Mô hình kinh tế Xuất Khẩu Cá Ngừ “Hụt Hơi”

Xuất Khẩu Cá Ngừ “Hụt Hơi”

Ngày đăng 07/02/2015

Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đang giảm đều trong vài năm trở lại đây do nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định và một số thị trường nhập khẩu đang giảm lượng tiêu thụ.

Mặc dù có “điểm sáng” là áp dụng công nghệ đánh bắt và bảo quản theo phương pháp của Nhật Bản giúp tăng giá trị cá ngừ đại dương của Việt Nam tại một số phiên đấu giá ở thị trường nước này, nhưng trên thực tế xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong năm qua vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành cá ngừ Việt Nam liên tiếp sụt giảm về xuất khẩu trong 2 năm trở lại đây: Năm 2012, giá trị xuất khẩu cá ngừ là 567,5 triệu USD; năm 2013 còn 527 triệu USD; năm 2014 xuống còn 484 triệu USD.

Theo VASEP, việc không chủ động được nguồn nguyên liệu trong đánh bắt, bảo quản là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu cá ngừ giảm trong năm qua.

Phần lớn, cá ngừ của Việt Nam được xuất khẩu ở dạng đã qua chế biến, làm hàng đông lạnh thay vì làm hàng chất lượng cao, xuất khẩu nguyên con trực tiếp nên giá trị thu về không cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản còn phải nhập khẩu tới 50% nguyên liệu về để chế biến nên khó có thể chủ động trong nguồn hàng cũng như ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm.

Yếu tố thị trường cũng có tác động không nhỏ tới việc giảm kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Đơn cử như tại Mỹ, từ giữa năm 2014, Tổ chức Earth Island (EII) đã cảnh báo Việt Nam về việc khai thác cá ngừ bằng lưới cản hoặc lưới rê đang vi phạm các quy định của Chương trình Bảo vệ cá heo trong thương mại cá ngừ toàn cầu.

Thực tế, những tháng cuối năm 2014, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản và ASEAN khá ảm đạm. Tại hai thị trường nhập khẩu chính là EU và Nhật Bản, giá trị xuất khẩu cá ngừ đang có xu hướng sụt giảm còn thị trường Mỹ mặc dù đã có sự phục hồi ở những tháng cuối năm nhưng không đáng kể. VASEP dự báo, trong năm 2015 và các năm tiếp theo, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ còn nhiều khó khăn. Bên cạnh những tồn tại chưa được giải quyết thì mặt hàng này còn phải cạnh tranh với nhiều quốc gia xuất khẩu cá ngừ khác.

Đơn cử như Ecuador và Philippines đã đạt được những kết quả nhất định trong việc đàm phán thương mại với các thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn như EU với việc các sản phẩm xuất khẩu của hai nước này sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan 0% tại EU. “Điều này đã tạo áp lực lên các DN xuất khẩu trong thời gian tới, đồng thời làm giảm khả năng cạnh tranh tại các thị trường hơn nữa”- VASEP nhận định.

Theo VASEP, khâu quản lý, thu thập dữ liệu và thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động khai thác cá ngừ của cơ quan quản lý còn nhiều bất cập và tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó có thể đạt yêu cầu của các thị trường.


Có thể bạn quan tâm

toi-ngong-ly-son-len-ke-he-thong-sieu-thi-big-c Tỏi Ngồng Lý Sơn Lên… lo-ca-ngu-thu-hai-xuat-sang-thi-truong-nhat-co-gia-binh-quan-190-000-dong-kg Lô Cá Ngừ Thứ Hai…