Mô hình kinh tế Xót Xa Vùng Khóm Tháp Mười

Xót Xa Vùng Khóm Tháp Mười

Ngày đăng 27/07/2011

Ít ai biết, hàng trăm ha đất khu vực Đồng Tháp Mười (Tân Phước,Tiền Giang) trồng khóm nổi tiếng từ lâu đã bỏ hoang gần 3 năm qua vì dự án KCN và qui hoạch sân golf..

Dọc theo trục tuyến lộ 866B dẫn vào KCN Long Giang (vốn 100% của DN Trung Quốc) là nhà dân nằm san sát thuộc ấp 4, xã Tân Lập 1, tuy không thuộc dự án xây dựng KCN nhưng vẫn nằm trong diện bị thu hồi để giao đất cho KCN. Hầu hết họ đều là dân kinh tế mới đến khu vực này cất nhà và lập nghiệp bằng nghề trồng khóm từ thập niên năm 1990.

Ông Trần Văn Thanh chỉ vào căn nhà cấp 4 của mình được xây cất năm 1992 khá kiên cố nằm trên lô đất 2.200m2 bức xúc nói: “Chúng tôi là dân kinh tế mới, lên đây sinh sống đã hơn 20 chục năm qua, đất ở không tranh chấp với ai, ngoài ra còn trồng mít, xoài lập vườn nhưng bây giờ vẫn không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ vì nằm trong vùng KCN. Thậm chí huyện còn đòi thu hồi đất đang ở nhưng đền bù có 181 triệu đồng/ha, vị chi chưa được 40 triệu, không đủ mua một miếng đất mới để tái định cư”.

 Nhiều hộ dân khác như Hồ Quang Huấn, Huỳnh Văn Huệ, Hồ Thị Phương Trinh, Nguyễn Tiến Dũng... cũng giống trường hợp ông Thanh, có đất nằm ngoài dự án KCN nhưng vẫn bị thu hồi với lý do theo giải thích là: “sắp xếp tuyến dân cư nông thôn”, nhưng thật ra thu hồi là để giao đất cho KCN, bởi tiền đền bù là của chính DN Trung Quốc bỏ ra.

Điều đáng nói là, mặc dù tỉnh Tiền Giang qui hoạch giao đất cho KCN Long Giang những 540 ha từ năm 2007 nhưng đến nay dự án mới thực hiện chưa đến 100 ha, còn lại là bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Ông Đặng Văn Tâm, Bí thư xã Tân Lập 1 cho biết, sau 3 năm triển khai, nhà đầu tư Trung Quốc mới san lấp mặt bằng xây dựng 3 nhà máy gồm SX Thức ăn chăn nuôi, dầu ăn và dây đồng, còn lại bỏ hoang rất lớn và “cũng chưa biết họ sẽ làm gì trong thời gian tới”.

Nhà nông mất nghiệp

Ông Trần Hoàng Giang (ấp 4) có 2 ha đất trồng khóm, sau khi giao đất cho KCN từ 2 năm nay thì chuyển sang nghề thợ hồ chuyên đi xây dựng cho chính các công trình nhà ở của người Trung Quốc nằm bên trong KCN. Ông chua chát nói: “Trước đây 2 ha này mỗi năm tôi trồng khóm thu được tròm trèm 50 tấn trái (NS bình quân 25 tấn/ha). Nếu tính giá 3.000 đồng/kg thì thu về chừng 150 triệu, sau khi trừ hết chi phí khoảng 50% cũng còn lời được 75 triệu đồng. Đất tốt như vậy, nhưng gần 3 năm qua mấy ổng thu hồi làm KCN mà chẳng thấy ra ngô ra khoai gì cả, đất tha hồ cỏ mọc. Nếu chúng tôi SX không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà nhà nước cũng thu được thuế”.

Thế nên, hãy thử làm một phép tính, giả sử 540 ha để trồng khóm thì cứ 1 ha đất sẽ tạo ra giá trị kinh tế ít nhất là 50 triệu. Lấy 540 ha đem nhân cho 50 triệu sẽ được 27 tỷ/năm. Tức đã có ít nhất 81 tỷ đồng trong 3 năm qua mất đi do dính KCN, đó là chưa nói tới hàng trăm hộ nông dân phải chịu thất nghiệp do không còn đất SX.

Trong khi đó, theo điều tra của chúng tôi, tỉnh Tiền Giang cho DN Trung Quốc thuê 540 ha trên chỉ trả tiền đền bù cho dân chứ không phải trả tiền thuê đất, do khu vực đất thuộc vùng sâu vùng xa. Vì vậy, nhà đầu tư chỉ trả số tiền đền bù cho dân vào khoảng 125 tỷ đồng cùng với tiền thuê đất nộp cho tỉnh Tiền Giang là 1,4 USD/m2/50 năm. Thế nhưng, điều đáng lo ngại, sau 50 năm nếu như DN Trung Quốc không tái ký hợp đồng thuê đất nữa thì số 540 ha sau khi “biến dạng” bởi KCN, liệu lúc đó trồng cây khóm có còn thích hợp?

Chưa hết, từ năm 2008, tỉnh Tiền Giang còn lên “qui hoạch chi tiết” lấy 270 ha ở ấp 5, xã Tân Lập cũng đang trồng khóm để đưa vào dự án xây dựng “khu dân cư Hòa Cường” và “Khu nghỉ dưỡng và sân golf 36 lỗ” do 2 chủ đầu tư là Cty TNHH Đại Ngân- Tiền Giang và Cty TNHH Genuwin D & C Tiền Giang. Đến nay, tuy các dự án trên vẫn còn nằm trên giấy, nhưng đất SX cũng đã chính thức bỏ hoang.

Ông Cao Minh Tâm, Phó Chánh VP UBND tỉnh Tiền Giang thanh minh: “khi nào chưa có quyết định thu hồi đất thì dân cứ tiếp tục sản xuất, tỉnh nói chỉ mới quy hoạch chưa phê duyệt phương án đền bù thì dân cứ an tâm SX, nhưng tôi không hiểu vì sao dân lại không chịu SX”. Trái lại, ông Trần Văn Thanh đang có 1,5 ha nằm trong khu qui hoạch dân cư Hòa Cường phản ứng gay gắt: “Chắc mấy ổng quên mất vùng ĐTM vốn đê bao giáp vòng, mưa xuống là đất ngập 3 tấc, phải có hệ thống bơm nước toàn vùng do một tổng chỉ huy chịu trách nhiệm thì trồng khóm mới được. Tuy nhiên, sau khi có qui hoạch thì chính quyền địa phương bỏ mặc vai trò “chỉ huy”, thử hỏi người dân trồng sao nổi?”.

Ông Tư Điểm (ấp 5) có trên 3 ha nằm trong vùng qui hoạch sân golf nói thêm: “Muốn trồng khóm có hiệu quả thì chúng tôi phải thuê máy móc đào mương, lên liếp, chi phí rất nặng mỗi ha ước tính 30 triệu đồng. Nhưng nếu làm dở chừng mà nhà nước thu hồi đất thì ai gánh chịu chi phí này, nên muốn làm cũng không dám đành phải bỏ hoang thôi. Trước đây, tôi trồng 3 ha khóm mỗi năm thu nhập không dưới 100 triệu. Hai năm qua bỏ hoang tiếc lắm, nay thấy cây mì có ăn nên trồng đại cây này nhưng không biết nó có thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất phèn nặng này không nữa?”


Có thể bạn quan tâm

nuoi-hau-mot-von-muoi-loi Nuôi Hàu Một Vốn Mười… trang-trai-van-gap-kho-khan Trang Trại Vẫn Gặp Khó…