Tin nông nghiệp Bắt bệnh bưởi Phúc Trạch

Bắt bệnh bưởi Phúc Trạch

Tác giả T.L, ngày đăng 20/03/2017

Bắt bệnh bưởi Phúc Trạch

Sâu bệnh gây hại là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến năng suất, chất lượng của cây bưởi Phúc Trạch – giống cây chủ lực của huyện Hương Khê. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do nguyên nhân này, các ngành chức năng của huyện tích cực hướng dẫn các hộ dân cách phòng trừ.

Trong ảnh: Bà con xã Phúc Trạch chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi.

Nhận được điện thoại của người dân thôn 8, xã Hương Thủy về hiện tượng bất thường của vườn bưởi sau đợt mưa lũ, anh Võ Tá Tài - cán bộ kỹ thuật Cơ sở Bảo tồn và Nhân giống bưởi Phúc Trạch đã đến ngay hiện trường. Quan sát từng gốc bưởi, anh nhận ra vườn cây đã bị bệnh thối rễ, vàng lá. Bên cạnh chỉ dẫn người dân đến cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật mua các loại hóa chất cần thiết, anh còn hướng dẫn tỉ mỉ cách pha chế, sử dụng thuốc hiệu quả nhất.

Anh Võ Tá Tài cho biết: “Bằng kiến thức, kinh nghiệm nhiều năm theo dõi, chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch, chúng tôi có thể nhận biết được diễn biến sâu bệnh theo mùa vụ, thời tiết và chủ động các phương án phòng trừ. Hiện tại, đơn vị đang trực tiếp hướng dẫn bà con 18/22 xã, thị trấn cách chữa bệnh trên cây bưởi, chủ yếu là bệnh thối gốc, chảy mũ và thối rễ, vàng lá.

Năm nay, do ảnh hưởng bởi thời tiết, những trận mưa lũ kéo dài xảy ra vào cuối năm 2016, hầu hết các vườn bưởi ở Hương Khê đều xuất hiện bệnh vàng lá, thối rễ và chảy gôm, chảy mủ trên thân cây. Đây là nguyên nhân dẫn đến cây bị chết dần và đổ gãy nếu không được chữa trị kịp thời.

Ông Trần Minh Trí (thôn 8, xã Hương Thủy) cho biết: “Gia đình ông có gần 100 cây bưởi, trong đó có 60 cây đã cho thu hoạch, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Hiện tượng sâu bệnh xuất hiện nhiều khiến ông mất ăn, mất ngủ. Tuy nhiên, nhờ được cán bộ kỹ thuật của Cơ sở Bảo tồn và Nhân giống bưởi Phúc Trạch kịp thời hướng dẫn nên gia đình ông Trí cũng như nhiều hộ dân nơi đây yên tâm đầu tư”.

Thôn 8, xã Hương Thủy có 100 hộ dân trồng bưởi. Được biết, do các vườn bưởi đều nằm dọc ven sông Ngàn Sâu nên bị ngập úng kéo dài từ đợt lũ kép năm 2016, dẫn đến trên 90% diện tích bị bệnh vàng lá, thối rễ và chảy gôm, chảy nhựa trên thân cây.

Hương Giang cũng là xã nằm dọc theo sông Ngàn Sâu nên bưởi cũng bị ảnh hưởng nặng nề sau lũ. Năm 2016, xã có khoảng 25 ha bưởi Phúc Trạch đã cho quả với tổng thu nhập gần 5 tỷ đồng. Nhưng đáng tiếc là hiện nay, gần như 100% vườn bưởi đều xuất hiện sâu bệnh, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ ra hoa, đậu quả trong mùa bưởi năm nay. Ngay tại “thủ phủ” Phúc Trạch, hiện tượng cây bưởi bị sâu bệnh cũng rất phổ biến, là nỗi lo thường trực của chính quyền và người dân địa phương.

Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: “Toàn xã có 150 ha bưởi đã cho thu hoạch và 220 ha trồng mới. Do thời tiết bất lợi, hiện tượng sâu bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, xã đã kịp thời phối hợp với Cơ sở Bảo tồn và Nhân giống bưởi Phúc Trạch chỉ đạo, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng, trừ. Vì thế, đến thời điểm này, diện tích bưởi bị sâu bệnh đã khắc phục xong, không còn đe dọa đến năng suất, chất lượng”.

Để bưởi Phúc Trạch giữ được vị trí là cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao thì việc giúp người dân kịp thời chữa trị bệnh vàng lá, thối rễ và chảy gôm, chảy nhựa hiện nay là việc làm cấp bách của các ban ngành chuyên môn. Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện Hương Khê, đặc biệt là sự vào cuộc của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện, trực tiếp là các cán bộ kỹ thuật của Cơ sở Bảo tồn và Nhân giống bưởi Phúc Trạch, tin rằng, cây bưởi Phúc Trạch lại tiếp tục đứng vững để mang lại những mùa quả ngọt cho người dân Hương Khê.


Ăn nên làm ra nhờ trồng lan Mokara Ăn nên làm ra nhờ trồng lan Mokara Đắk Nông: Nuôi dê bách thảo cho thu nhập ổn định Đắk Nông: Nuôi dê bách thảo cho thu…