Xây dựng nông thôn mới chủ động tìm nguồn lực
Đa dạng nguồn lực
Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2015 ghi nhận sự hưởng ứng tích cực của người dân và các thành phần kinh tế.
Trong khi người dân tự nguyện đóng góp hàng chục nghìn ngày công, hiến và tháo dỡ hàng nghìn mét vuông đất, tường rào cổng ngõ… thì các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cũng sẵn sàng hỗ trợ vốn, cây con giống cho nhiều hộ dân để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Điển hình như Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Quảng Ngãi đã ủng hộ 20 tỷ đồng để xây dựng 4 trường mầm non, 2 trường THCS, 1 trạm y tế xã, 1 trung tâm y tế quân dân y và nhà ở cho các hộ nghèo;
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi (Vietcombank) hỗ trợ 100 con bò cho 100 hộ nghèo huyện Ba Tơ với tổng trị giá 1,5 tỷ đồng...
Nhờ cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình NTM tỉnh, nguồn lực huy động từ DN tham gia chương trình xây dựng NTM vẫn còn khiêm tốn.
Phần lớn các DN hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho người dân; cá biệt có đơn vị còn “quên” lời hứa tài trợ kinh phí cho chính quyền và người dân trong việc xây dựng công trình dân sinh.
Thế nên, để tranh thủ sự trợ sức từ phía DN, một số địa phương cho rằng không nhất thiết phải huy động DN hỗ trợ vốn, mà có thể là hiện vật.
“Ví như xã chúng tôi còn nhiều tuyến đường chưa được bê tông, cứng hóa thì có thể huy động DN hỗ trợ cát, sạn hay phương tiện máy móc”, ông Đoàn Tấn Nguyên - Chủ tịch UBND xã Hành Minh (Nghĩa Hành) bày tỏ.
Ngoài ra, để thuận lợi hoàn thành những tiêu chí hạ tầng, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, thì chính quyền xã đề xuất huyện xem xét cho phép sử dụng một phần nguồn tài nguyên (cát, sạn) tại chỗ thay vì “bán” cho DN như hiện nay.
Lý do là bán cho DN khai thác, nguồn ngân sách địa phương thu lại không nhiều nhưng lại tăng gánh nặng đóng góp cho người dân.
“Cân đối nguồn lực và lập kế hoạch đầu tư”
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đối với các xã đã và đang thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Thời gian qua, một số địa phương vì không cân đối được nguồn lực nên mới xảy ra tình trạng thiếu, thừa xi măng (từ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh) để làm giao thông nông thôn.
Đơn cử như xã Đức Hòa (Mộ Đức), Sơn Thành (Sơn Hà), dù đã đăng ký xin tỉnh hỗ trợ xi măng nhưng hai địa phương trên lại không nhận trên 1.000 tấn vì… không có kinh phí xây dựng!
Cũng vì thiếu kinh phí nên toàn tỉnh có hơn 700 tấn xi măng được các địa phương nhận về...
để đó, chứ chưa sử dụng.
Đã thế, theo ông Lê Nhân-Phó Giám đốc Sở GTVT thì dù Sở GTVT đã nhiều lần có văn bản hối thúc, nhưng các địa phương vẫn chưa báo cáo đăng ký nhu cầu xi măng để Sở tổng hợp trình UBND tỉnh bố trí giai đoạn 2016 – 2020.
Để tránh lãng phí cũng như nâng cao hiệu quả các công trình, ông Lê Nhân đề nghị:
“Trước khi đăng ký hỗ trợ xi măng, các địa phương cần gửi cho Sở GTVT bản quy hoạch hệ thống giao thông nông thôn và nội đồng để Sở kiểm tra, rà soát”.
Bởi thời gian qua, có tình trạng xã quy hoạch xây dựng đường giao thông nội đồng dài đến...
100km!.
“Con số này quá phi thực tế”, ông Nhân khẳng định.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu chính quyền các địa phương cần năng động tìm kiếm, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm giảm áp lực đóng góp cho người dân.
Đối với việc thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, các địa phương phải rà soát, kiểm tra thực tế nhu cầu trước để tránh tình trạng thừa, thiếu như thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ