Mô hình kinh tế Nông Dân Vẫn Mặn Mà Với Cây Cao Su
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Nông Dân Vẫn Mặn Mà Với Cây Cao Su

Ngày đăng 08/03/2014

Nông Dân Vẫn Mặn Mà Với Cây Cao Su

Siêu bão số 10 đã gây ra thiệt hại lớn cho cây cao su ở khu vực Bắc Trung bộ, trong đó, Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhưng với bản tính cần cù chịu khó của người miền Trung, những vườn cao su tan hoang sau bão giờ vẫn sẽ được thay thế bằng những vườn cao su mới.

Cây cao su được đưa về trồng trên vùng đất phía tây Quảng Bình từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trải qua hơn 50 năm cùng với việc thử nghiệm nhiều cây trồng khác nhau, nhưng đến nay, có thể khẳng định cây cao su đã đưa lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao hơn tất cả các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh.

Cây cao su đã phát triển rộng trên vùng gò đồi thuộc 6 huyện, thành phố trong tỉnh và đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân, gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, an sinh xã hội, góp phần thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở tỉnh.

Cùng với cao su tiểu điền, trên địa bàn tỉnh có 5 đơn vị trồng cao su đại điền là Công ty TNHH MTV Việt Trung với 3.000ha, Lệ Ninh 1.727ha, Long Đại 1.522ha, Bắc Quảng Bình 362ha và đoàn 79 thuộc Binh đoàn 15 là 760ha. Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 18.220ha cao su.

Tuy nhiên, bão số 10 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho cây cao su của tỉnh. Theo báo cáo, sau bão toàn tỉnh thiệt hại 12.174/18.220ha cao su, trong đó hơn 8.000 ha phải thanh lý. Huyện Bố Trạch là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của toàn tỉnh với trên 4.500ha bị gãy đổ. Một trong những hộ gia đình phải “khóc ròng” với cây cao su sau bão là gia đình ông Dương Đình Phương ở thị trấn Nông Trường Việt Trung với 8ha cao su bị gãy đổ, thiệt hại trên 90% diện tích.

Mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, đúng vào thời vụ trồng cao su trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 10 và hoàn lưu bão số 11 nên việc trồng mới gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự chỉ đạo của các cấp, các ngành và địa phương nên kết quả trồng cao su vượt kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới đạt 1.123ha/800ha kế hoạch.

Đến thời điểm này toàn tỉnh đã khôi phục diện tích hơn 4.000ha cao su và tiến hành trồng mới thêm cao su trên diện tích đất lâm nghiệp chuyển đổi.

Theo ông Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng Kỹ thuật Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Trên vùng gò đồi không chủ động nước tưới, thường xuyên bị khô hạn thì chỉ có cây cao su mới đưa lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Dù diện tích cao su của tỉnh bị gãy đổ trong đợt bão vừa qua rất lớn, thiệt hại vô cùng nặng nề nhưng địa phương vẫn khuyến khích người dân tiếp tục gắn bó với loại cây này.

Có thể ban đầu phải lấy ngắn nuôi dài bằng cách trồng xen canh các loại cây ngắn ngày để hỗ trợ việc tái hồi phục diện tích cao su đã gãy đổ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu, khảo nghiệm nhưng vẫn chưa tìm được cây trồng nào có thể sánh được với cây cao su. Cây cao su có những ưu điểm nhất định như khi chưa khép tán có thể trồng xen các loại cây khác làm tăng thu nhập; khi vào khai thác thì cho thu nhập cao, ổn định và chu kỳ khai thác dài; khi hết thời gian khai thác thì tận thu gỗ cây để bán vẫn cho thu nhập cao, đủ vốn để trồng lại... Chính vì vậy, sau thiệt hại cơn bão số 10, nhiều người dân vẫn chọn cây cao su để phát triển kinh tế.

Chị Lê Thị An, chủ một tiểu điền cao su ở thị trấn Nông trường Việt Trung cho biết: “Khi trồng cao su, chúng tôi phải chấp nhận có thể gặp rủi ro do bão. Hầu hết các loại cây trồng đều có thể bị thiệt hại do thiên tai, nhưng cây cao su có giá trị kinh tế cao hơn nên chúng tôi vẫn tiếp tục trồng sau bão”. Sau bão số 10, gần 90% trong 4ha vườn cao su của gia đình chị An bị đỗ gãy nhưng gia đình chị vẫn nhanh chóng thu dọn vườn, trồng mới lại để kịp thời vụ. Hiện nay, cao su của nhà chị đã bén rễ, phát triển rất tốt.

Với quyết tâm khôi phục lại cây cao su sau bão, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình đã hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật vun gốc, cắt tỉa cành đối với diện tích cao su còn có thể khôi phục.

Đối với những vườn cây bị thiệt hại nhẹ (trên diện tích mới trồng) tranh thủ thời tiết thuận lợi, tiến hành dựng cây cho thẳng đứng, cắm cọc để cho cây không bị nghiêng khi có gió bão, đào rảnh thoát nước ở các gốc cây, tránh nước đọng lại gây thối gốc, chết cây.

Những vườn cây thiệt hại nặng có tỷ lệ cây gãy, đổ hoặc bật gốc thì cần phải cưa thanh lý để tiến hành trồng mới trong các năm tiếp theo.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, nhìn chung các địa phương, đơn vị đã phục hồi xong diện tích thiệt hại, có thể phục hồi lại theo khuyến cáo của Sở. Số diện tích không phục hồi được, bà con đã tiến hành tận thu và thanh lý giải phóng vườn cây, chuẩn bị cho kế hoạch trồng mới năm 2014 và các năm tiếp theo.

Theo ông Trần Đình Hiệp, hiện chưa có giống cao su nào chống chịu được với bão, nhà trồng cao su có thể phải chịu rủi ro do bão. Để khắc phục vấn đề này, Nhà nước cần có qui định về bảo hiểm cho cây cao su, người trồng cao su cần phải tham gia bảo hiểm để những năm thuận lợi bù đắp cho những năm rủi ro do thiên tai.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Nhiều Vùng Trồng Dâu Bị Bọ Gây Hại Nhiều Vùng Trồng Dâu Bị… Lái Lúa “Chạy” Bỏ Tiền Đặt Cọc Lái Lúa “Chạy” Bỏ Tiền…