Thống kê chăn nuôi Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng ấn tượng
Thống kê chăn nuôi Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng ấn tượng

Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng ấn tượng

Tác giả Thủy Chung, ngày đăng 16/06/2021

Dù kim ngạch XK không lớn so với các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản khác, song từ đầu năm đến nay XK sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng khá mạnh mẽ. Đáng chú ý, có những mặt hàng khá đặc biệt như lông vũ cũng được thị trường lớn ưa chuộng, nhiều cơ hội tăng trưởng XK.

Bán lông vũ thu hàng chục triệu USD

Thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2021, XK sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã đạt 166 triệu USD, tăng mạnh gần 44% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh những mặt hàng chăn nuôi XK thường thấy như: Thịt lợn choai, lợn sữa, thịt gia cầm, trứng muối, mật ong, tổ yến, tơ tằm, sữa và các sản phẩm từ sữa... đáng chú ý thời gian gần đây Việt Nam còn đẩy mạnh XK cả sản phẩm lông vũ thu về trị giá đáng kể.

Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy, sau khi thống nhất với Việt Nam về mẫu giấy chứng nhận kinh doanh XK lông vũ từ tháng 1/2020, đến nay, đã có 20 DN Việt Nam XK lông vũ vào thị trường Trung Quốc. Cục Thú y cũng đã đăng ký thành công tài khoản trên hệ thống truy xuất nguồn gốc của EU (Traces Nt) nhằm hỗ trợ cho các DN XK lông vũ vào thị trường EU.

Về mặt con số, trong năm 2020, các DN Việt Nam đã XK thành công 10.000 tấn lông vũ, thu về trên 40 triệu USD. Trong đó, 8.000 tấn được XK sang Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, các DN đã XK được 5.000 tấn lông vũ, thu về trên 20 triệu USD. Trung Quốc vẫn là quốc gia NK nhiều nhất lông vũ từ Việt Nam với sản lượng khoảng 4.000 tấn.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, các nước NK hiện có yêu cầu rất cao đối với sản phẩm lông vũ XK trong điều kiện bảo quản, lưu giữ đáp ứng các tiêu chuẩn về độ đục, độ tiêu hao oxy… Bên cạnh đó, lông vũ phải được lấy từ gia cầm khoẻ mạnh trong vùng an toàn dịch bệnh và đảm bảo không có tạp chất.

Về tình hình sản xuất chăn nuôi nói chung, những tháng đầu năm nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đã tác động rất lớn đến toàn ngành, gây ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung do chi phí sản xuất tăng, người chăn nuôi không có lãi và thu hẹp sản xuất. Mặt khác, chi phí thức ăn tăng nên người sản xuất có xu hướng tiêu thụ sản phẩm ở trọng lượng nhỏ như bán lợn nhỏ, đẩy mạnh XK lợn sữa.... Việc này về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung.

Tuy nhiên những vấn đề này được ông Nguyễn Xuân Dương, nguyên quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá không gây ra rủi ro cao đối với thị trường XK các sản phẩm chăn nuôi. Nguyên nhân là bởi, tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi XK so với tiêu thụ tại thị trường nội địa rất nhỏ. Mặt khác, sản phẩm chăn nuôi XK trong thời gian qua hầu hết đều tăng trưởng tốt ở các thị trường chính.

Xây dựng sản phẩm chăn nuôi quốc gia

Ông Nguyễn Văn Long chia sẻ thêm, để XK sản phẩm động vật sang các nước, Việt Nam phải đảm bảo tuân thủ quy định của quốc tế, cụ thể là theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Trong thời gian qua, Cục Thú y đã và đang tổ chức đàm phán với các nước liên quan đến việc XK sản phẩm động vật. Tính đến hết tháng 5/2021, Việt Nam có 2.288 cơ sở, các chuỗi sản xuất khép kín và vùng an toàn dịch bệnh tại 54 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, muốn XK được thì phải đảm bảo sản phẩm trong vùng an toàn dịch bệnh của OIE. Hiện, Cục Thú y đang phối hợp với các địa phương nâng cấp các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn Việt Nam lên theo tiêu chuẩn OIE.

Lãnh đạo Cục Thú y kiến nghị, các địa phương, thành phố cần có kế hoạch xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; trong đó cần lưu ý việc phân bố các loại sản phẩm chăn nuôi, ví dụ cần phân ra khu nào tập trung chăn nuôi gà là chính, khu nào nuôi lợn là chính... “Quan trọng hơn nữa là, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ vùng đó đảm bảo an toàn dịch bệnh”, ông Long nói.

Đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, thời gian tới để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cũng như đẩy mạnh XK, Việt Nam cần đẩy mạnh việc xây dựng một số sản phẩm như thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm,… thành sản phẩm quốc gia. Riêng với sản phẩm yến sào, một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng phải đẩy mạnh đánh giá tiềm năng và thực trạng của ngành nuôi yến phù hợp với điều kiện tự nhiên, khả năng đầu tư và thị trường tiêu thụ yến sào; đồng thời cũng xây dựng và phát triển yến sào thành sản phẩm quốc gia; phối hợp triển khai các giải pháp thúc đẩy nhanh vấn đề khai thông XK chính ngạch sản phẩm tổ yến sang các thị trường tiềm năng, nhất là thị trường Trung Quốc.

Riêng đối với mặt hàng mật ong, Bộ NN&PTNT cùng phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương chuẩn bị kỹ các nội dung cho việc xử kiện chống bán phá giá sản phẩm ong mật của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người nuôi ong cũng như các DN XK mật ong của Việt Nam.

Về phía Cục Chăn nuôi, thời gian tới Cục sẽ phối hợp với các đối tác quốc tế nghiên cứu và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm chăn nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như XK…


Có thể bạn quan tâm

gia-lon-hoi-hom-nay-19-6-2021-tuong-doi-on-dinh-du-kien-quy-3-tang-nhe Giá lợn hơi hôm nay… gia-thuc-an-chan-nuoi-tang-cao Giá thức ăn chăn nuôi…