Xuất khẩu thủy sản: Tăng trưởng trong gian khó
Vượt qua nhiều khó khăn về thị trường, kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản trong quý I/2017 vẫn tăng trưởng 7,9% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 1,51 tỷ USD. Dự kiến, kim ngạch XK nhóm hàng này sẽ đạt 7,5 tỷ USD cho cả năm nay, tương đương với mức tăng 5% so với năm 2016.
Xuất khẩu tôm còn nhiều thách thức
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam tháng 3/2017 đạt 603,3 triệu USD, tăng 41,6% so với tháng liền trước đó. Tính chung quý I/2017, kim ngạch XK thủy sản đạt 1,51 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, hầu hết các thị trường truyền thống của thủy sản Việt đều có mức tăng trưởng đáng ghi nhận. Cụ thể, Nhật Bản đã vươn lên là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại thủy sản của Việt Nam với kim ngạch đạt 252,9 triệu USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch XK thủy sản của cả nước, tăng 29,5% so với quý I/2016. Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ hai của thủy sản Việt với 251,2 triệu USD. Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 với kim ngạch đạt 144,47 triệu USD, chiếm 9,6%, tăng 17,9%...
Bộ Công Thương nhận định, con số tăng trưởng chung 7,9% cho cả quý cũng như tăng trưởng mạnh của từng thị trường là kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh XK thủy sản gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), giá trị XK thủy sản cả nước năm 2017 có triển vọng tăng 5% và ước đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Tuy vậy, đây không phải là con số dễ đạt được, do những ngăn cản về hàng rào kỹ thuật từ các nước nhập khẩu (NK).
Đơn cử, Hoa Kỳ vẫn được xếp là một trong những thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam nhưng những khó khăn về thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn cùng với một số rào cản thương mại sẽ ảnh hưởng lớn tới kim ngạch XK cá tra sang thị trường này.
Ngoài ra, việc Anh rời EU và một số sự cố chính trị cũng khiến cho đồng Euro mất giá, làm giảm nhu cầu NK hàng hóa nói chung, trong đó có thủy sản. Chưa kể, Cơ quan chống gian lận thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) cũng vừa tiến hành điều tra về nguồn gốc, xuất xứ tôm nguyên liệu chế biến XK tại Việt Nam do nghi ngờ các công ty của Việt Nam NK tôm nguyên liệu từ Ấn Độ về sơ chế, đóng gói rồi XK sang các nước châu Âu để né thuế (hiện thuế XK tôm Việt Nam sang EU là 7%, trong khi tôm Ấn Độ là 20%).
Riêng với thị trường Australia, dự kiến, lệnh cấm NK tôm và thịt tôm chưa nấu chín sẽ kéo dài trong khoảng 6 tháng. Tức là ít nhất phải đến tháng 6 tới, mặt hàng tôm mới được mở cửa trở lại thị trường.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), Bộ Công Thương đang tích cực vận động Australia sớm dỡ bỏ lệnh cấm NK tôm nấu chín của Việt Nam. Đồng thời, đôn đốc Australia sớm cử đoàn kỹ thuật sang Việt Nam khảo sát, đánh giá chuỗi nuôi tôm an toàn dịch bệnh để đẩy nhanh quá trình công nhận Việt Nam là vùng sạch bệnh.
Riêng với lo ngại từ phía EU, các DN đang nỗ lực phối hợp với OLAF khi tuân thủ đầy đủ các bước điều tra của cơ quan chức năng, cung cấp đầy đủ thông tin khi họ yêu cầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định, không có chuyện Việt Nam gian lận trong thương mại tôm vào EU. Bởi là một nước XK thủy lớn, không có lý gì vì lợi ích của một vài DN để ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành.
>> Theo dự báo, năm 2017, 3 trong số 5 thị trường truyền thống của Việt Nam chỉ tăng nhẹ so với năm 2016. Cụ thể, XK sang Hoa Kỳ đạt 1,48 tỷ USD, tăng 1%; XK sang EU đạt 1,2 tỷ USD tăng 1%; XK sang Nhật Bản đạt 1,1 tỷ USD, tăng 2%.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ