Thống kê nông sản Xuất khẩu hạt tiêu của Campuchia tăng trưởng đột biến

Xuất khẩu hạt tiêu của Campuchia tăng trưởng đột biến

Tác giả Phạm Hòa, ngày đăng 06/09/2021

Theo báo cáo cuối tuần qua của Bộ Nông Lâm và Ngư nghiệp Campuchia, sản lượng hạt tiêu xuất khẩu của nước này trong giai đoạn từ tháng 1 – 8/2021 đạt 24.847 tấn, tăng 551% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nông Lâm và Ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhon cho biết Việt Nam vẫn là nước đứng đầu danh sách mua hạt tiêu của Campuchia, tiếp theo là các thị trường Đức, Ấn Độ, Pháp, Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc)…

Bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19, ngay từ tháng 3/2021, các trang trại và nhà xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu Campuchia đã xúc tiến nhiều hội nghị trực truyến, tăng sản lượng nhằm đáp ứng tiềm năng xuất khẩu lớn mặt hàng này trong năm 2021.

Theo nhiều chuyên gia, sản lượng hạt tiêu xuất khẩu của nước này tăng đột biến là nhờ Hiệp hội Hạt tiêu và Gia vị Campuchia đã tiếp thu và giải quyết nhiều vấn đề mà những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu Campuchia như AMRU, Sela hay Confirel đã nêu ra từ đầu năm 2021.

Một báo cáo gần đây của Bộ Nông-Lâm và Ngư nghiệp Campuchia cho biết tổng diện tích trồng hạt tiêu trên cả nước đạt 6.822 héc-ta vào năm 2020.

Trong tổng sản lượng hạt tiêu của Campuchia, tỷ lệ sản phẩm có Chỉ dẫn địa lý (GI) chiếm từ 70 đến 100 tấn/năm, còn lượng hạt tiêu hữu cơ chiếm từ 100-150 tấn/năm.

Sản lượng hạt tiêu thông thường của Campuchia đạt khoảng 18.000 tấn/năm.

Theo Bộ Nông-Lâm và Ngư nghiệp Campuchia, nhu cầu xuất khẩu lớn có thể kích thích các nhà sản xuất tăng tổng diện tích trồng hạt tiêu của nước này lên tới 7.163 héc-ta.

Theo nhiều chuyên gia, việc giá hạt tiêu phục hồi và đi lên từ cuối năm 2019 là tiền đề tốt cho nông dân Campuchia tiếp tục áp dụng các công nghệ mới và cải tiến kỹ thuật trong canh tác hạt tiêu.

Hạt tiêu được trồng tại khá nhiều vùng ở Campuchia, trong đó có các tỉnh Kampong Cham, Thbong Khmum, Kampot và Kep. Hạt tiêu Kampot là thương hiệu nổi tiếng nhất của Campuchia, vì đã được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cấp GI vào năm 2010 và Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2016.

Thương hiệu hạt tiêu Kampot hiện được đăng ký bảo vệ bản quyền quốc tế tại 32 nước theo Hiệp định Geneva về thỏa thuận tên gọi nguồn gốc sản phẩm và chỉ dẫn địa lý.


Có thể bạn quan tâm

doanh-so-ban-dau-tuong-ky-han-2022-cua-brazil-sut-giam Doanh số bán đậu tương… dau-tuong-va-lua-mi-tang-ngo-giam-trong-phien-giao-dich-cuoi-tuan Đậu tương và lúa mì…