Mô hình kinh tế Bắc Ninh Sẵn Sàng Cho Vụ Nuôi Trồng Thủy Sản Xuân Hè

Bắc Ninh Sẵn Sàng Cho Vụ Nuôi Trồng Thủy Sản Xuân Hè

Ngày đăng 29/03/2014

Bắc Ninh Sẵn Sàng Cho Vụ Nuôi Trồng Thủy Sản Xuân Hè

Các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản cũng như nông dân Bắc Ninh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho vụ nuôi trồng thủy sản xuân hè 2014, phấn đấu hoàn thành mục tiêu nuôi trồng 5.480ha, sản lượng thủy sản đạt 35.500 tấn, sản xuất 225 triệu con giống các loại và giá trị sản xuất đạt 920 tỷ đồng trong năm 2014.

Từ nhiều ngày nay, các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản và hơn 10.000 hộ nuôi trồng thủy sản trong tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện công tác gia cố bờ bao, vệ sinh ao nuôi, chuẩn bị nguồn nước, sẵn sàng xuống giống đúng thời vụ.

Các đối tượng nuôi truyền thống như cá mè, trôi, trắm, chép... vẫn được xác định là những giống nuôi chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, sản phẩm có thể thu tỉa, thả bù quanh năm và thị trường tiêu thụ ổn định.

Các địa phương tiếp tục tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng ổn định diện tích, đẩy mạnh nuôi cá thâm canh tăng năng suất, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tăng chất lượng và giá trị sản phẩm; quản lý tốt môi trường, dịch bệnh vùng nuôi, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát các yếu tố đầu vào của sản xuất như con giống, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học...

Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân áp dụng phương pháp nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng theo chuỗi từ sản xuất tới tiêu dùng, ghi chép sổ nhật ký để kiểm soát nguồn gốc sản phẩm.

Về công tác quản lý con giống thủy sản, ngay từ đầu vụ các ngành chức năng đã phối hợp tổ chức kiểm tra, kiểm dịch, vệ sinh thú y tại tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn, khuyến khích các cơ sở áp dụng quy tắc quản lý trại tốt (BMP).

Qua kiểm tra, đã có 5 đơn vị là: HTX Thủy sản Nam Sơn, Công ty CP Sông Thiên Đức, Xí nghiệp Thái Giang, doanh nghiệp tư nhân Dung Đạt và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đạt tiêu chuẩn, dự kiến cung ứng giống cho 1.000ha nuôi thâm canh (2-3 con/m2). Cùng với đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu cải tạo, gia hóa đàn cá bố mẹ và tăng mức hỗ trợ cho cá giống lưu đông cũng góp phần quan trọng giúp các hộ chủ động, nâng cao nguồn giống chất lượng, thâm canh tăng vụ.

Bên cạnh những cách thức nuôi và vật nuôi truyền thống, Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng những mô hình, đưa một số giống mới vào sản xuất góp phần đa dạng hóa sản phẩm nuôi như: Mô hình nuôi cá lồng trên sông Đuống, sông Thái Bình tại các huyện Thuận Thành, Lương Tài; nuôi thâm canh cá trắm đen, cá lăng chấm tại các xã Giang Sơn, Bình Dương (Gia Bình). Các mô hình nuôi luân canh cá-lúa, nuôi con đặc sản như ba ba, rùa, cá sấu... cũng được các hộ nuôi trồng thủy sản đầu tư, bước đầu cho hiệu quả tích cực.

Để ổn định và phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, trong thời gian tới các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục duy trì, củng cố mạng lưới giám sát vùng nuôi và thực hiện tốt việc cảnh báo nhanh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

'lĐồng thời, nâng cao vai trò của các hiệp hội, các tổ chức nuôi trồng thuỷ sản; làm tốt công tác quy hoạch vùng, xây dựng chợ cá đầu mối hay nhà máy chế biến thủy sản để người nông dân có địa chỉ tiêu thụ sản phẩm khi thu hoạch, giúp người dân tiếp tục đầu tư theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, giá trị hàng hóa.


Quảng Ngãi, Quảng Nam Thả Cá, Tôm Giống Tái Tạo Quảng Ngãi, Quảng Nam Thả Cá, Tôm Giống… Sóc Trăng Không Sử Dụng Hóa Chất Cấm Trong Nuôi Tôm Sóc Trăng Không Sử Dụng Hóa Chất Cấm…