Mô hình kinh tế Xuất khẩu tôm sang Anh tiếp tục tăng

Xuất khẩu tôm sang Anh tiếp tục tăng

Ngày đăng 01/10/2015

Mặc dù nhập khẩu tôm vào Anh đang giảm, nhưng tôm Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan tại thị trường này. Nguyên nhân là do nhu cầu tôm nước ấm cỡ nhỏ ở Anh ngày càng tăng.

Kể từ tháng 5/2015, Anh vượt qua Đức trở thành thị trường lớn nhất về nhập khẩu tôm Việt Nam trong khối EU.

Tháng 8/2015, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh chiếm 4,7% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam trong khi xuất khẩu tôm sang Đức chiếm 3,1%.

Xuất khẩu tôm sang Anh trong 8 tháng đầu năm chiếm 4% trong tổng xuất khẩu tôm Việt Nam trong khi xuất khẩu sang Đức chiếm 3,9%.

Anh cũng là thị trường duy nhất trong khối EU có tốc độ tăng trưởng dương (24,4%) trong 8 tháng đầu năm nay, trong khi các thị trường lớn khác trong khối như Đức và Hà Lan đều giảm nhập khẩu tôm từ Việt Nam lần lượt là 20,7% và 29,7%.

Theo thống kê Hải quan Việt Nam, tháng 8/2015, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh đạt 12,7 triệu USD, tăng hơn 7% so với tháng 7/2015 tuy nhiên giảm 15,4% so với cùng kỳ 2014. 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 72,4 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong số 8 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam, Anh là thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 8 tháng đầu năm nay. Từ tháng 2 đến tháng 8/2015, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh tăng trưởng liên tục qua từng tháng.

Nhập khẩu tôm vào Anh tăng trưởng khá tốt trong 5 năm trở lại đây, duy nhất năm 2012, nhập khẩu giảm 11%.

Theo thống kê của ITC, 7 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Anh đạt 481,5 triệu USD; giảm nhẹ 1,6% do kinh tế EU vẫn chưa hồi phục, đồng EUR giảm giá so với USD khiến các nhà nhập khẩu phải trả giá cao hơn cho cùng 1 khối lượng hàng hóa.

Tuy nhiên, tổng nhập khẩu tôm vào Anh trong 7 tháng đầu năm nay đã giảm ít hơn so với các tháng trước do tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Canada trong tháng 6 và 7.

Trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đứng thứ 3 về cung cấp tôm cho Anh, sau Canada và Ấn Độ; chiếm gần 11% tổng nhập khẩu tôm của Anh. 

Trong số 10 nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Anh, Việt Nam là nhà cung cấp có tốc tăng trưởng cao nhất 48,4%; tiếp đó là Canada (nguồn cung cấp tôm lớn nhất cho Anh) với 47,4%.

Các nước Đông Nam Á như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia là các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam ở thị trường Anh. Tuy nhiên, nhập khẩu tôm từ các nước này sang Anh trong 7 tháng đầu năm nay lần lượt giảm 20%, 38% và 7% so với cùng kỳ năm 2014.

Nhập khẩu tôm từ Ấn Độ giảm do sản lượng tôm của nước này giảm và giá đang tăng. Trong khi nhập khẩu từ Thái Lan giảm là do nước này phải chịu thuế cao hơn khi xuất khẩu tôm sang EU.

Tôm hấp và chế biến của Thái Lan xuất khẩu  sang EU không còn được hưởng quy chế ưu đãi GSP nên mức thuế tăng lên 20%. Tôm nguyên liệu cũng sẽ bị mất thuế GSP 4% từ tháng 1/2015 và Thái Lan phải chịu mức 12%.

Mặc dù không thể thay thế tôm nước lạnh nhưng tôm nước ấm đang chiếm thị phần ngày càng cao tại thị trường Anh và thường được sử dụng trong các sản phẩm như sandwich và salad.

Tôm chân trắng cỡ 100/200 đang ngày càng trở thành lựa chọn an toàn nhất cho các nhà nhập khẩu châu Âu muốn thay thế tôm nước lạnh trong đó có Anh.

Giữa tháng 6/2015, người tiêu dùng Anh tăng nhu cầu đối với tôm nước ấm cỡ nhỏ do giá tôm nước lạnh cao (8 pao/kg).

Có lợi thế về sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng thị phần trên thị trường Anh - thị trường đang có nhu cầu cao với các sản phẩm tôm ăn liền, tôm hấp chín và các món finger food (món ăn được ăn trực tiếp bằng tay).

Xuất khẩu tôm sang EU nói chung và Anh nói riêng trong các tháng cuối năm dự kiến vẫn tăng, tuy nhiên mức tăng không nhiều do tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu.


Có thể bạn quan tâm

gia-cao-su-tocom-phuc-hoi-nhe Giá cao su Tocom phục… 1kg-hong-dac-san-da-lat-gia-2-000-dong 1kg hồng đặc sản Đà…