm 3, xã Thanh Đức.

Về hưu, cuộc sống của gia đình những năm ấy không hẳn khó khăn nhưng khi có Quyết định 327 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào năm 1992 “về một số chủ trương, chính sách phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước” gia đình bà đã nhận gần 20 ha đất đồi hoang hóa để cải tạo xây dựng.

Đồi thì đã nhận rồi nhưng nhìn xung quanh chỉ thấy cây bụi rậm rạp, gai góc, lau lách và muỗi mòng, rắn rết, bà Nguyệt không khỏi sờn lòng.

Nhưng nghĩ lại “xưa bom đạn, khó khăn thế còn vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ; huống hồ bây giờ đất Nhà nước giao cho mình rồi, không cải tạo, trồng trọt được là có tội với Đảng, Nhà nước và cả những người ngã xuống”, bà Nguyệt lại cùng chồng quyết tâm, dựng lều tạm để ở, khai hoang để trồng trọt.

Có những thành quả nhất định, ông bà càng tin chắc hơn với phương hướng lấy ngắn nuôi dài của mình, năm 1993 - 1995, bà Nguyệt bàn với chồng trồng các cây lấy gỗ như cây mỡ, ràng ràng, trồng mít lấy quả và lấy gỗ, nuôi trâu bò, lợn gà, đào ao thả cá; sau đó tiếp tục trồng chè, trồng cam. Có lúc trang trại ông bà nuôi đến 20-30 con trâu bò…

Bền gan vững chí, mùa quả ngọt đến ngày thu hoạch, từ năm 2005 trở lại đây, mỗi năm gia đình ông bà thu về lãi ròng trên dưới 450 triệu đồng. Hiện trang trại ông bà có 10 ha keo, gỗ đến kỳ thu hoạch; 3 ha chè cho thu nhập hàng năm; khu chuồng trại nuôi lợn, hầm bioga... khép kín.

Theo Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Thanh Đức Nguyễn Thị Nguyệt, thì trong xã còn rất nhiều gia đình cựu TNXP làm ăn giỏi hơn gia đình bà, tiêu biểu như gia đình ông bà Trần Huy Giăng – Lê Thị Vân, ở xóm 3, xã Thanh Đức. Ông Trần Huy Giăng là TNXP tại chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị từ năm 1965 – 1968; bà Lê Thị Vân là TNXP trên chiến trường Quảng Trị từ năm 1968 - 1971.

Hai ông bà gặp gỡ, nên duyên khi cùng về công tác tại Nông trường chè Hạnh Lâm vào năm 1976. Nhà đông con, cuộc sống khó khăn, nghỉ công tác rồi, vợ chồng cựu TNXP quyết tâm phát triển kinh tế gia đình để cải thiện cuộc sống, có điều kiện nuôi dạy con cái trưởng thành. Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm gia đình ông bà thu được khoảng 600 triệu đồng từ đất rừng, vườn, ao chuồng của nhà mình.

Trên vùng đất Sướn, sông Giăng “bốn mùa con nước” – người dân xã Thanh Đức hầu như ai cũng biết tấm gương làm ăn của vợ chồng cựu TNXP Lê Thị Châu - Nguyễn Võ Tòng.

Sinh ra ở Nam Lộc, Nam Đàn, bà Lê Thị Châu không nghĩ có ngày mảnh đất Sướn lại trở thành nơi gắn bó máu thịt. Từ một cô thanh niên xung phong chỉ quen với việc lấp hố bom, dẫn đường cho xe qua trong những đêm đạn lửa, sau ngày đất nước thống nhất bà Châu đã tìm đến Thanh Chương xin vào làm công nhân Xí nghiệp chè Hạnh Lâm.

Trên khu vực núi rừng biên giới muôn vàn khó khăn, có lúc bà Châu tưởng chừng phải buông xuôi. Nhưng rồi vợ chồng bà đứng ra nhận khoán 20 ha rừng của Xí nghiệp. Với cách làm lấy ngắn nuôi dài, lấy nhỏ nuôi lớn, đầu tiên ông bà lợi dụng điều kiện khe suối đào ao nuôi cá, nguồn nước này cũng đồng thời dùng để trồng cây lương thực ngắn ngày và tưới cho cây trồng dài ngày.

Bên cạnh đó, để phục vụ cuộc sống sinh hoạt, bà Châu nuôi lợn, gà, vịt và khi đã ổn định hơn mới chăn thả trâu, bò. Trên diện tích 10 ha trồng chè, ông bà đã trồng gần 2000 gốc cam, trong đó có 100 gốc cam bù giống Hương Khê – Hà Tĩnh.

Năm 2013, cây cam đã đem lại cho gia đình bà Lê Thị Châu 420 triệu đồng, chè cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Trong chuồng luôn có trên 20 con lợn rừng, trong đó có 7 lợn nái cùng nhiều gà, vịt, cá…

Tổng thu nhập năm 2013 của gia đình là trên 600 triệu đồng, chưa kể 10 ha keo chuẩn bị xuất bán. Giờ đây nhìn lại thành quả của những tháng ngày xuống đồi, lên núi hẳn bà Lê Thị Châu, cựu thanh niên xung phong C309, P27 - Tổng đội TNXP Nghệ An đã rất tự hào. Ông bà đã có trên 1 tỷ đồng gửi ngân hàng, ngoài ra còn giúp đỡ, hỗ trợ  vốn cho 30 gia đình vay (mỗi gia đình 20 triệu đồng) để sản xuất.

Ông Nguyễn Xuân Đạm, Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Thanh Chương tự hào: “Trên đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua huyện Thanh Chương hiện nay, không riêng gì ở Thanh Đức mà từ Thanh Mỹ, Thanh Hương, Thanh Sơn, Thanh Thủy đâu đâu cũng có những trang trại, mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của các cựu TNXP.

Họ vẫn giữ nguyên tinh thần xung phong vượt khó phá núi, mở đường, tải đạn năm nào để nuôi trồng, sản xuất kinh doanh xây dựng đời sống ngày càng sung túc, đủ đầy. Hội Cựu TNXP huyện Thanh Chương có trên 2.100 hội viên, chỉ còn có khoảng 2% số hội viên còn là hộ nghèo theo chuẩn mới. Chúng tôi luôn tự xác định, Cựu TNXP thì không thể chịu nghèo…”.

Con đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh là con đường huyền thoại trong những năm chiến tranh được tạo nên bởi những chiến công kỳ vĩ của bộ đội Trường Sơn và TNXP; ngày nay, trên con đường này, cũng từ bàn tay của những cựu TNXP năm xưa đang có những huyền thoại mới được tạo ra mang tên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.


Có thể bạn quan tâm

trong-dau-phung-tren-dat-lua Trồng Đậu Phụng Trên Đất… phu-yen-thi-diem-san-xuat-ca-ngu-theo-chuoi Phú Yên Thí Điểm Sản…