Báo động tình trạng sử dụng hóa chất trong ngành thủy sản
Thu hoạch tôm càng xanh.
Theo ông Tám, nếu không khắc phục tốt vấn đề này, ngành thủy sản Việt Nam có nguy cơ sẽ mất dần thị trường và ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu trên thị trường thế giới.
Theo số liệu của Cục Thú y, trong 9 tháng đầu năm, dù giá trị xuất khẩu giảm, số lô hàng thủy sản, đặc biệt là tôm nước lợ, bị các nước nhập khẩu cảnh cáo, trả về tăng cao đột biến.
Cụ thể, từ đầu năm 2014 đến tháng 9.2015, cả nước có gần 32.000 tấn hàng thủy sản các loại bị trả về do nhiễm kháng sinh cấm, vi sinh và các loại tạp chất khác.
Riêng 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam có 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước nhập khẩu trả về, trung bình mỗi doanh nghiệp có 5 lô hàng không đảm bảo chất lượng bị trả về.
Cá biệt, có một doanh nghiệp xuất khẩu bị trả về đến 70 lô hàng.
Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cho biết, các lô hàng bị cảnh báo chủ yếu xuất phát từ công đoạn nuôi trồng.
Tại cơ sở nuôi hiện chưa tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch đối với một số hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng.
Ngoài ra, một số đại lý thu mua nguyên liệu đã thu gom từ nhiều cơ sở nuôi khác nhau và gộp chung thành một lô nguyên liệu để cung cấp cho các cơ sở chế biến, nhưng lại không cung cấp đầy đủ thông tin khiến cho việc lấy mẫu thẩm tra của doanh nghiệp khó phản ánh được hiện trạng sử dụng thuốc.
Về phía doanh nghiệp, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt-Úc cho rằng, đây là hệ quả của cách làm ăn không bền vững, “hớt bọt” của một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản hiện nay.
Tương tự, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho rằng, môi trường nuôi trồng thủy sản ở nước ta hiện đang ô nhiễm ngày càng trầm trọng, khiến dịch bệnh ở tôm khó có thể kiểm soát được.
Các sản phẩm thuốc thú y thì được quảng cáo, bán tràn lan, người nuôi không biết đâu là sản phẩm thuốc thú y có thể sử dụng được, không để lại tồn dư kháng sinh cấm trong con tôm… Trong khi đó, phía Tổng Cục Thủy sản vẫn chưa đưa ra một mô hình hay quy trình nuôi tôm bền vững, an toàn để người nuôi áp dụng.
Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm qua, phía cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để khắc phục nhưng trên thực tế, kết quả vẫn còn rất hạn chế.
Rõ ràng, nếu không quản lý vùng nuôi, nguồn tôm nhiễm bệnh không thể xuất khẩu được thì sẽ được tiêu thụ ở thị trường trong nước và nhiều khả năng có thể bị nhiễm ung thư.
Trước những phản ánh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Như Tiệp thừa nhận, phương pháp quản lý của cơ quan nhà nước thời gian qua chưa thực sự hiệu quả.
Do đó, từ nay đến cuối năm, đơn vị này sẽ phối hợp với các ngành chức năng tập trung xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu, kinh doanh kháng sinh cấm tại các vùng nuôi trồng thủy sản.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, Bộ vừa phát động đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát chất lượng đối với thực phẩm xuất khẩu.
Lãnh đạo Bộ cũng vừa họp phối hợp với Bộ Công an, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tiến hành xử lý nghiêm một số đường dây buôn lậu vật tư nông nghiệp, kháng sinh cấm ở các địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang nghiên cứu sẽ treo giải thưởng cho tổ chức, cá nhân góp phần hỗ trợ cơ quan chức năng xử lý tình trạng kinh doanh, phân phối kháng sinh cấm tại các ao nuôi ở địa phương, đồng thời sẽ công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin về những đường dây buôn lậu và kinh doanh chất cấm, kháng sinh ở cơ sở.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng và khuyến khích người dân tham gia vào việc tố giác, cung cấp thông tin liên quan đến đường dây buôn lậu chất cấm, kháng sinh.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị NAFIQAD, Cục Thú y và Tổng cục Thủy sản gấp rút đề ra mục tiêu, phân công trách nhiệm cụ thể của các đơn vị từ Trung ương đến cấp trưởng thôn trong việc chống kháng sinh cấm từ nay cho đến cuối năm; trong đó, tập trung trước hết vào ngành hàng tôm nước lợ, đồng thời, lập danh mục những doanh nghiệp bị cảnh báo ở thị trường nước ngoài để phân loại và tăng tần suất kiểm tra đối với đơn vị vi phạm nhiều lần.
Các địa phương cung cấp tôm nguyên liệu cho chế biến có bị nước nhập khẩu cảnh báo, trả hàng về cũng sẽ đưa vào diện tăng cường kiểm tra, kiểm soát…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ