Tin thủy sản Xử lý chất thải ao nuôi thủy sản bằng lọc nước cơ học

Xử lý chất thải ao nuôi thủy sản bằng lọc nước cơ học

Tác giả Kiều Anh, ngày đăng 24/04/2020

Việt Nam nghiên cứu và chế tạo thành công máy lọc nước cơ học, có thể loại bỏ chất thải rắn hiệu quả và dùng được trong hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS).

Thiết bị lọc nước cơ học do CENITEC và Công ty Cơ khí Long An chế tạo Ảnh: MH

Chất thải trong nuôi trồng thủy sản được hình thành chủ yếu do phân của tôm, cá, thức ăn thừa, hóa chất,… Khi chất thải trong ao nuôi nhiều thường chứa mầm bệnh như nấm, vi khuẩn, virus,.. tạo ra dịch bệnh cho tôm cá. Vì vậy, xử lý chất thải trong ao nuôi thủy sản là đảm bảo chất lượng và giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh.

Theo TS Nguyễn Minh Hà, Công ty CENINTEC, nếu nuôi thủy sản theo phương pháp thay nước thì sẽ thiếu nước sạch để cấp cho ao nuôi. Khi nuôi mật độ cao (siêu thâm canh, cần bổ sung thêm khoáng chất, hóa chất, vi sinh…) việc thay nước còn khiến chi phí chất trợ tăng cao. Bên cạnh đó, quy định cấm xả thải trực tiếp không qua xử lý để giảm ô nhiễm môi trường, diện tích đất dành cho xử lý nước đầu vào và đầu ra quá lớn, là những vấn đề trong nuôi thủy sản hiện nay đang gặp phải.

Vì vậy, muốn xử lý được nước để tái sử dụng hay xả thải, điều đầu tiên cần làm được là gom được chất thải rắn từ ao, bể ra trong tình trạng chưa phân hủy. Chi phí lọc chất thải rắn chưa phân hủy bao giờ cũng rẻ hơn rất nhiều lần so với xử lý chất thải đã phân hủy vào nước. Hiện nay, một số phương pháp xử lý nước thải được Việt Nam và thế giới sử dụng như xử lý tự nhiên bằng cách dùng mương nước, ao nước, vùng đất ngập nước. Đây là cách xử lý phổ biến nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, phương pháp này thường tốn diện tích. Ngoài ra, còn có một số phương pháp xử lý ít tốn diện tích đất hơn như bể lắng, lưới lọc hình dạng parabol, thiết bị lọc cơ học dạng trống,…

Trong đó, thiết bị lọc cơ học dạng trống có ưu điểm vượt trội so với các phương pháp khác là cho chất lượng nước lọc ổn định, tỷ lệ thu hồi nước cao đến 98%, có thể dùng trong các hệ thống tuần hoàn RAS. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là chi phí đầu tư, vận hành cũng cao hơn so với các phương pháp khác.

Theo TS Hà, thời gian qua, một số thiết bị của RAS đã được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo tại Việt Nam giúp người nuôi có thể tiếp cận công nghệ này với chi phí thấp. Trong đó, Công ty CENINTEC phối hợp với Công ty cơ khí Long An đã nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị lọc cơ học, có thể dùng được trong hệ thống RAS.

Thiết bị có thể tách chất rắn có kích thước > 37 μm khỏi nguồn nước, hoạt động theo nguyên lý lọc trống sử dụng lưới lọc. Khi nước được cấp vào trống lọc, chất thải rắn có kích thước lớn hơn kích thước khe lọc được giữ lại trên mặt lưới, nước đã lọc chảy ra ngoài dưới lưới lọc nhờ tác dụng của trọng lực. Trống lọc xoay liên tục để đưa chất thải đã lọc lên vị trí rửa. Chất thải sau đó được rửa sạch khỏi lưới lọc bằng vòi xịt cao áp rồi chảy ra ngoài theo máng dẫn. Nhờ vậy, chất lượng nước ổn định, giảm hơn 50% tổng chất rắn lơ lửng trong nước, giảm khí độc, rủi ro thủy sản bệnh và chết do môi trường. Đồng thời, giảm chi phí xử lý nước, hóa chất, tiết kiệm 30 - 40% diện tích đất sử dụng so với phương pháp lắng trong các ao cổ điển.

TS Hà cho biết, do máy được thiết kế đơn giản và tối giản số lượng những chi tiết, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, nên giá thành của máy giảm được 3 - 4 lần so với máy tương đương nhập ngoại của Châu Âu, giảm 20% so với của Trung Quốc.

Phương pháp này được triển khai thử nghiệm hệ thống lọc để tuần hoàn một phần nước tại Tập đoàn Minh Phú với ao nuôi tôm thâm canh 40 ngày, mật độ 200 con/m2. Kết quả, thiết bị lọc cơ học giúp giảm 63% lượng chất thải rắn lơ lửng, cùng nhiều chi phí lọc nước khác.


Có thể bạn quan tâm

nang-han-gay-gat-nuoi-tom-bat-loi Nắng hạn gay gắt, nuôi… thuc-an-tom-the-su-khac-biet-cua-beta-glucan-tu-tao Thức ăn tôm thẻ -…