Mô hình kinh tế Xuất Khẩu Việt Nam Tăng Nhanh Bậc Nhất Châu Á

Xuất Khẩu Việt Nam Tăng Nhanh Bậc Nhất Châu Á

Ngày đăng 27/03/2014

Theo số liệu của ngân hàng ANZ, trong khoảng một năm qua, xuất khẩu của Việt Nam vượt trội so với các nước trong khu vực khi tăng tới 15%.

Trong khi đó, xuất khẩu của các nước ASEAN, như Thái Lan, Singapore hay Malaysia lại giảm. Lương nhân công thấp đang là điểm thu hút các công ty nước ngoài khi họ đang tìm kiếm địa điểm sản xuất rẻ hơn Trung Quốc. Cơ cấu dân số của Việt Nam cũng rất tiềm năng với tỷ lệ biết chữ cao, tạo ra lực lượng lao động phù hợp cho các nhà máy.

Khi thị trường Thái Lan dần kém hấp dẫn, Việt Nam lại nổi lên nhờ tính ổn định. "Nếu bạn là công ty nước ngoài muốn dời sản xuất sang nước khác, một trong những điều đầu tiên cần cân nhắc là đội ngũ lãnh đạo nước đó có hay thay đổi hay không", Trinh Nguyen - chuyên gia phân tích tại HSBC cho biết.

Nhu cầu nội địa của Việt Nam đã giảm xuống những năm gần đây do nhà chức trách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Việc này đã khiến xuất khẩu trở thành lực đẩy tăng trưởng chính. Đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia lớn như Intel hay Samsung cũng càng nâng vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng thiết bị điện tử, Wall Street Journal nhận xét.

Theo bà Devika Mehndiratta – chuyên gia kinh tế tại ANZ, Việt Nam đặc biệt hưởng lợi từ hai xu hướng trong sản xuất đồ điện tử. Đầu tiên là nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh. Bất chấp các lo ngại kinh tế suy giảm, đến nay, Trung Quốc vẫn cho thấy họ cũng góp phần vào thúc đẩy xuất khẩu của các nước châu Á. Gần 9% hàng xuất khẩu Việt Nam là sang Trung Quốc.

Thứ hai, nhập khẩu thiết bị viễn thông đang là phân khúc phát triển mạnh. Thị trường Mỹ chiếm gần 14% hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đây là tỷ lệ cao nhất châu Á. "Việt Nam đang là thị trường béo bở cho mảng điện tử. Trong khi chỉ 5-6 năm trước, lĩnh vực này hầu như chẳng có gì", bà Mehndiratta cho biết.

Xuất khẩu đồ điện tử của Việt Nam đã tăng gần 68% năm 2012, và 35% năm 2013. Xuất khẩu điện thoại tăng 85% và 67% trong hai năm đó.

Dĩ nhiên, tốc độ này sẽ giảm. Và Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Quá trình giải quyết nợ xấu ngân hàng chỉ vừa mới bắt đầu và sẽ phải mất thêm vài năm nữa. Bên cạnh đó, bất chấp nỗ lực của Chính phủ những năm vừa qua, lạm phát có thể sẽ lại vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, xuất khẩu Việt Nam vẫn có thể tăng mạnh hơn nữa khi ngày càng nhiều công ty tìm địa điểm thay thế Trung Quốc. HSBC dự đoán năm nay, con số này sẽ tăng 20%.

Với dân số khoảng 90 triệu người chưa có thu nhập đủ cao để vực dậy thị trường trong nước, "Việt Nam sẽ phải tăng thu nhập và GDP bằng cách tăng cung cấp cho các nước giàu hơn", Nguyen cho biết. "Từ tình hình của Trung Quốc, chúng ta có thể thấy chiến lược này không thể kéo dài mãi, nhưng trong một thập kỷ tới thì vẫn được", bà nói.


Có thể bạn quan tâm

ngu-dan-phu-yen-trung-mua-ca-ngu-dai-duong Ngư Dân Phú Yên Trúng… phu-yen-keu-goi-dau-tu-5-000-ty-dong-vao-4-du-an-nong-thuy-san Phú Yên Kêu Gọi Đầu…