Mô hình kinh tế Bắc Giang Nỗ Lực Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu

Bắc Giang Nỗ Lực Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu

Ngày đăng 03/02/2015

Bắc Giang Nỗ Lực Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu

Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Bắc Giang trong năm 2014 tiếp tục "được mùa", ước đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ, song là năm không chỉ có thuận lợi đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của tỉnh.

Nỗ lực, mở rộng, thị trường, kim ngạch xuất khẩu, thuận lợi, doanh nghiệp

Tập trung cho sản phẩm thế mạnh

Là một trong các DN xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất tỉnh, năm 2014, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc đã đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu 826,9 triệu USD của ngành hàng này. Kim ngạch xuất khẩu của DN ước đạt 85 triệu USD, tăng 20% so với năm trước. Để đạt được kết quả như vậy, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc dưới sự “chèo lái” của Ban Giám đốc Công ty đã nỗ lực vượt qua không ít khó khăn, thử thách. 

Ông Trần Anh Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc cho hay: “Để vượt khó, ngay từ đầu năm, Công ty đã đề ra các giải pháp nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Công ty đầu tư 20 tỷ đồng đổi mới trang thiết bị, mua thêm các thiết bị tự động hóa như: Máy cắt vải, trải vải, chặt đỉa... qua đó tiết kiệm được nguyên liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cùng đó, đơn vị đã rà soát các công đoạn, quy trình sản xuất, tiết kiệm triệt để chi phí đầu vào không cần thiết”. Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng mới, đơn hàng chất lượng cao tại thị trường Mỹ, EU… được đơn vị coi trọng. Để hạn chế sự cạnh tranh từ các quốc gia có chi phí nhân công rẻ hơn, DN đã tập trung vào các dòng sản phẩm không phải thế mạnh của đối thủ, điển hình là các sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao như: Quần jean, áo jacket, áo khoác, váy áo trẻ em...

Với những giải pháp đồng bộ như vậy, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc đã giữ được đà tăng trưởng, bảo đảm việc làm với thu nhập bình quân 6,3 triệu đồng/người/tháng cho gần 3 nghìn lao động, tăng 800 nghìn đồng so với năm 2013.

Nhận định về thị trường xuất khẩu hàng may mặc năm 2015, ông Mạnh chia sẻ: “Năm 2015, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi, cùng đó, Việt Nam có thể sẽ ký kết một số hiệp định thương mại lớn mà ngành dệt may được hưởng lợi từ việc giảm thuế suất như: Hiệp định TPP, Hiệp định thương mại tự do FTA… vì vậy, thị trường năm tới sẽ tương đối thuận lợi cho DN dệt may nói chung và Công cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc nói riêng”.

Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh của công ty sẽ không mở rộng sản xuất mà tập trung vào đầu tư chiều sâu nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Cụ thể là đầu tư cải tiến trang thiết bị, máy móc hiện đại, đồng thời tăng cường công tác quản lý, có chế độ khen thưởng từng tháng để khuyến khích người lao động tăng năng suất… Mục tiêu năm 2015 của DN là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hơn 15%.

Đầu tư tiếp cận thị trường khó tính

Năm 2014 được đánh giá là khó khăn đối với các DN xuất khẩu nông sản. Được biết, năm qua, cùng với ngành chế biến nông sản xuất khẩu, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC (Lạng Giang) đã chịu tác động nặng nề từ việc đồng Rúp của Nga mất giá, bất ổn chính trị ở các nước Đông Âu khiến người tiêu dùng dè dặt trong chi tiêu, đơn hàng giảm nghiêm trọng (do Nga và các nước Đông Âu là thị trường lớn của các DN xuất khẩu nông sản).

Đặc biệt, sản xuất rau chế biến ở Ấn Độ (nước chiếm tỷ trọng lớn thị trường xuất khẩu nông sản) được mùa nên nguồn cung dồi dào, cạnh tranh mạnh mẽ với nông sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam khiến giá sản phẩm bị hạ.

Trao đổi với ông Phạm Văn Tiến, Phó Giám đốc Công ty được biết, trước những khó khăn trên, để đứng vững, ngoài thị trường truyền thống là Nga, Mỹ, Nhật Bản, đơn vị tăng cường xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm của mình và tiếp cận được một số thị trường mới như: Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Đức... Đây là những thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm cũng như thời gian giao hàng song có đơn hàng ổn định, số lượng lớn, giá cả phù hợp lại ít chịu sự cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Công ty phát triển thêm một số mặt hàng rau, củ chế biến mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng Nhật Bản như: Mộc nhĩ, măng, dưa chuột chẻ… Với những giải pháp như vậy, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của đơn vị ước đạt hơn 9,5 triệu USD, cao nhất trong số các DN xuất khẩu hàng rau quả trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên chỉ bằng 70% so với năm trước. Hiện Công ty đang tạo việc làm cho 150 lao động địa phương với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo nhận định của Ban Giám đốc Công ty, năm 2015 tiếp tục là năm khó khăn bởi dù đã tiếp cận được một số thị trường khó tính khác nhưng trong thời gian ngắn, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này chưa thể tăng nhanh do số lượng đơn hàng còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất để đáp ứng được các tiêu chuẩn của một số nước châu Âu như: Thụy Điển, Na Uy, Anh… qua đó từng bước tiếp cận những thị trường này. Đồng thời chú trọng liên kết với chính quyền địa phương, nông dân trên địa bàn tỉnh và một số địa phương trong nước như: Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… để phát triển vùng nguyên liệu. 

Cùng với cộng đồng DN, sự nỗ lực của những DN xuất khẩu đã góp phần tạo nên sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh.


Táo Giá Rẻ Nhập Khẩu Từ Ba Lan Táo Giá Rẻ Nhập Khẩu Từ Ba Lan Đẩy Mạnh Tiêu Thụ Thanh Long Bình Thuận Tại Hà Nội Đẩy Mạnh Tiêu Thụ Thanh Long Bình Thuận…