Mô hình kinh tế Xuất khẩu ớt sang Nhật

Xuất khẩu ớt sang Nhật

Ngày đăng 16/05/2015

Ông Lê Văn Cường (phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) và những nông dân liên kết với ông chỉ trồng các loại rau, quả theo đơn đặt hàng, thậm chí phải từ chối bớt đơn hàng của đối tác từ thị trường khó tính như Nhật Bản.

Chỉ trồng rau, quả theo đơn đặt hàng

Suốt mấy tháng qua, nông dân nhiều tỉnh thành lao đao vì nhiều loại nông sản như ớt, dưa hấu, thanh long, hành tây, cà chua, cà rốt, hành tím… thừa ế, rớt giá, bị ép giá đến mức phải đổ bỏ hoặc làm thức ăn cho gia súc. “Nguyên nhân là do nông dân vẫn giữ thói quen bán những thứ mình có chứ không nắm bắt được nhu cầu thị trường”,  chủ trang trại rộng 11 ha Lê Văn Cường nói.

Ông Cường cho biết chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng với giá nông sản trong hợp đồng ổn định trong vòng 6 tháng. Các hộ nông dân liên kết với ông như Tô Quang Dũng, Tô Quang Việt… luôn biết trước giá nông sản sẽ được thu mua. Nếu tuân thủ quy trình sản xuất ông đã chuyển giao, họ sẽ bán được rau quả với giá tốt; không có tình trạng được giá mất mùa, được mùa mất giá.

Cách đây hơn 2 thập kỷ, khi đa số nông dân Đà Lạt còn sử dụng phân xác mắm để bón cho cây trồng thì ông Cường đã tiếp cận với công nghệ trồng rau sạch. Được làm việc cho công ty nước ngoài đầu tiên đầu tư trồng rau hoa công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt, ông dần nắm rõ kỹ thuật trồng cây trong nhà lưới, nhà kính; quy trình chăm sóc cây bằng hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân hoàn toàn tự động…

Mong muốn xây dựng thương hiệu rau công nghệ cao thuần Việt, ông Cường rời công ty nước ngoài để mở trang trại riêng rồi thành lập Công ty TNHH Đà Lạt GAP (Đà Lạt GAP). Từ vài héc ta ban đầu, đến năm 2008, ông đã mở rộng diện tích trang trại tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương (vùng giáp ranh với Đà Lạt) lên 11 ha. Phần lớn diện tích này được phủ nhà lưới, nhà kính, trang bị hệ thống máy móc hiện đại theo công nghệ Hà Lan với vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng/ha.

Theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Global GAP, muốn trồng rau sạch thì nước và không khí phải sạch, do đó ông mua đất lập trang trại trong một thung lũng cách xa khu dân cư; sử dụng nguồn nước ngầm đã được kiểm định để tưới; chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học chứ không dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.

Xuất khẩu rau sang thị trường khó tính nhất thế giới

Ông Cường còn sang tận Hà Lan và Tây Ban Nha để học hỏi, nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh quy trình trồng cây trên giá thể. Các công đoạn bón phân và tưới nước được cài đặt qua hệ thống Fertigation nhằm kiểm soát lượng phân bón và độ pH của nước. Hệ thống sẽ tự động tưới với thời gian và số lần trong ngày được điều chỉnh hợp lý tùy theo độ tuổi, tình trạng sinh lý của cây và nhiệt độ môi trường bên ngoài. Nước và phân được trực tiếp vào gốc; không gian trồng thông thoáng nên cây ít bị nhiễm bệnh.

Phương pháp trồng cây không cần đất này đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng tiết kiệm được 30% chi phí phân bón và điều quan trọng nhất là tạo ra sản phẩm sạch đúng chuẩn, năng suất cao, chất lượng tốt, đồng đều, mẫu mã đẹp.

Sau khi đến tận nơi khảo sát, kiểm tra quy trình sản xuất, đối tác Nhật Bản đã chấp thuận nhập loại ớt sừng ngọt (Bull’s horn Capsicum) cấp đông của Đà Lạt GAP với số lượng lớn, ban đầu 200 – 300 tấn/ năm, sau đó nâng dần lên 600-800 tấn/năm. Gần đây đối tác Nhật Bản đề nghị tăng thêm số lượng nhưng Đà Lạt GAP chưa thể đáp ứng.

“Các nhà kính trồng ớt xuất khẩu được che chắn rất cẩn thận không để chó, mèo hoặc động vật hoang dã xâm nhập. Ô tô cũng không được đến gần. Nếu khói ô tô xịt vào trái ớt, đối tác kiểm định phát hiện ra chì thì mệt mỏi lắm! Họ sẽ cấm hàng của mình vào Nhật Bản, thiệt hại tính bằng triệu đô chứ không ít” - ông Cường nói.

Đã nhiều lần, ông Cường thuê chuyên gia từ Hà Lan sang trang trại để trực tiếp hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật cho hàng chục kỹ sư và công nhân về quy trình trồng dâu tây và cà chua vô hạn, loại cà có thân dài trên 15m, cho thu hoạch suốt 9 tháng với năng suất từ 240 - 280 tấn/ha/vụ, cao gấp 4 - 5 lần so với phương pháp canh tác bình thường.

Đưa chúng tôi tham quan nhà kính trồng dâu tây, ông nói: “Vì loại cây này có chiều cao khiêm tốn nên chúng tôi xây dựng mô hình giá thể nhiều tầng để tiết kiệm không gian. Nhiệt độ trong nhà kính được điều chỉnh ở mức từ 8-26 độ C bởi cao hơn nữa thì cây èo uột”.

“Chúng tôi sản xuất theo quy trình làm rau sạch nên chất lượng đảm bảo, không sợ bẩn và nhiễm thuốc trừ sâu đâu” - ông Cường nói rồi giải thích thêm: Tiêu chuẩn Global GAP yêu cầu người sản xuất phải thiết lập hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt từ khâu chuẩn bị xuống giống đến khi thu hoạch, chế biến và tồn trữ. Phải lập hồ sơ theo dõi, ghi chép chi li từng công đoạn để phòng ngừa khi xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm hay dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép thì có thể truy nguyên được nguồn gốc.

Đà Lạt GAP là công ty đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng chỉ “Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế” - Global GAP và cũng là công ty đầu tiên trong ngành rau quả được Bộ NN&PTNT cấp chứng nhận “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.


Có thể bạn quan tâm

canh-giac-truoc-hien-tuong-rao-riet-thu-mua-qua-cau-non-voi-gia-cao Cảnh giác trước hiện tượng… chu-trong-phat-trien-mo-hinh-kinh-te-hop-tac Chú trọng phát triển mô…